Nhiều người chủ quan với vết xước nhỏ
Mới đây, BS. Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, khoa vừa xử trí cấp cứu cho một bệnh nhân bị uốn ván trong tình trạng suy hô hấp nguy kịch.
Trước đó, theo lời kể của người nhà bệnh nhân cách ngày nhập viện khoảng 10 ngày, bệnh nhân bị que gỗ đâm vào đuôi cung mày bên phải trong lúc làm việc. Vết thương chảy máu, sau đó tự cầm và khô dần. Nghĩ rằng không có vấn đề gì nên bệnh nhân không đi khám. Tuy nhiên, hai ngày sau đó bệnh nhân thấy há miệng hạn chế, khó nuốt, không ho khạc được. Bệnh nhân được gia đình đưa vào BVĐK tỉnh Hòa Bình cấp cứu trong tình trạng khó thở, hai hàm răng cắn chặt.
Bệnh nhân tăng trương lực cơ toàn thân, lọc sọc đờm hầu họng, không nuốt và không ho khạc được. Người bệnh thở rất khó khăn, toàn thân tím tái, nguy cơ sắp ngừng thở.
Bs. Tình cho biết, các bác sĩ chỉ có ít phút để mở đường thở qua cổ (mở khí quản) hộ trợ thở máy cho bệnh nhân. Quá trình chuẩn bị dụng cụ và mở khí quản được tiến hành khẩn trương với một ê kíp chuyên nghiệp. Sau khoảng 10 phút, bệnh nhân đã được mở một đường thở qua cổ, hút trong phổi ra rất nhiều đờm, sau đó kết nối với máy thở và tình trạng hô hấp được đảm bảo. Tiếp theo là những ngày dài điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng tích cực mới có hy vọng sống sót cho người bệnh.
Trước đó cũng có bé trai 9 tuổi, ngụ Bạc Liêu, sốt cao ba ngày, khó thở, diễn tiến nhiễm trùng máu, sốc nhiễm độc toàn thân, đông đặc phổi sau khi bị xước chân.
Khi bé nhập viện, các bác sĩ phải kết hợp các kháng sinh phù hợp để điều trị. Bé tiến triển, đáp ứng tốt, hết sốt, cải thiện tình trạng nhiễm trùng. Sau gần hai tuần, bệnh nhi dần ổn định và thoát khỏi tình trạng nguy kịch, cai máy thở.
Một trường hợp khác tưởng vết xước nhỏ nên xem thường không ngờ cứng hàm, tăng trương lực cơ toàn thân, bụng gồng cứng, co giật toàn thân, nuốt sặc... Cụ thể, ông B. nhập viện cấp cứu trong tình trạng cứng hàm, tăng trương lực cơ toàn thân, bụng gồng cứng, có những cơn co giật toàn thân, nuốt sặc, co thắt thanh quản. Tại bệnh viện, gia đình bệnh nhân cho biết 7 ngày trước đó ông B. bị cây đâm vào chân, vết thương đã lành da nên chủ quan không tiêm ngừa uốn ván.
Cách xử trí khi bị mắc bệnh uốn ván
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, thông thường nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn. Có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh....
Bệnh uốn ván, kể cả uốn ván sơ sinh, xảy ra tản phát đối với những người chưa được miễn dịch đầy đủ do ngẫu nhiên bị nhiễm nha bào uốn ván. Đây là bệnh nhiễm khuẩn không lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác.
+ Trường hợp người bị thương đã được tiêm vắc-xin phòng uốn ván đầy đủ:
Đối với vết thương nhẹ, không bị nhiễm bẩn và liều giải độc tố uốn ván (TT) cuối cùng cách lúc đó > 10 năm thì phải tiêm nhắc lại 1 liều TT.
Đối với vết thương nặng hoặc bị nhiễm bẩn và trong vòng 5 năm trước đó chưa được tiêm TT thì phải tiêm nhắc lại 1 liều TT ngay trong ngày bị thương.
+ Trường hợp người bị thương chưa được gây miễn dịch cơ bản đầy đủ bằng TT thì phải được tiêm 1 liều TT ngay càng sớm càng tốt sau lúc bị thương. Nếu vết thương nặng hoặc bị nhiễm bẩn thì cần tiêm thêm TIG.
+ Trường hợp người bị thương chưa được gây miễn dịch cơ bản, chưa được tiêm đủ 3 liều TT hoặc không rõ tiền sử tiêm TT và có vết thương nặng hoặc bị nhiễm bẩn thì phải chỉ định tiêm TIG với liều thấp nhất là 250 IU (hoặc SAT với liều 1500-5000 IU). Có thể tiêm TT, tiêm TIG hoặc SAT cùng một lúc, nhưng phải dùng bơm kim tiêm riêng và tiêm ở vị trí khác nhau.
Tốt nhất bạn nên đến các bác sĩ để kiểm tra và đưa ra những chỉ định phù hợp khi gặp các vấn đề với vết thương trầy xước từ trong quá trình làm nông, tiếp xúc bùn đất hoặc làm việc tại các xí nghiệp...
Cách phòng uốn ván
Bệnh uốn ván đã có vắc-xin phòng ngừa. Vắc-xin uốn ván chỉ sinh ra kháng thể trong 5-10 năm nên cần tiêm nhắc lại 1 mũi sau 5-10 năm đối với người đã tiêm phòng đầy đủ trước đó. Vì vậy, đa số người lớn và trẻ em sau tiêm vắc-xin trên 10 năm, không có kháng thể chống lại vi khuẩn uốn ván nên rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương và gây bệnh, theo BS. Tình.
Tiêm phòng vắc-xin uốn ván cho những người chưa tiêm phòng hoặc những người đã tiêm phòng nhưng chưa tiêm nhắc lại sau 5-10 năm là việc cần thiết, đặc biết là những người có nguy cơ cao (người thường xuyên tiếp xúc với bùn đất, phân của các loại động vật; nông dân, công nhân trong các công trường-nhà máy-xí nghiệp).
Trúc Chi (theo Infornet, Tri Thức & Cuộc Sống, Vnexpress)