Chủ đầu tư 'xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc' lên tiếng

Chủ đầu tư 'xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc' lên tiếng

Thứ 4, 01/05/2013 08:54

Ông Nguyễn Sỹ Bảo – giám đốc BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, cho biết: "Nếu hỏi rằng thực hiện dự án ở đây thì có ảnh hưởng tới di tích đàn Xã Tắc không thì phải khẳng định là có ảnh hưởng.

Tuy nhiên, trên thực tế vào năm 2006-2007 khi phát hiện ra di tích mà chúng ta vẫn hoàn thành được con đường, còn lần này chúng ta chỉ làm thêm một cây cầu, mà lại có cả sự vào cuộc của các nhà sử học, các chuyên gia... thì tôi tin rằng sẽ tìm ra được phương án hợp lý nhất".

Hơn 1 tháng qua, những thông tin về phương án xây cầu vượt qua đàn Xã Tắc đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Thủ đô. Sau khi ông Nguyễn Thế Thảo - chủ tịch UBND TP Hà Nội có ý kiến chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, tu chỉnh, hoàn thiện để chọn phương án tối ưu nhất cho nút giao thông này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Bảo – giám đốc BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án.

Ông Nguyễn Sỹ Bảo - giám đốc BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội.

Xã hội - Chủ đầu tư 'xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc' lên tiếng
Ông Nguyễn Sỹ Bảo - giám đốc BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội.

Khẳng định làm cầu vượt có ảnh hưởng tới đàn Xã Tắc

PV: Thưa ông Nguyễn Sỹ Bảo, có nhiều ý kiến cho rằng, các phương án xây cầu vượt qua đàn Xã Tắc đã không được thông báo kịp thời đến các cơ quan, hiệp hội nghiên cứu khoa học. Do đó, khi các phương án được nêu ra mới có sự phản biện mạnh như vậy. Ông có suy nghĩ gì trước những ý kiến này?

Ông Nguyễn Sỹ Bảo: Tôi không nghĩ vậy, vì dự án đang trong bước chuẩn bị đầu tư, quá trình nghiên cứu, đề xuất, lập phương án kiến trúc, quy hoạch mặt bằng đều thông qua tổ chuyên gia tuyển chọn phương án kiến trúc cầu vượt (gồm đại diện các Sở Ngành Thành phố, Hội quy hoạch PTĐT Hà Nội, Hội Kiến trúc sư VN, Hội cầu đường Hà Nội, Trường ĐH Kiến trúc, Trường ĐH Xây dựng...).

Về phía chủ đầu tư là đơn vị chúng tôi khi triển khai dự án này trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các kế hoạch đầu tư phát triển của thành phố gắn với việc thực hiện theo Luật di sản, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý văn hóa Trung ương và Hà Nội.

Ngày 28/3, chúng tôi đã thông qua cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức để thông tin về những công việc đang làm tại nút giao thông có liên quan tới Đàn Xã Tắc. Điều này cho thấy, chúng tôi đã chủ động trong công tác thông tin tới các nhà khoa học và dư luận nói chung, qua đó mong muốn nhận được ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học… từ đó tập hợp để tiếp tục nghiên cứu, tu chỉnh nhằm mục đích đưa ra được phương án tối ưu nhất.

Theo ông, việc thực hiện xây cầu vượt tại địa điểm này (nếu có) thì có ảnh hưởng tới di tích đàn Xã Tắc không?

Ông Nguyễn Sỹ Bảo: Nếu hỏi rằng thực hiện dự án ở đây thì có ảnh hưởng tới di tích đàn Xã Tắc không thì phải khẳng định là có ảnh hưởng. Tuy nhiên, trên thực tế vào năm 2006-2007 khi phát hiện ra di tích mà chúng ta vẫn hoàn thành được con đường, còn lần này chúng ta chỉ làm thêm một cây cầu, mà lại có cả sự vào cuộc của các nhà sử học, các chuyên gia... thì tôi tin rằng sẽ tìm ra được phương án hợp lý nhất.

Ngay cả dịp lễ 30/4 và 1/5 này, chúng tôi vẫn làm việc bình thường để kịp tiến độ vào tuần sau nghỉ lễ sẽ có đầy đủ một bộ hồ sơ, phối hợp với các Sở Ngành Thành phố để tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các hiệp hội, nhà nghiên cứu, chuyên gia.

Quan điểm của tôi là nếu phương án nêu ra mà chưa tìm được sự đồng thuận cao thì tiếp tục nghiên cứu tìm thêm giải pháp khác, chứ chúng tôi không cực đoan.

Vẫn phải làm cầu vượt qua đàn Xã Tắc?

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND TP, BQLDA các công trình trọng điểm của thành phố đã có những điều chỉnh gì và kết quả thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Sỹ Bảo: Chúng tôi cùng với đơn vị tư vấn tập hợp tất cả ý kiến của các chuyên gia (bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp qua báo chí) để đưa ra những phương án hợp lý nhất. Tôi khẳng định rằng, ý kiến góp ý của tất cả các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, lịch sử, khảo cổ… đều trên tinh thần xây dựng. Và nhờ có những góp ý, phản biện của họ mà chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn công việc của mình.

GS Phan Huy Lê có góp ý cho chúng tôi thông qua báo chí là có thể tính tới một phương án khác và hãy tạm dừng phương án xây cầu vượt lại. Về vấn đề này, chúng tôi cũng đã tính tới các phương án khác, và trong đó có cả phương án lý giải hết sức thỏa đáng cho GS Lê. Cụ thể về những phương án đó, chúng tôi sẽ gửi tới Giáo sư Lê và Hội khoa học Lịch sử Việt Nam trong ít ngày tới, đồng thời sẽ có trình bày tại hội thảo để các nhà khoa học tiếp tục phản biện, góp ý cho dự án.

Tôi tin rằng các nhà khoa học sẽ ủng hộ chúng tôi để hoàn thiện tuyến vành đai 1 hết sức quan trọng của Hà Nội. Triển khai dự án xây dựng có liên quan tới di tích là một việc rất khó, do đó mà chúng tôi hết sức thận trọng, và cũng mong rằng các nhà khoa học sẽ có nhiều góp ý trên tinh thần xây dựng, để dự án không bị tắc lại quá lâu, vì điều đó trước tiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhân dân.

Như vậy, ông vẫn khẳng định việc làm con đường hoặc cây cầu tại khu vực đàn Xã Tắc là cần thiết?

Ông Nguyễn Sỹ Bảo: Chắc chắn phải như vậy thì mới thông được vành đai 1. Trong khi tiến hành lập phương án thì chính đơn vị thi công chúng tôi phải thực hiện theo luật di sản, thấy có vấn đề là phải báo cáo ngay lãnh đạo các cấp. Tôi tin rằng các nhà sử học cũng muốn chúng tôi làm được một con đường để góp phần thuận lợi cho giao thông thành phố, nhưng cũng phải đảm bảo được yếu tố bảo tồn đàn Xã Tắc.

Tôi cho rằng, chúng ta bảo tồn phải song song với phát triển. Nếu chúng ta quá thiên về bảo tồn, vậy xin hỏi rằng con cháu chúng ta bây giờ và cả sau này khổ sở mỗi lần qua nút giao thông này, thì ai sẽ chịu? Chính con cháu chúng ta phải chịu.

Chúng tôi dự kiến ban đầu là 5 nhịp cầu thép và 6 nhịp bê tông, nó dựa trên tính toán hiệu quả về mặt kinh tế và công năng sử dụng lâu dài, để bớt tốn kém nhất nhưng vẫn hiệu quả, cũng giống như chuyện chúng ta xây nhà thôi. Nhưng có lẽ tới đây trong phương án tu chỉnh sẽ là hoàn toàn bằng cầu thép, để đảm bảo trong tương lai nếu có khai quật di tích và cần điều chỉnh những gì liên quan tới cây cầu thì dễ xử lý.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Giáo dục Việt Nam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.