3 tháng đầu năm 2024 thu 715 tỷ đồng
CTCP Phát hành Sách Tp.Hồ Chí Minh (Fahasa - UPCoM: FHS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, Fahasa ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 715 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, tính trung bình, mỗi tháng doanh nghiệp này bỏ túi gần 240 tỷ đồng và mỗi ngày thu về gần 8 tỷ đồng doanh thu.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của công ty tăng hơn 1 tỷ đồng so với năm trước lên 10 tỷ đồng. Các loại chi phí khác được công ty kiểm soát ổn định. Kết quả, chủ sở hữu chuỗi nhà sách lớn nhất Việt Nam báo lãi trước thuế hơn 19 tỷ đồng trong quý I/2024; lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 15,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Năm 2024, Fahasa lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, lãi trước thuế 70 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 3 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 6% mục tiêu doanh thu và 27,14% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Trước đó, năm 2023, công ty đã ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục kể từ khi niêm yết trên sàn UPCoM vào năm 2018. Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu thuần 4.000 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2023, trong khi lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 53% so với năm trước lên 70 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế đạt 56,6 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ. Với mức doanh thu như vậy, trung bình mỗi ngày, chủ chuỗi nhà sách lớn nhất Việt Nam thu về gần 11 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Fahasa ghi nhận ở mức gần 1.389 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,1% so với hồi đầu năm. Chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 1.310 tỷ đồng, chiếm 94% tổng tài sản. Trong đó, hàng tồn kho chiếm một nửa trong cơ cấu tài sản công ty với giá trị hơn 735 tỷ đồng.
Khoản tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty đạt 436 tỷ đồng, giảm gần 10% so với đầu năm, chiếm 31% tổng tài sản.
Phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của công ty la 1.170 tỷ đồng, giảm 3,8% so với đầu năm. Phần lớn là nợ ngắn hạn với 1.168,6 tỷ đồng.
Hồi tháng 3 vừa qua, trên nền tảng Facebook rộ lên một số thông tin về việc nhà sách Fahasa đóng cửa. Ngay sau đó, Fahasa đã lên tiếng đính chính thông tin sai lệch này.
Theo đó, công ty tuyên bố đây là hành vi tung tin lừa đảo, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của công ty, đồng thời cho biết sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp bao gồm báo cáo đến các cơ quan quản lý Nhà nước và công an.
“Fahasa vẫn đang và sẽ tiếp tục hoạt động bình thường, tình hình kinh doanh những tháng đầu năm 2024 có kết quả tốt, doanh thu tăng trưởng, hệ thống 120 nhà sách trên toàn quốc liên tục phục vụ đông đảo khách hàng”, Fahasa nhấn mạnh.
Từ 20 đến 120 nhà sách trên toàn quốc
Fahasa được thành lập vào năm 1976 với tên gọi ban đầu là Quốc doanh Phát hành sách. Công ty chuyên kinh doanh: sách quốc văn, ngoại văn, văn hóa phẩm, văn phòng phẩm, dụng cụ học tập, quà lưu niệm, đồ chơi dành cho trẻ em…
Một số nhà sách trực thuộc công ty Fahasa còn kinh doanh các mặt hàng siêu thị như hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm… Năm 2006, công ty chính thức được chuyển đổi thành CTCP Phát hành sách Tp.Hồ Chí Minh, có tư cách pháp nhân độc lập.
Ngay sau khi cổ phần hoá, Fahasa bắt tay vào xây dựng, phát triển hệ thống nhà sách chuyên nghiệp trên toàn quốc. Từ 20 nhà sách được hình thành năm 1976, đến thời điểm tháng 6/2021, Fahasa đã có tổng cộng 120 nhà sách trên toàn quốc, 5 trung tâm sách, 1 Trang thương mại điện tử Fahasa.com và 1 xí nghiệp in.
Ngay đầu năm 2024, Fahasa đã tiếp tục khai trương 2 nhà sách lớn là Fahasa Trần Duy Hưng hồi tháng 2/2024 tại Vincom Center Trần Duy Hưng – Hà Nội với qui mô 800m2; Fahasa Kiên Giang khai trương ngày 6/3/2024 tại địa điểm mới với diện tích gần 800m2.
Tại thời điểm cổ phần hóa, vốn điều lệ của Fahasa là 22 tỷ đồng. Liên tiếp những năm sau đó, công ty không ngừng mở rộng quy mô vốn điều lệ thông qua các hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng, phát hành cổ phiếu thưởng, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP)...
Năm 2021, Fahasa thành công phát hành 36,4 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, tăng vốn điều lệ lên mức 127,5 tỷ đồng. Năm 2024, công ty không có kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Về cơ cấu cổ đông, theo báo cáo quản trị năm 2023, tại thời điểm cuối năm, cổ đông lớn của Fahasa đang nắm giữ đến 74% vốn. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Thuận hiện đang sở hữu hơn 4,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 37.8%;
Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Lê Thị Thu Huyền sở hữu 656.532 cổ phiếu, tương đương 5,15%; Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Quyền Tổng Giám đốc Phạm Nam Thắng sở hữu 201.926 cổ phiếu, tương ứng 1,58%.
Ngoài ra, Fahasa còn có 30,5% vốn góp Nhà nước do 2 Thành viên HĐQT là Phạm Thị Thu Ba sở hữu hơn 1,9 triệu cổ phiếu, đại diện 15% và Phạm Thanh Việt sở hữu hơn 1,8 triệu cổ phiếu, đại diện 14,5%.