Chủ nợ “bắt tay”... con nợ - “chiêu” tự cứu bất ngờ của nhà băng

Chủ nợ “bắt tay”... con nợ - “chiêu” tự cứu bất ngờ của nhà băng

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Thật bất ngờ khi nhiều ngân hàng đồng loạt tài trợ lãi suất thấp cho người vay để mua nhà. Phải chăng, nhà băng đang tung ra "chiêu" mới?

Hẳn dư luận chưa quên, cách đây vài năm, ở thời kỳ hoàng kim, các ngân hàng ồ ạt “bơm tiền” cho vay bất động sản (BĐS) để xây dựng những dự án trong mơ. Sau thời gian dài “đóng băng” do cơn lốc siết tín dụng, những khoản nợ BĐS trở thành nợ xấu, thậm chí dưới mức thế chấp khiến ngân hàng méo mặt. Tưởng rằng, ông chủ nhà băng sẽ “quay lưng” lại với BĐS, nhưng mới đây, dư luận tỏ ra khá bất ngờ khi các “ông lớn” liên tục tung ra những gói hỗ trợ cho vay mua nhà với lãi suất không tưởng, chỉ vài phần trăm, thậm chí 0%/năm. Theo các chuyên gia, động thái này có thể phục vụ cho khá nhiều mục đích, trong đó nổi lên là áp lực cải thiện tăng trưởng tín dụng và “chiêu bài” tự cứu mình của ngân hàng.

Bất động sản - Chủ nợ “bắt tay”... con nợ - “chiêu” tự cứu bất ngờ của nhà băng

Nhiều nhà băng tuyên bố cho vay lãi suất thấp để mua nhà. (Ảnh minh họa)

Chủ nợ “bắt tay”... con nợ

Động thái nhà băng “bắt tay” với chủ đầu tư bằng việc đổ xô cho vay mua nhà tại các dự án BĐS thực tế đã được khởi động từ đầu tháng 4/2012 khi Ngân hàng Nhà nước công bố cởi trói giới hạn tín dụng cho BĐS. Mới đây, hàng loạt những “ông lớn” ngân hàng đã rầm rộ “gióng trống khua chiêng” để thể hiện thiện chí của mình. Đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, từ ngày 4/7 đến 4/8 sẽ phối hợp với Indochina hỗ trợ cho khách hàng mua mới nhà dự án Indochina Plaza Hanoi với lãi suất 0%/năm cố định trong 12 tháng. Vietcombank cũng hỗ trợ cho khách mua nhà dự án Ecopark với lãi suất ưu đãi giai đoạn đầu là 8%, thấp hơn nhiều mặt bằng 15-16% hiện nay.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng “bắt tay” với các chủ đầu tư để hỗ trợ cho khách mua nhà. Khách vay mua căn hộ dự án Dream Town chỉ phải chịu lãi suất 12%/năm trong 6 tháng. “Ông lớn” Vietinbank cũng không chịu kém cạnh khi tuyên bố “hứa” cho vay lãi suất 12% một năm. Được biết, đầu tháng 7, Vietinbank tung gói hỗ trợ cho vay mua nhà trị giá 5.000 tỷ đồng. Ông Lê Đức Thọ, phó TGĐ Vietinbank cho biết: “Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chưa được như mong muốn thì cho vay tiêu dùng sẽ được thực hiện tích cực hơn. Kích thích cho vay tiêu dùng cũng là một trong những kênh để khơi thông tín dụng. Không riêng cho vay mua nhà, sắp tới Vietinbank sẽ còn tiếp tục tung ưu đãi cho vay tiêu dùng như mua xe, mua đồ dùng...”. Hầu hết các nhà băng đều cam kết sẽ cho vay tới 70% giá trị căn hộ. Nhiều ngân hàng cũng chấp nhận “xuống nước” đích thân mời chào khách hàng mua căn hộ với lãi suất thấp.

Hành động này được giới kinh doanh BĐS đánh giá cao, bởi nó như dòng nước mát lành giúp cả chủ đầu tư và khách hàng xoa dịu cơn khát vốn đang “hành hạ”. Tuy nhiên, bản thân khách hàng vẫn tỏ ra khá dè dặt, ngân hàng thừa khôn để đưa ra những “chiêu bài” vừa được tiếng, vừa được miếng.

Thế nhưng, để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất không tưởng này thực tế không phải chuyện dễ dàng. Trò chuyện với PV Người đưa tin, một giám đốc chi nhánh ngân hàng Eximbank (đề nghị giấu tên) phân tích: “BĐS đang lâm vào tình cảnh “sống dở chết dở”, việc các ngân hàng “bắt tay” với chủ đầu tư để kích cầu, thu hút khách hàng, qua đó tăng tính thanh khoản cho thị trường cũng là điều dễ hiểu. Xét một cách tổng thể, người được hưởng lợi nhiều nhất không phải khách hàng mà chính là nhà băng, bởi họ sẽ cải thiện tăng trưởng tín dụng. Và tất nhiên, kẻ chịu thiệt trong “phi vụ” này rất có thể là chủ đầu tư khi họ phải gánh hộ khách hàng những khoản ưu đãi lãi suất từ phía ngân hàng”.

Vị giám đốc chi nhánh này cũng tỏ ý nghi ngại về sự cởi mở bất ngờ từ phía “ông lớn” ngân hàng với mức lãi suất thấp vài phần trăm, thậm chí 0%/năm. “Tôi nghĩ, bản thân những ngân hàng nhỏ và yếu chắc chẳng bao giờ dám cho vay với lãi suất như vậy. Bởi đơn giản, họ không đủ tiền để bù đắp lại khoản lỗ do cho vay với lãi suất thấp. Mà thử đặt trường hợp, nếu được vay với lãi suất như vậy, khách hàng vẫn khó có thể mua được căn hộ bởi giá BĐS vẫn ở “trên trời”. Để vay được vốn, khách hàng cũng phải thực hiện rất nhiều thủ tục, từ chứng minh được năng lực tài chính để trả nợ, thế chấp ngay căn hộ mình định mua… Theo tôi, người vay cần phải cân nhắc kỹ bởi có thể chỉ là một dạng “bán bia kèm lạc”, khuyến mại nhẹ nhàng và không thực sự ưu đãi như ngân hàng quảng bá”, vị này nói thêm.

“Chiêu bài” tự cứu mình của “ông chủ” nhà băng

Liên quan đến thương vụ bắt tay giữa ngân hàng và chủ đầu tư BĐS, trao đổi với PV Người đưa tin, TS.Nguyễn Đại Lai, nguyên phó vụ trưởng Vụ phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) phân tích: “Việc chủ nợ và con nợ bắt tay nhau tìm một người thứ ba để bán được hàng hóa là điều rất bình thường. Thực tế, nền kinh tế hiện đang hết sức khó khăn, cả ngân hàng và doanh nghiệp BĐS đều đang rất cần vốn. Do vậy, động thái tìm người tiêu dùng để thu hồi vốn là điều cần thiết. Chẳng cần nói thì nhiều người cũng biết, việc ngân hàng giảm lãi suất để kích thích người tiêu dùng cũng chỉ nhằm mục đích thu hồi vốn càng nhanh càng tốt”.

TS. Nguyễn Đại Lai cũng cho rằng, trong “phi vụ” này, các ngân hàng chắc chắn sẽ không tránh khỏi chuyện bị lỗ. “Nhà băng sẽ thu hồi được cả vốn lẫn lãi, tuy nhiên phần lãi có thể giảm nhiều. Một số người cho rằng, khách hàng sẽ có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn này nhưng theo tôi điều đó không phải dễ dàng. Ngân hàng thừa khôn nên họ luôn cầm đằng chuôi, chỉ những khách hàng có độ tin cậy cao mới có thể vay được. Chỉ căn cứ vào “lời hứa” của ngân hàng mà cho rằng thị trường BĐS có thể ấm lên là điều không thể xảy ra”, TS.Lai cho biết.

Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Trọng Tài, nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) bày tỏ: “Thị trường BĐS đang “sống dở chết dở”, hàng tồn kho không thể bán mà vẫn khăng khăng giữ giá. Nếu tiếp tục làm như thế thì họ sẽ chết hàng loạt. Thời gian vừa rồi, các chủ đầu tư có “bắt tay” với các nhà băng để đẩy mạnh thanh khoản, giúp xả được hàng, nhưng theo tôi việc này chẳng khác gì “tung hỏa mù”. Thời gian qua, đa số người tiêu dùng vay dưới dạng ngắn hạn để tránh rủi ro. Tuy nhiên, nếu theo thông điệp từ các ngân hàng chủ yếu vay 5, 10 năm, thậm chí 20 năm, tức vay dài hạn khác nào bỏ rủi ro cũ, gánh rủi ro mới”.

TS.Nguyễn Trọng Tài cũng lo ngại, các ngân hàng ở nước ta chỉ cho vay ảo trong điều kiện quản trị rủi ro kém. Điều này có thể sẽ dẫn đến các rủi ro lớn hơn đối với cả hai phía. Trong khi đó, dù ngân hàng có hạ mức lãi suất thấp thì người tiêu dùng vẫn khó mà mua được với giá bất động sản đang cao “ngút trời” như hiện nay.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, không quá khó để hiểu rằng, ông chủ thực sự của không ít dự án BĐS chính là các ngân hàng thương mại lớn. Không ít ngân hàng trước đó, thời kỳ hoàng kim đã bắt tay liên kết, rót vốn cho các chủ đầu tư xây dựng dự án, kinh doanh. Nay, khi hàng tồn kho không bán được, đây là cách để họ tự cứu mình. Trong quy định để được vay vốn mua nhà với lãi suất thấp, một số ngân hàng yêu cầu khách hàng buộc phải mua nhà do “đối tác” liên kết với mình xây dựng. Điều này chẳng khác gì làm khó khách hàng, khi họ không được quyền lựa chọn sở hữu ngôi nhà mà mình mơ ước. “Chủ trương mở hầu bao với một số đối tượng bất động sản là đúng, song cần phải đúng đối tượng, tức là phải hướng đến những người có nhu cầu mua nhà thực sự, những người thu nhập thấp. Nếu việc cho vay mua nhà đó mà có liên quan đến việc các ngân hàng từng cho vay, góp vốn để đầu tư dự án trước đây thì khá nguy hiểm. Các cơ quan quản lý cần phải phát hiện để ngăn chặn”, một chuyên gia bày tỏ.

Ồ ạt cho vay, coi chừng “gậy ông đập lưng ông”

Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cảnh báo, xét về nghiệp vụ và những quy chuẩn trong hoạt động tín dụng thì việc các ngân hàng ồ ạt cho vay mua nhà có thể sẽ vi phạm quy định trong hoạt động tín dụng. Bởi lẽ, với các gói cho vay mua nhà mà theo các ngân hàng quảng bá là 5, 10 năm, thậm chí 20 năm chính là các khoản vay dài hạn. Trong khi đó, vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn. Theo quy định, các ngân hàng chỉ được dùng tối đa 30% vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn. Như vậy, vô hình trung gậy ông sẽ đập lưng ông.

Anh Đức – Thiên Vũ


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.