Anh Đỗ Tiến Dũng, giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người quản lý (người đứng đầu) phòng khám Maria.
Theo thông tin trên báo chí thì người quản lý đã sử dụng các lao động người Trung Quốc nhưng không đăng ký hành nghề theo quy định. Những người này đã thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn gây ra thiệt hại về tính mạng cho người khác. Nếu như lao động bác sĩ Trung Quốc không đủ chuyên môn theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì hành vi của người quản lý phòng khám có mối quan hệ nhân quả đối với hậu quả chết người xảy ra. Do đó, người quản lý phòng khám phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 242 BLHS, tội "vi phạm quy định về khám chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc các dịch vụ y tế khác".
Đỗ Tiến Dũng (giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát)
Về phía bác sĩ Trung Quốc và các y tá, để xem xét trách nhiệm của họ cần phải dẫn chiếu đến một số văn bản của Bộ Y tế. Theo quy định tại thông tư 08 ngày 4/5/1999 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng và cấp cứu sốc phản vệ thì khi truyền thuốc cho bệnh nhân phải tuân theo những quy tắc bao gồm: Xác định tiền sử dị ứng, sốc phản vệ; buộc phải kiểm tra phản ứng thuốc (test) đối với một số loại thuốc khi tiêm, truyền (như: penicillin, streptomycin); chuẩn bị sẵn thuốc chống phản vệ; theo dõi và xử lý chống sốc phản vệ.
Nếu bác sĩ không tuân thủ quy tắc kiểm tra phản ứng thuốc khi truyền đối với những loại thuốc bắt buộc phải test, hoặc truyền các thuốc không bắt buộc phải test nhưng lại không chuẩn bị sẵn thuốc chống phản vệ để cấp cứu trong trường hợp cần thiết để xảy ra hậu quả chết người thì họ đã vi phạm vào tội "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" theo Điều 99-BLHS. Các y tá được giao nhiệm vụ không làm đúng các quy trình kỹ thuật thì cũng có dấu hiệu của tội theo Điều 99 Bộ luật Hình sự nêu trên. Trường hợp các y tá đã làm đúng theo chỉ dẫn của bác sỹ (ở đây là người lao động Trung Quốc) thì họ không phạm tội.
Cùng quan điểm với giảng viên Đỗ Tiến Dũng, Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng hậu quả chị Phong bị chết do nguyên nhân sốc phản vệ thuốc xuất phát từ một loạt các hành vi từ khám, điều trị của kíp y, bác sỹ này chứ không phải do bệnh lý của chị Phong. Chính vì vậy, chủ phòng khám Maria, các bác sỹ giúp việc người Trung Quốc có thể bị khởi tố về "Tội vi phạm quy định về khám, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" theo Điều 242 Bộ luật Hình sự để điều tra. Quá trình điều tra, có thể khởi tố thêm một số người khác trong kíp khám, chữa bệnh cho chị Phong nếu có đủ căn cứ. Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, CQĐT có thể phát lệnh truy nã (phối hợp với Interpol) đối với các nghi phạm đã bỏ trốn. Trong thời gian này, CQĐT tạm đình vụ án đối với các bị can đó, khi nào bắt được sẽ phục hồi xử lý sau.
Theo luật sư Ứng, thời gian qua các bệnh viện công của chúng ta thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải nên các phòng khám tư nhân đã đáp ứng được một phần nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Nhưng vụ việc phòng khám Maria, cho thấy rõ ràng vấn đề quản lý, cấp phép hành nghề các phòng khám tư nhân đang còn nhiều "lỗ hổng". Trong 4 bác sĩ Trung Quốc trong kíp khám chỉ có 2 bác sĩ phục vụ có chứng chỉ hành nghề. "Tôi cho rằng Thanh tra y tế cần phải làm quyết liệt hơn nhằm chấn chỉnh trách nhiệm, chất lượng cung cấp dịch vụ y tế từ các phòng khám tư", luật sư Ứng nhấn mạnh.
Liên quan đến các phòng khám Trung Quốc, Luật sư Hoàng Cao Sang, trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Việt Luật (Tp. HCM) cũng tỏ ra bức xúc cho rằng: Các cơ quan nhà nước đã cấp phép một cách tràn lan, mà không hề có cách quản lý, giám sát họ làm ăn như thế nào? Đây là do lỗi nhà quản lý chứ không phải do hệ thống pháp luật. Nếu Sở Y tế Hà Nội không thắt chặt, giám sát hoạt động ở phòng khám Trung Quốc thì nhiều người dân sẽ tiếp tục chết oan hoặc mất tiền oan.
Minh Lý