“Nắng nóng chỉ tốn nước”
Những ngày qua, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc bước vào đợt nắng nóng khủng khiếp, nhiệt độ lên đến 40-45 ºC. Đi ra đường tưởng chừng như cháy da nếu không mang đồ bảo hộ. Chính vì thế, nhu cầu sử dụng những đồ uống giải khát cũng càng cao.
Anh Trịnh Văn Quỳnh, shipper (người giao hàng), quê Thanh Hóa cho biết, vào những ngày nắng nóng, chở được một lượt khách, anh lại phải chạy vào quán trà đá uống nước mát ngay, nếu không thì không có sức cho những chuyến xe tiếp theo.
“Khi vào những ngày nắng nóng, chở khách đường xa tôi phải thủ cho mình một chai nước mát. Nhưng chỉ cần 1-2 chuyến là hết chai nước. Nên phải ghé quán trà đá cho tiện, vừa rẻ mà lại nhanh” – Anh Quỳnh nói.
Chị Lê Thị Lan, nhân viên văn phòng tại một công ty thuộc quận Đống Đa cho biết, những ngày nắng nóng, mặc dù được ngồi điều hòa, nhưng mồ hôi vẫn ra nhiều. Người rất mệt, chị hay thường gọi ship nước hoa quả, hay nước giải khát gì đó uống cho đỡ nóng nực.
“Năm nào đến mùa hè, đặc biệt những ngày nắng nóng tôi lại tốn khá nhiều tiền mỗi ngày, để gọi đồ uống mát giải nhiệt. Không những ở công ty, tôi cũng thường hay mua ở quán rồi đem về nhà sử dụng vừa tiện mà lại ngon”- chị Lan chia sẻ.
Là người thường xuyên hay tụt huyết áp, chị Đỗ Thị Nhung, nhân viên maketting cho hay, bản thân chị rất yếu, nên những ngày nắng nóng dễ mệt và hạ đường huyết.
“Thực sự những ngày nắng này, tôi rất sợ nên phải luôn đề phòng đồ ngọt và mát bên cạnh. Ngày nào đi làm đến giờ cơm, tôi cũng phải gọi nước hoa quả, trà sữa hay thứ gì đó bổ sung vitamin cho đề kháng cơ thể tốt lên. Có việc gì cần lắm tôi mới phải ra ngoài, còn không chỉ trốn ở trong phòng tránh nắng” – chị Nhung nói.
Mùa kiếm tiền triệu mỗi ngày
Chính vì nhu cầu sử dụng các mặt hàng nước giải khát trong những ngày nắng nóng cao nên nhiều chủ hàng kinh doanh đã nắm bắt cơ hội, nhập hàng về dự trữ để phục vụ cho khách.
Ghi nhận của PV, chỉ mới sáng sớm, nhiệt độ ngoài trời đã oi bức, khiến cơ thể người khó chịu. Dọc các tuyến phố tại Hà Nội, nhiều hàng quán nước giải khát ven đường lẫn sang trọng đã dọn dẹp, đón khách từ rất sớm.
Đang luôn tay xay nước mía cho học sinh giữa giờ ra chơi, chị Nguyễn Thị Hoa – chủ bán hàng nước mía tại một trường cấp 3 trên đường Nguyễn Khang – Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, những ngày nắng nóng, chủ yếu chị bán nước cho học sinh lúc ra chơi, hoặc tối nhiều người dân quanh khu phố ra uống rất nhiều. Thường chị sẽ phải dậy sớm 5h dọn dẹp cửa hàng và cạo mía để sẵn sàng phục vụ khách, nhất là học sinh khi đi học thường sẽ hay ghé vào mua.
“Có những ngày không được nghỉ tay, cứ cạo mía rồi lại ép rồi đóng chai, vì cửa hàng có mình tôi nên làm việc không xuể. Dù mệt nhưng cuối ngày đếm tiền cũng thích, những hôm cao điểm tôi bán được hơn 2 triệu riêng tiền nước mía”- chị Hoa chia sẻ.
Tương tự, chị Hường - chủ cửa hàng bán dừa tươi trên đường Dương Quảng Hàm cũng chia sẻ, gần 1 tháng trở lại đây do trời nắng nóng, nên lượng khách mua nước dừa, dừa cả quả tăng mạnh, tăng gấp 2 – 3 lần ngày bình thường. Khách tới mua nước dừa mang đi nhiều hơn là uống tại chỗ. Mỗi ngày chị bán ra khoảng trên dưới 300 quả dừa là chuyện bình thường. Thu nhập có ngày lên tới 2-4 triệu đồng.
“Ở đây gần khu văn phòng, lại cạnh trường đại học, sinh viên qua lại nhiều, nên lượng tiêu thụ từ đó mà tăng. Hơn nữa dừa lại dễ uống và mát, tôi tranh thủ nhập về nhiều để còn đủ hàng cung cấp cho khách. Mùa này nóng thật, nhưng hàng bán được không tội gì mà nghỉ” – chị Hường cho hay.
Ngoài các mặt hàng giải khát, thì những người bán trà đá cũng “hái tiền” do lượng khách sử dụng tăng vụt.
Bà Hoàng Thị Xuyên – chủ quán trà đá vỉa hè trên đường Trần Thái Tông chia sẻ, ngày thường cũng có khách, nhưng cứ vào nắng nóng bà lại phải mua thêm ghế, che thêm ô cho khách vào có nơi nghỉ mát.
“Khách dùng thường là xe ôm, người đi lại qua đường là nhiều. Nắng nóng nên họ vào uống nhiều, thu nhập cũng kha khá. Thường buổi tối khách đông hơn, vì lúc đó trời cũng dịu đi, ngồi ngoài đường thoáng hơn trong quán, nên nhiều người chọn trà đá vỉa hè cho thích hợp. Lại còn rẻ!”- bà Xuyên cho hay.
Bắt chuyện với cô Thủy, bán kem tại cổng trường tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy, cô khoe, vào hè, đặc biệt những ngày nắng nóng, học sinh mua kem ăn nhiều, nên cô nhanh cháy hàng. Chỉ cần đứng từ sáng tới trưa đã hết nguyên thùng kem.
“Trưa học sinh tan học nhiều, nên sức mua cũng cao. Bán hết tôi lại chạy nhanh về nhà lấy thêm để phục vụ học sinh buổi chiều, đắt hàng nên tranh thủ bán được nhiều còn có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống”- cô Thủy cho hay.
Sau cách ly xã hội do dịch Covid-19, trong khi nhiều công việc kinh doanh trở nên khó khăn, nhiều chủ cửa hàng điêu đứng tưởng chừng phải đóng cửa phá sản. Cũng “may nhờ” thời tiết nắng nóng họ có cơ hội vực dậy kinh tế. Tuy nhiên, việc làm ăn thuận lợi này cũng chỉ kéo dài 3-5 tháng hè, những tháng sau sức mua sẽ lại giảm. Các chủ cửa hàng nên cân nhắc về chiến lược bán hàng để giữ chân khách trong cả năm, như thế sẽ ổn định doanh thu.