Chủ nghĩa tiêu dùng nhìn từ lễ hội Halloween ngốn tiền giới trẻ

Lê Thanh Hồng

Lê Thanh Hồng

Thứ 3, 01/11/2022 07:30

Để gia nhập đêm hội Halloween “đúng điệu”, không bị lạc quẻ, giới trẻ sẽ phải chi từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng cho một bộ đồ. Và nó chỉ dùng được một lần.

Halloween (All Hallows' Eve) hay còn được gọi là lễ hội ma quỷ mang ý nghĩa tôn giáo, bắt nguồn từ các quốc gia phương Tây. Đặc trưng của lễ hội này là các hình ảnh kinh dị như trái bí ngô và mọi người trong ngày này sẽ hoá trang thành các nhân vật ma quái, tạo hình ghê rợn.

Những năm gần đây, lễ hội trên đang dần du nhập vào Việt Nam và nhận được sự hưởng ứng đông đảo từ bộ phận các bạn trẻ. Không chỉ vậy, ngày lễ này còn nhận được sự hưởng ứng từ các trường học, sẵn sàng tạo ra sân chơi cho học sinh được tìm hiểu thêm về văn hoá phương Tây.

Thói a-dua tốn tiền

Dạo một vòng quanh các cửa hàng tại Hà Nội từ giữa tháng 10, bên cạnh những biểu tượng đặc trưng của ngày Halloween, các cửa hàng còn bày bán những bộ đồ hoá trang kinh dị, thậm chí là những thứ vũ khí đồ chơi “nguy hiểm”, khiến nhiều người đi qua không khỏi giật mình. Giật mình không chỉ bởi các bộ trang phục ghê rợn mà còn bởi các mức giá của nó.

Theo khảo sát của Người Đưa Tin, quần áo cho ngày Halloween có giá dao động từ 180.000 - 400.000 đồng, tùy vào độ tuổi và chất liệu. Mặt nạ thường có giá dao động từ 50.000 - 200.000 đồng/chiếc. Trung bình, nếu mua đồ hoá trang đầy đủ "chất chơi" sẽ mất ít nhất khoảng 250.000 đồng, và thường chỉ dùng được một lần.

Vậy vấn đề đặt ra ở đây là: "Liệu sự kiện Halloween có phải giao thoa văn hoá hay chỉ là sự du nhập văn hoá có mục đích của chủ nghĩa tiêu dùng?".

Trao đổi với Người Đưa Tin, chị Trần Thị Bích Phương (Hà Nội) đang có con học lớp 3 cho biết: "Bé nhà tôi được học tiếng Anh từ sớm nên có cơ hội được tiếp xúc với nhiều văn hoá được du nhập từ phương Tây, không chỉ Halloween mà còn nhiều lễ hội khác. Nhà trường cũng tạo ra cơ hội cho các cháu vui chơi nhân các dịp lễ hội này nhưng cũng đem lại khá nhiều bất cập".

Tiêu dùng & Dư luận - Chủ nghĩa tiêu dùng nhìn từ lễ hội Halloween ngốn tiền giới trẻ

Các cửa hàng bày bán đồ Halloween tại Hàng Mã (Ảnh: Phạm Tùng).

"Việc hóa trang theo hình tượng kinh dị là điều tôi cảm thấy lo nhất, vì phần nào sẽ ảnh hưởng đến tâm lý non nớt trẻ nhỏ. Ngoài ra chi phí để mua trang phục hóa trang cũng không hề rẻ nhưng chỉ dùng một lần, các bé lớn nhanh nên năm sau cũng ko thể tận dụng lại được", chị Phương cho biết thêm.

Bên cạnh đó, bạn Nguyễn Thuỳ Dương (Đại học Ngoại Thương) chia sẻ: “Lễ hội Halloween là dịp tốt để giới trẻ chủ động tìm tòi, giao lưu văn hoá. Tuy nhiên, cá nhân mình thấy, văn hoá này được tiếp thu khá cảm tính, phần nhiều người Việt Nam chưa thực sự hiểu được nguồn gốc của lễ hội này hay những điểm tương đồng văn hoá giữa lễ hội này và văn hoá Việt Nam, dẫn đến những điều thái quá”.

Đồng thời, bạn Dương cho rằng việc nhiều người trẻ tổ chức đi chơi, hóa trang rùng rợn với mục đích hù doạ nhau khiến nhiều người không hiểu sẽ thấy phiền hoặc khó chịu. Ngoài ra, có những cửa hàng làm ra các mẫu sản phẩm ghê rợn không phù hợp với văn hoá Việt Nam chỉ để kinh doanh thu lợi nhuận cũng là điều chưa thích hợp hiện nay.

Bàn về vấn đề giá cả của sản phẩm hóa trang, bạn Thuỳ Dương nói: “Phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng người mà sẽ có người thấy đắt, có người thấy bình thường. Nhưng theo mình, không nên quá quan trọng việc phải hóa trang thật rùng rợn, đầu tư thật nhiều đồ mới là đi chơi Halloween mà nên chú trọng vào ý nghĩa của dịp lễ này”.

Du nhập văn hóa phải có lợi cho người Việt

Nhận định về hiện tượng văn hoá Halloween tại Việt Nam, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội kiêm Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng đây là kết quả tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế. Có thể thấy rằng, nhiều hiện tượng văn hóa trên thế giới được du nhập vào Việt Nam trong thời gian vừa qua. Trong quá trình đó, chúng ta cần lựa chọn để khiến điều đó phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Tiêu dùng & Dư luận - Chủ nghĩa tiêu dùng nhìn từ lễ hội Halloween ngốn tiền giới trẻ (Hình 2).

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội kiêm Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

“Tuy nhiên, theo đúng quy luật của tiếp biến văn hóa, ban đầu những hiện tượng đó luôn có những màu sắc, bản chất ngoại quốc khá nặng. Tức chu kỳ của một quá trình tiếp biến bắt chước nguyên vẹn, sau đó sẽ cải biến cái hiện tượng đó, đưa nhiều yếu tố văn hóa Việt Nam vào. Sau đó, có thể biến hiện tượng này hoàn toàn theo những màu sắc của Việt Nam”, ông nói.

Vị Đại biểu Quốc hội khẳng định hiện tượng Halloween mới vào Việt Nam, nên bóng dáng của những yếu tố nước ngoài còn khá nhiều trong văn hoá này. Đây là điều mà những người yêu văn hóa không muốn nhìn thấy vì tuy là một hiện tượng quốc tế ở Việt Nam nhưng chúng ta kỳ vọng hiện tượng này phải phục vụ cho lợi ích của người Việt Nam.

“Mặc dù vậy, chúng ta cũng phải chấp nhận rằng trong giai đoạn đầu, hiện tượng này nó sẽ có rất nhiều màu sắc, nội dung, hình thức của văn hóa nước ngoài. Cụ thể, chúng ta sẽ có những lo ngại nhất định vì những hiện tượng này quá xa lạ so với người Việt Nam và nhiều khi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị yếu thẩm mỹ, thậm chí đến cả túi tiền của người Việt trong giai đoạn này”, ông Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Sơn khuyên nhủ người dân cần phải bình tĩnh và không nên lo lắng quá, bởi rõ ràng khi sống ở trong một thế giới toàn cầu hóa thì việc một hiện tượng văn hóa nước ngoài du nhập vào Việt Nam trở nên tất yếu. Điều quan trọng nhất là phải tìm cách xử lý những sự kiện nước ngoài này để tôn vinh những giá trị Việt Nam, góp phần tạo điều kiện giúp cho mọi người có nhận thức tốt hơn, hành xử tốt hơn, từ đó, xây dựng nên đạo đức con người cũng như những giá trị nhân văn cho con người.

Tiêu dùng & Dư luận - Chủ nghĩa tiêu dùng nhìn từ lễ hội Halloween ngốn tiền giới trẻ (Hình 3).

Thay vì việc nhập khẩu quá nhiều những sản phẩm nước ngoài, chúng ta phải tìm cách tạo ra những sản phẩm chứa đựng văn hoá Việt Nam (Ảnh: Phạm Tùng).

Bàn về những giải pháp cho hiện tượng này, vị đại biểu Quốc hội cho biết, chúng ta đã có nhiều bài học từ các hiện tượng tương tự như vậy, ví dụ như Giáng sinh hay ngày lễ Tình nhân Valentine, vậy nên nếu có được nhận thức tốt, định hướng tuyên truyền và định hướng chính sách tốt thì những hiện tượng văn hóa quốc tế như Halloween cũng có thể truyền tải được những giá trị văn hóa Việt Nam.

“Ngoài ra, có thể giúp cho chúng ta thực hiện được những nhiệm vụ xây dựng đạo đức con người và phát triển kinh tế xã hội. Quan trọng là chúng ta phải lồng ghép được những giá trị Việt Nam vào để tôn vinh những giá trị Việt Nam. Ví dụ như những sự kiện Halloween được tổ chức ở một số trường, các trường đã biết cách lồng ghép những giá trị văn hóa hoặc giảng dạy, tổ chức sự kiện để các em học sinh học về bảo vệ môi trường hay những bài học trong xã hội. Đây là một cách đúng đắn mà chúng ta đang đưa những nội dung lành mạnh, tích cực vào các hiện tượng Halloween.

Về kinh tế, thay vì việc nhập khẩu quá nhiều những sản phẩm nước ngoài để bán và tiêu thụ những sản phẩm này cho họ thì chúng ta phải tìm cách tạo ra những sản phẩm Việt Nam. Từ đó, sẽ giúp ích cho sự phát triển kinh tế trong nước”, ông Sơn đề xuất.

Thanh Hồng - Phương Anh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.