Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội nói về vụ Nguyễn Thanh Chấn

Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội nói về vụ Nguyễn Thanh Chấn

Thứ 2, 25/11/2013 10:20

Xung quanh nội dung các án oan sai do các điều tra viên sử dụng bức cung, nhục hình được dư luận nêu lên những ngày gần đây, phóng viên đã phỏng vấn luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội.

Lật sư Nguyễn Trọng Tỵ từng là điều tra viên của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, thẩm phán tòa phúc thẩm của TAND Tối cao. Ông Tỵ có kinh nghiệm 20 năm hành nghề luật sư.

Thiếu cái tâm, chỉ chạy theo thành tích

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình trạng, mức độ các điều tra viên (ĐTV) sử dụng biện pháp bức cung, dùng nhục hình và đâu là nguyên nhân chính?

Thực tế diễn ra tại các phiên tòa hình sự cho thấy, việc ĐTV dùng biện pháp bức cung, nhục hình diễn ra không ít, đó là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ án oan sai. Vậy câu hỏi là vì sao các ĐTV phải sử dụng những biện pháp mà luật đã cấm?

Theo tôi có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, trình độ hiểu biết của họ về luật còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp huyện. Đọc hồ sơ các bản kết luận điều tra, cáo trạng, tôi thấy rất rõ vấn đề này.

Có khá nhiều vị chưa nắm chắc những chứng cứ nào là quan trọng, là mấu chốt của vụ án; chưa hiểu những chứng cứ như thế nào có thể cấu thành tội phạm.

Luật sư - Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội nói về vụ Nguyễn Thanh Chấn

Luật sư NguyễnTrọng Tỵ, chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Qua báo chí, tôi thấy dấu hiệu ép cung ở vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) cũng khá rõ, đồng thời thể hiện nghiệp vụ yếu kém và thiếu cái tâm, chạy theo thành tích của các ĐTV.

Bệnh thành tích cũng là nguyên nhân quan trọng gây nên những vụ án oan sai. Chúng ta thường đánh giá thành tích, kết quả hoạt động của họ thông qua một năm khởi tố, điều tra bao nhiêu vụ án, trong đó có bao nhiêu vụ trọng án. Nếu kết quả cao, họ dễ được tặng các loại bằng khen và thăng quan, tiến chức.

Mặt khác, với việc “định mức” xét xử bao nhiêu vụ án mỗi tháng, có thẩm phán phải xử đến 3 vụ trong một ngày thì lấy thời gian đâu để nghe tranh tụng kỹ càng, phân tích thấu đáo các chứng cứ trước khi phán quyết bản án.

Nguyên nhân thứ ba, theo tôi, tuy không nhiều nhưng rất nguy hiểm khi những ĐTV, KSV cố tình làm sai lệch nội dung vụ án nhằm bảo vệ cho đối tượng nào đó với nhiều động cơ cá nhân khác nhau, đó có thể vì tiền, vì mối quan hệ...

Trong vụ án ông Chấn đang gây chấn động dư luận vừa qua bởi án chung thân oan trái, những kiểu bức cung, nhục hình được phơi bày trước công luận, theo ông, chúng ta cần phải làm những gì để hạn chế tối đa những án oan như vậy?
 
Tôi thấy, những vụ án kiểu như vậy có không chỉ ở Bắc Giang mà ở nhiều tỉnh cũng có.

Nguyên nhân, đó là cơ chế hoạt động tố tụng, đặc biệt là khâu ban đầu (khởi tố, điều tra) chưa được hoàn thiện, đồng thời chưa được thực hiện nghiêm túc những gì luật đã quy định.

Ngay như quy định các đối tượng là vị thành niên, khuyết tật về tinh thần và những bị can có thể bị tuyên ở mức án cao (chung thân, tử hình) thì buộc phải có luật sư bào chữa, cũng không được chấp hành nghiêm.

Trong không ít vụ việc, họ lấy cung những nội dung “cần thiết”,  luật sư mới được vào cuộc. Không ít luật sư cũng ký vào biên bản bản cung dù mình không dự. Như vậy, về mặt thủ tục, hồ sơ có vẻ đúng, nhưng bản chất không phải như vậy.

Mặt khác, nhiều vụ án các ĐTV tìm mọi cách không để các luật sư tham gia ngay từ đầu với nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, khi luật sư muốn gặp các bị can để làm các thủ tục pháp lý, các ĐTV nói là các bị can này không cần luật sư bào chữa. Trong khi đó, các luật sư không thể gặp được các bị can nên... đành về.    

Còn ra đến tòa, một số HĐXX  bất chấp các lời kêu bị bức cung, kêu oan của các bị cáo cũng như phân tích những chứng cứ mâu thuẫn nhau của các luật sư, mà phần lớn tin ở những bản cung trong hồ sơ. Đó cũng là hệ quả những  “án bỏ túi”, các nhận xét, kết luận đã được viết sẵn thành ... án oan. 

Không bị nhục hình, ai lại nhận bừa tội giết người?

Hiện rất nhiều nước đã áp dụng “quyền im lặng” khi luật sư bảo vệ quyền lợi của mình chưa có mặt. Quyền đó có tác dụng như thế nào trong quá trình thực hiện tố tụng hình sự, thưa ông?

Nếu áp dụng “quyền im lặng” sẽ có lợi  nhiều mặt. Thứ nhất, khi lấy lời khai của đối tượng, sự có mặt của luật sư sẽ hạn chế tối đa được việc ép cung, mớm cung và sử dụng nhục hình.

Đồng thời, khi ra trước tòa bị cáo không có lý do gì để kêu bị ép cung, nhục hình. Như vậy, các bản án sẽ được khách quan hơn.

Nội dung chính của “quyền im lặng” là, các bị can có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và  khi ĐTV  thẩm vấn, anh có quyền không khai, nếu không có mặt luật sư. Nếu trong bản cung không thể hiện sự có mặt của luật sư, sẽ không được dùng làm bằng chứng tại tòa.

Ông từng minh oan cho nhiều bị cáo với tư cách là điều tra viên, thẩm phán và luật sư, ông có thấy việc những cán bộ tham gia tố tụng này có bị kỷ luật gì không?

Tôi được biết, hầu như rất ít trong số họ bị kỷ luật tương xứng với những lỗi (nếu không muốn nói là tội xâm phạm hoạt động tư pháp) mà họ gây ra.

Chẳng hạn như vụ án thầy giáo Nguyễn Hữu Đạo nghỉ  hưu ở Thanh Hóa đã bị tuyên tử hình về tội giết người.

Với tư cách chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, tôi tuyên bị cáo vô tội và tha ngay tại tòa. Tuy nhiên, sau đó tôi thấy các ĐTV, kiểm sát viên và thẩm phán gây ra vụ án oan sai đó vẫn lên chức bình thường.

Với nhiều nước, các vị đó ít nhất là bị ra khỏi ngành, chứ đừng nói gì chuyện lên chức!

Đến bây giờ có thể nói vụ án của ông Chấn là vụ án oan, có nhiều dấu hiệu các ĐTV  sử dụng nhục hình, nhưng tất cả các ĐTV đều đồng loạt chối. Theo ông, lấy gì để chứng minh họ đã sử dụng những biện pháp nhục hình?

Đúng là khó chứng minh, nhưng nếu các cơ quan chức năng cố gắng thì mọi việc chắc chắn sẽ sáng tỏ. Tôi chỉ cần đặt một câu hỏi: Nếu không bị ép cung, không bị nhục hình, liệu có bị can nào tự nhiên lại đi nhận tội mà mình không gây ra, đặc biệt là với tội giết người? Chắc chắn các ĐTV này không thể trả lời được câu hỏi này.

Do đó, vấn đề cần thiết là phải xử nghiêm với loại tội ép cung, dùng nhục hình này. Nếu loại tội phạm này mà không bị loại trừ, sẽ vẫn còn những án oan sai.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo lao động

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.