Chi gần 1,75 triệu tỷ đồng ngân sách năm 2020
Chiều 12/11, Quốc hội tiến hành thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 với các chỉ tiêu cơ bản, bao gồm:
Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.512.300 tỷ đồng; Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.747.100 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách nhà nước là 234.800 tỷ đồng, tương đương 3,44% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 217.800 tỷ đồng, tương đương 3,2%GDP; Bội chi ngân sách địa phương là 17.000 tỷ đồng, tương đương 0,24%GDP.
Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước năm 2020 là 488.921 tỷ đồng.
Với 93,37% đại biểu nhấn nút tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020.
Cũng tại Nghị quyết này, Quốc hội đồng ý điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Một vấn đề quan trọng được giao Quốc hội giao Chính phủ thực hiện đó là điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2020.
Bên cạnh đó, giao Chính phủ tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.
Đề nghị ưu tiên chi 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo
Báo cáo giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, một số ý kiến ĐBQH đề nghị cần quan tâm, ưu tiên bố trí 20% tổng chi NSNN cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo theo đúng tinh thần Nghị quyết của Trung ương,
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện đúng Nghị quyết Trung ương, hàng năm Quốc hội quyết định dự toán NSNN luôn ưu tiên, bố trí đủ ngân sách cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Với dự toán NSNN 2020, Chính phủ đã xây dựng phương án chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã đạt khoảng 16% tổng chi NSNN, song tổng chi giáo dục - đào tạo, gồm chi thường xuyên, chi đầu tư và chi giáo dục - đào tạo trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng hằng năm cơ bản đã đạt khoảng 20% tổng chi NSNN, đúng theo Nghị quyết của Trung ương.
Đối với từng địa phương, dự toán chi về giáo dục - đào tạo được giao trên cơ sở quy mô về giáo dục - đào tạo và thực tiễn địa phương; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức chi giáo dục - đào tạo ở địa phương phải bảo đảm mức Quốc hội quyết định và Thủ tướng Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, một số đại biểu yêu cầu giải trình về việc dự toán chi sự nghiệp khoa học - công nghệ của NSNN năm 2020 giảm 1,2% so với dự toán năm 2019, trong đó, chi sự nghiệp khoa học - công nghệ của NSTW giảm 2,78%; chi sự nghiệp khoa học - công nghệ của NSĐP tăng 8,5% so với dự toán năm 2019. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đứ Hải cho biết, nguyên nhân chủ yếu do giảm chi các dự án khoa học - công nghệ thực hiện từ nguồn vốn vay nợ, viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, nếu tính cả chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ, chi ngân sách cho khoa học và công nghệ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng thì đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết của Trung ương.
Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục có biện pháp đẩy mạnh giải ngân các khoản kinh phí đã cấp các năm trước cho Quỹ phát triển khoa học - công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.
Công Luân - Hoa Liên