"Chủ động hơn để tuyên bố với thế giới, Việt Nam là điểm đến an toàn"

"Chủ động hơn để tuyên bố với thế giới, Việt Nam là điểm đến an toàn"

Đinh Lạc Thành

Đinh Lạc Thành

Thứ 3, 22/03/2022 18:42

Tại Hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm phát triển du lịch thời gian tới.

Chiều 22/3, tại Quảng Ninh, hội nghị Phát động mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn được tổ chức với sự tham gia của hơn 400 đại biểu là lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch; đại diện các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Quảng Ninh, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước, các chuyên gia kinh tế, du lịch.

Hội nghị sẽ công bố phương án mở cửa lại hoạt động du lịch, công tác chuẩn bị phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế với những sản phẩm đa dạng, thích ứng trong bối cảnh bình thường mới.

Bộ VH,TT&DL đề xuất những điểm cần đạt được qua hội nghị

Tại sự kiện, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đây là sự kiện ý nghĩa nhằm hưởng ứng chủ trương mở lại hoạt động du lịch. Nhờ những chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc bao phủ vaccine trên toàn quốc cũng như các chính sách hỗ trợ và phát triển cho doanh nghiệp, người dân, thị trường du lịch Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tái khởi động phục hồi.

Sự kiện - 'Chủ động hơn để tuyên bố với thế giới, Việt Nam là điểm đến an toàn'

Ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

"Năm 2021, các doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch. Trong năm qua, cả nước đã phục vụ 40 triệu lượt khách nội địa. Chương trình thí điểm đón khách quốc tế từ cuối năm 2021 đến nay đã đón trên 10.000 lượt khách quốc tế. Việt Nam cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực về thị trường du lịch khi lượng khách quốc tế tìm kiếm Việt Nam hồi đầu năm tăng mạnh. 

Chính phủ cũng triển khai miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia, các quy định cởi mở hơn với khách quốc tế. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng phối hợp với các bộ ngành, cho phép mở lại hoạt động du lịch nội địa quốc tế qua các loại hình. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc thảo luận giữa các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp để đưa du lịch Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới", Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.

Ông Hoàng Đạo Cương cũng đề xuất những điểm cần đạt được qua hội nghị lần này gồm:

Nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến của Việt Nam, nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến với mục tiêu thu hút trên 5 triệu khách quốc tế năm 2022. 

Chất lượng sản phẩm du lịch cần được bổ sung thêm nhằm đáp ứng nhu cầu, đảm bảo nguồn lực, triển khai đa dạng các mô hình, kênh bán hàng cho du khách.

Tăng cường kết nối hàng không, khôi phục đường bay quốc tế, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp. Xúc tiến quảng bá và thu hút khách du lịch, tập trung và thị trường có sự phục hồi nhanh mạnh như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, các nước Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản... 

Liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, hàng không, điểm đến để nâng cao sức cạnh tranh. Đảm bảo an toàn phòng chống dịch, thích ứng an toàn, hiệu quả.

Thời điểm vàng để mở cửa lại du lịch

Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: "Đây là thời điểm vàng để mở cửa lại du lịch Việt Nam. Cũng như nhiều địa phương du lịch trọng điểm trên cả nước, tỉnh Quảng Ninh hội tụ đầy đủ điều kiện, tiềm năng, lợi thế, liên kết phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt phát triển du lịch. Quảng Ninh được ví như Việt Nam thu nhỏ, rất giàu tiềm năng du lịch đặc sắc, phong phú với nhiều cảnh quan, với 2077 hòn đảo lớn nhỏ.

Quảng Ninh có nhiều cơ sở du lịch nổi tiếng trên bộ, trên biển, có cửa ngõ giao thương với Trung Quốc; có 632 danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, rừng, núi, đặc biệt có vịnh Hạ Long 2 lần được Unesco vinh ghi nhận sản Thiên nhiên Thế giới và được vinh danh Kỳ quan thiên nhiên Thế giới. 

Với các giải pháp đồng bộ, chuyển đổi từ nâu sang xanh theo hướng phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực triển khai, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển thành công mục tiêu kép trên mọi lĩnh vực".

Sự kiện - 'Chủ động hơn để tuyên bố với thế giới, Việt Nam là điểm đến an toàn' (Hình 2).

Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Cũng theo ông Văn, Quảng Ninh đã chủ động thần tốc triển khai vắc-xin, đạt 99% từ 12 tuổi trở lên. Đối với công tác phòng chống dịch trong du lịch, đến nay Quảng Ninh có trên 70 cơ sở dịch vụ an toàn cao và 1467 cơ sở dịch vụ lưu trú an toàn.

Trong 2 năm qua, với việc phòng chống dịch hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh đã hết sức chú trọng đầu tư cho du lịch, xác định đây là giai đoạn cấp thiết, đồng thời là cơ hội đổi mới lại du lịch. Tỉnh đã chú trọng duy trì du lịch với Trung Quốc và ASEAN, hai hành lang, một vành đai...

Để đảm bảo mở cửa thành công, Quảng Ninh mong muốn, Bộ Ngoại giao và các hãng hàng không tiếp tục hỗ trợ các chính sách kích cầu du lịch.

Thực hiện mở cửa du lịch an toàn

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết đây là dấu mốc hết sức quan trọng của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian qua, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và là hoạt động mở cửa giao thương với quốc tế sau thời gian dài đóng cửa vì đại dịch.

"Chính phủ đã tích cực hỗ trợ ngành du lịch khôi phục. Bằng chứng là Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong việc bao phủ vắc-xin Covid-19, đang tiến hành tiêm cho trẻ 5-12 tuổi. Trong năm 2021, ngành du lịch Việt Nam vẫn duy trì kết nối với các thị trường mục tiêu và đạt nhiều giải thưởng châu Á và thế giới.

Việc mở cửa trở lại không chỉ khôi phục nền kinh tế, còn khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện; góp phần nâng cao du lịch Việt Nam trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới cũng đang khôi phục.

Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan ban hành quy định khôi phục du lịch năm 2022. Về phương án, ông Khánh nêu rõ: "Mở cửa toàn bộ đường hàng không, đường bộ, đường thủy, đường sắt, đối tượng áp dụng là khách du lịch nội địa, quốc tế và người Việt Nam ra nước ngoài" - Ông Khánh thông tin.

Sự kiện - 'Chủ động hơn để tuyên bố với thế giới, Việt Nam là điểm đến an toàn' (Hình 3).

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng.

 

Tiếp đó, bà Nguyễn Minh Hằng - Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Bộ Ngoại giao chia sẻ với Hội nghị về việc Bộ đã và đang hỗ trợ quảng bá, truyền thông du lịch Việt Nam ra nước ngoài và hỗ trợ kết nối du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.

Sự kiện - 'Chủ động hơn để tuyên bố với thế giới, Việt Nam là điểm đến an toàn' (Hình 4).

Bà Nguyễn Minh Hằng - Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Bộ Ngoại giao.

Theo bà Minh Hằng, việc triển khai mở cửa du lịch của Việt Nam có một số thuận lợi gồm: xu thế dịch bệnh đã thay đổi, có thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, sự cấp tính của bệnh có thể sớm được dỡ bỏ vào quý III, IV năm nay. Chính sách mở cửa du lịch đã được hơn 50 quốc gia áp dụng; cùng với đó là nhu cầu du lịch của người dân trên thế giới có xu hướng tăng (60% người dân Mỹ có kế hoạch đi du lịch trong năm 2022). Chưa kể, đà phục hồi kinh tế trong nước được thúc đẩy mạnh trong năm nay cũng như các phương án triển khai cho việc mở cửa du lịch đã khá thông thoáng.

Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng sẽ gặp một số thách thức khi mở cửa du lịch. Thứ nhất là vẫn phải theo dõi diễn biến dịch bệnh. Hai là, các chính sách đi du lịch ở một số nước còn khá hạn chế, ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch quốc tế của người dân.

"Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả. Chúng tôi cũng tăng cường cung cấp thông tin về xu hướng du lịch, đánh giá tình hình, nhu cầu du lịch ở các nước giúp Việt Nam nhanh nhạy nắm bắt, đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin mở cửa du lịch ở nước ta với người dân các quốc gia trên thế giới, tích cực triển khai quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam", bà Hằng nhấn mạnh.

"Chưa quyết đoán trong việc mở cửa"

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế cũng có những ý kiến thẳng thắn của mình về tình hình du lịch thời gian qua: "Du lịch và hàng không là 2 ngành tổn thất nặng nhất trong 2 năm vừa qua do Covid-19. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiêm vắc-xin giỏi nhất nên trở thành đất nước an toàn nhất nhưng bản thân chúng ta vẫn rụt dè, chưa quyết đoán trong việc mở cửa.

Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cần có lộ trình rõ ràng, chủ động hơn để tuyên bố với thế giới, Việt Nam là điểm đến an toàn. Chúng ta cần tận dụng được thời cơ, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Phải tính đến quan hệ lợi ích và chi phí, phải bỏ chi phí trước để thu về lợi ích sau này".
 
Sự kiện - 'Chủ động hơn để tuyên bố với thế giới, Việt Nam là điểm đến an toàn' (Hình 5).

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Trần Đình Thiên.

 
Ông Thiên cũng khẳng định, việc mở cửa du lịch là cơ hội Việt Nam thay đổi cấu trúc du lịch để nâng cao vị thế, tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực. Ông Thiên cũng tư vấn cho du lịch tỉnh Quảng Ninh cần thay đổi nhiều hơn nữa dù hiện tại đã làm tương đối tốt: "Chúng ta không chỉ du lịch mùa hè mà còn cả mùa đông, hướng tới du lịch 4 mùa.. Khát vọng thay đổi của du lịch Quảng Ninh rất mạnh, đang làm rất tốt. Hy vọng Quảng Ninh là địa phương mở đầu cho những thay đổi tích cực của ngành du lịch Việt Nam trong năm nay".
 
Ở góc độ một doanh nghiệp có hệ thống điểm đến trải dài khắp cả nước, với những công trình thu hút lượng du khách trong và ngoài nước, Tập đoàn Sun Group cũng có sự chuẩn bị cụ thể cho tình huống đặc thù khi mở cửa du lịch. Bà bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Sun Group chia sẻ: "Quảng Ninh là tỉnh mà Sun Group dành tình yêu lớn, đặt trên vai sứ mệnh góp phần làm thay đổi vùng đất này. Hai năm qua, đại dịch làm tổn thương nặng nề với ngành du lịch nói chung và Sun Group nói riêng nhưng chúng tôi chưa bao giờ chùn bước. Sun Group mong muốn góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng mà tập đoàn đặt chân tới và góp phần thay đổi hệ sinh thái nơi đây. Mục tiêu của tập đoàn là biến Quảng Ninh trở thành 'kỳ quan 4 mùa".
Sự kiện - 'Chủ động hơn để tuyên bố với thế giới, Việt Nam là điểm đến an toàn' (Hình 6).

Bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Sun Group.

Cũng theo đại diện Sun Group, Quảng Ninh còn nhiều tiềm năng đang bỏ ngỏ, đặc biệt là tiềm năng du lịch ngoài biển đảo hay tại các vùng núi. Bên cạnh đó, mùa vụ và những yếu tố hạ tầng cơ sở cũng là yếu tố ngăn trở Quảng Ninh khai thác hết những tiềm năng này. Tuy nhiên, những hệ sinh thái du lịch sẽ giải quyết được các yếu điểm đó. Việc phát triển du lịch theo hệ sinh thái sẽ đẩy mạnh các ưu thế và khắc phục nhược điểm mùa vụ, để Quảng Ninh có thể hút khách bốn mùa.

Cần có thông điệp truyền thông mang tính tổng thể

Trương Quốc Hùng - Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội chia sẻ: "Ở tâm thế là người đi tìm sản phẩm, chúng tôi chú trọng tới việc kết nối, trực tiếp khảo sát sản phẩm trước khi đưa đến tay khách hàng. Trong ngành du lịch, đem lại niềm vui, nụ cười cho khách, chính là bán sự hài lòng cho khách hàng. Du lịch muốn bền vững phải tạo sự hài lòng cho du khách sự hài lòng trong trải nghiệm. Chúng tôi luôn tự đánh giá khả năng của mình, chú trọng tới việc chăm sóc khách hàng tốt nhất có thể.

Còn bà Nguyễn Thị Lê Hương - Phó tổng giám đốc Vietravel cho biết, việc chuẩn bị và quay trở lại thị trường du lịch vẫn còn gặp phải nhiều vấn đề, mức độ sẵn sàng chưa được trọn vẹn, chưa có tính tổng thể mạnh mẽ.

Theo đó, đại diễn Vietravel có một số đề xuất để du lịch trở lại thăng hoa như trước đây.

Sự kiện - 'Chủ động hơn để tuyên bố với thế giới, Việt Nam là điểm đến an toàn' (Hình 7).

Bà Nguyễn Thị Lê Hương - Phó tổng giám đốc Vietravel.

"Chúng ta cần có thông điệp truyền thông mang tính tổng thể, kết nối các vùng, các tỉnh để gửi thông điệp tới thế giới rằng Việt Nam đang chào đón du khách. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có chính sách một cách rõ nét hơn nữa về xử lý dịch bệnh. Ví dụ, khi khách du lịch đến Việt Nam không may mắc Covid-19 thì xử lý như thế nào? Đường bay Quốc tế đã mở nhưng tần suất bay chưa đủ.

Do đó, Chính phủ cần xem xét bình thường hoá dịch bệnh. Khách trên các chuyến bay không cần xét nghiệm Covid-19, như vậy sẽ tạo thế cân bằng giữa khách nội địa và khách quốc tế, và các chuyến bay sẽ được nâng tần suất nhiều hơn. Nguồn nhân lực thực sự vẫn chưa sẵn sàng. Do đó, địa phương cần kết nối nguồn nhân lực hơn để tạo ra sức mạnh cạnh tranh để du lịch có thể cất cánh",  Nguyễn Thị Lê Hương chia sẻ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.