Là một fan của tiểu thuyết Tây du ký chắc hẳn không ai là không biết đến ngôi nhà của Tôn Ngộ Không – Thủy Liêm Động, Hoa Quả Sơn. Song, ít người thực sự biết được rằng người sở hữu Thủy Liêm Động trước Tôn Ngộ Không là ai?
Trong phần đầu nguyên tác Tây du ký có đoạn viết, những con khỉ sau khi vui chơi, ca hát, ăn uống no nê thỏa mãn nên rủ nhau đi tắm. Sau khi nhận được sự đồng ý, những con khỉ lôi kéo nhau đến một dòng suối, một trong số đó đột nhiên hét lớn:
“Ai có thể nhảy xuống nước mà không bị thương, ta liền tôn người đó là đại vương, từ nay nguyện làm quân trung thành đi theo!”.
Sau 3 hồi lớn tiếng hỏi nhưng tất cả đều im lặng, Tôn Ngộ Không mạnh mẽ bước ra can đảm nói: “Ta đi! Ta đi!”.
Vừa nói xong Tôn Ngộ Không liền nhắm chặt mắt nhảy vào dòng nước đang chảy xiết. Nào ngờ sau khi mở mắt ra, xung quanh không xuất hiện chút sóng hay nước nào mà chỉ có chiếc cầu sắt trong suốt. Bước sang phía bên kia chiếc cầu, một thế giới khác biệt mở ra trước mắt Tôn Ngộ Không.
Bên trong xuất hiện một ngôi nhà lớn, trước cánh cửa cũ có tấm biển khắc:
“Hoa Quả Sơn phước địa
Thủy Liêm Động động thiên”.
Không những vậy, theo những chi tiết xuất hiện trong truyện như: Có dấu vết lửa cháy trong nồi, bếp gần vách đá; chiếc giường và bát đũa đĩa bằng đá vô cùng dễ thương; một sào, hai sào trúc dài và rộng… đều cho thấy nơi đây từng có người ở qua.
Bát đũa, giường ghế, bếp hay cây trúc đều không phải những vật có thể tự nhiên sinh ra và phát triển được. Chúng đều là sản phẩm từ bàn tay của con người, được sáng tạo ra mà tồn tại.
Có ý kiến cho rằng, đây là nơi Long Vương dùng để gặp mặt tình nhân. Nói điều này không phải không có cơ sở vì theo nguyên tác, Đông Hải Long Vương ở gần Thủy Liêm Động nhất. Sau này, khi Tôn Ngộ Không học thông thạo võ nghệ, phép thuật nhưng lại chưa tìm được binh khí ưng ý quay lại Hoa Quả Sơn, đem phiền não này tâm sự với bốn con khỉ lớn tuổi nhất ở đây. Nghe xong, bốn con khỉ già liền hỏi: “Đại Vương có thể xuống nước không?”
“Đừng nói xuống nước, lên trời ta còn làm được”, Tôn Ngộ Không tự tin.
“Nếu Đại Vương có pháp lực thần thông, chỉ cần đi xuống cây cầu ở Thủy Liêm Động liền có thể đi vào Đông Hải Long Cung. Sau đó Đại Vương đi tìm Long Vương, hỏi xin một chiếc binh khí xem sao?”
Dựa vào chi tiết này chúng ta có thể thấy, Long Vương quả thực có biết đến Thủy Liêm Động, thậm chí còn thường xuyên đến đây đi dạo. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là khi Tôn Ngộ Không xuất hiện, Long Vương vội vã mời Ngộ Không vào trong, rót nước cung kính gọi 2 tiếng “thượng tiên”.
Trong cuộc trò chuyện, Long Vương hỏi Tôn Ngộ Không: “Thượng tiên đắc đạo khi nào? Đã tinh thông tiên pháp gì rồi mà lại có thể xuống đây?”.
Câu hỏi này lại khiến chúng ta nghi ngờ về Long Vương, nếu như ngài ta thực sự là chủ nhân của Thủy Liêm Động, chẳng nhẽ lại không biết nơi ấy thông với Long Cung?
Bên cạnh đó, có một giả thiết khác được nhiều người đồng tình hơn đó là, Thái Thượng Lão Quân mới đúng là chủ nhân thực sự của Thủy Liêm Động.
Thái Thượng Lão Quân là tổ tiên của Đạo giáo, luôn quan sát nhất cử nhất động của Tôn Ngộ Không và cũng là vị thần tiên gắn liền với Tôn Ngộ Không nhất. Có thể lúc trước, khi Tôn Ngộ Không vẫn chỉ là viên đá đang hấp thụ tinh linh của trời đất, Thái Thượng Lão Quân lại chính là người sinh sống trong Thủy Liêm Động, ngày ngày quan sát Tôn Ngộ Không.
Không những vậy, Kim Cô Bổng (gậy Như ý) mà Tôn Ngộ Không lấy được từ Đông Hải Long Cung trước kia thuộc sở hữu của Đại Vũ, còn người chế tác ra binh khí này lại là Thái Thượng Lão Quân. Kể từ lúc Đại Vũ khống chế được nước xong, Kim Cô Bổng mới phát sáng thêm lần nữa khi gặp Tôn Ngộ Không phần nào cho thấy, có vẻ như Thái Thượng Lão Quân đã định sẵn đây chính là binh khí của Tôn Ngộ Không chăng?
Tuy nhiên, Thái Thượng Lão Quân không thể lộ liễu chỉ điểm cho Tôn Ngộ Không cách có được Kim Cô Bổng. Vì thế chính ông đã tạo ra mật đạo nối thẳng Thủy Liêm Đông xuống Đông Hải Long Cung, để rồi thông qua con khỉ già sống lâu năm ở Hoa Quả Sơn chỉ điểm Tôn Ngộ Không lấy được thứ bảo bối quý giá như Kim Cô Bổng.
Ngoài hai giả thuyết trên vẫn còn một số giả thuyết khác lý giải về chủ nhân thực sự của Thủy Liêm Động trước Tôn Ngộ Không.
Còn tiếp…
Quốc Tiệp (dịch)