Chủ quán karaoke bị cháy phải chịu những trách nhiệm gì?

Chủ quán karaoke bị cháy phải chịu những trách nhiệm gì?

Nguyễn Văn Báo

Nguyễn Văn Báo

Thứ 4, 02/11/2016 10:34

Luật sư có những phân tích góc độ pháp lý về trách nhiệm trong vụ cháy quán karaoke làm 13 người thiệt mạng ở Trần Thái Tông.

Liên quan đến vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy – Hà Nội), thông tin từ Cục trưởng Cục PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, đã có 13 người tử vong.

Theo báo Dân Việt, nguyên nhân vụ cháy bước đầu xác định, do thợ hàn khi hàn biển quảng cáo đã thiếu cẩn trọng, gây cháy tại tầng 2 quán karaoke (số 68 Trần Thái Tông). Ngọn lửa sau đó lan lên các tầng của tòa nhà và nhiều nhà liền kề.

Một số nhân chứng tại hiện trường cũng cho hay, thời điểm chiều 1/11, họ có thấy nhóm công nhân đang hàn xì phía trên cùng của tòa nhà.

Xã hội - Chủ quán karaoke bị cháy phải chịu những trách nhiệm gì?

Vụ cháy kinh hoàng tại quán karaoke trên đường Trần Thái Tông khiến 13 người tử vong.

Trong diễn biến khác, theo Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy thì, cơ sở kinh doanh karaoke số 68 Trần Thái Tông không đủ điều kiện như: Thẩm định về PCCC, điều kiện an ninh trật tự, giấy phép kinh doanh karaoke.

Cơ sở cũng nhiều lần bị nhắc nhở và đã ký cam kết chỉ hoạt động khi có đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật…

Trước những diễn biến trên, PV báo Người đưa tin đã trao đổi nhanh cùng luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) để nhận định, phân tích về trách nhiệm các bên liên quan.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng: Nguyên nhân cháy của các quán karaoke chủ yếu là do chủ cơ sở hoán cải kết cấu nhà, sửa chữa, cải tạo, trang trí lắp đặt nội thất, hệ thống âm thanh, đèn chiếu sáng, hệ thống biển quảng cáo khổ lớn che hết phía trước mặt tiền ngôi nhà để thu hút khách hàng nên khi thợ hàn cắt kim loại không tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy khi làm.

Mặt khác, các thiết bị điện đấu nối trong các phòng hát karaoke thường để dùng trong sinh hoạt gia đình nên không phù hợp với kinh doanh. Các vật liệu trang trí nội thất rất dễ cháy và cùng với hệ thống âm thanh, đèn chiếu sáng, điều hòa, ti vi,... thường hoạt động quá tải nên rất nguy cơ chậm điện gây cháy là rất dễ xảy ra.

Đề cập trực tiếp đến vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông, luật sư Anh Thơm nhận định: Theo báo chí, nếu Cơ quan điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra vụ hỏa hoạn là do thợ hàn xì biển quảng cáo quán Karaoke gây cháy thì người thợ trực tiếp hàn xì đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy . Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 240 Bộ luật hình sự.

Ngoài trách nhiệm hình sự thì người vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra theo qui định của pháp luật.

Ngoài ra, nếu xác định người thợ thi công hàn xì được thuê mướn thì người chủ thi công (nếu có) phải có trách nhiệm liên đới bồi thường dân sự vì đã không áp dụng biện pháp bảo hộ và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng lao động nên đã gây hậu quả thiệt hại về người, tài sản.

Theo luật sư Thơm: Nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định chủ cơ sở đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các qui định về phòng cháy chữa cháy để dẫn tới hậu quả làm nhiều người chết, thiệt hại về tài sản thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự.

Luật sư Thơm cho rằng: Để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội phạm này thì cần phải xác định rõ cụ thể qui định nào mà chủ cơ sở vi phạm về phòng cháy chữa cháy.

Mặt khác, phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của chủ cơ sở là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng đã xảy ra. Trường hợp chủ cơ sở Karaoke không có Giấy phép kinh doanh, hoặc không có đủ điều kiện an ninh trật tự và PCCC mà vẫn hoạt động kinh doanh thì đó là lỗi vi phạm hành chính.

"Do vậy, trong vụ việc này, Cơ quan điều tra cần phải xác định được nguyên nhân gây cháy do hành vi nào của chủ cơ sở là nguyên nhân dẫn tới cháy thì mới có thể quy trách nhiệm cho chủ cơ sở.

Ngoài ra, chủ cơ sở để xảy ra cháy lan sang nhà người khác đều phải có trách nhiệm bồi thường dân sự. Chủ cơ sở chỉ không không phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự trong trường hợp bất khả kháng, vụ việc xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết hoặc tình thế cấp thiết (điều 161 Bộ luật dân sự)”, luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích.

Điều 240 về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy quy định:

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 8 năm.


3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.


5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

 

Nhất Nam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.