Chủ quan với loét miệng, người đàn ông ngỡ ngàng khi phát hiện ung thư

Chủ quan với loét miệng, người đàn ông ngỡ ngàng khi phát hiện ung thư

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 5, 11/05/2023 19:31

Bệnh nhân có vết loét ở miệng nhưng nghĩ bị nhiệt miệng nên không điều trị. Không ngờ, ổ sùi phát triển thành khối u to gây đau đớn.

Trao đổi với VietNamNet ngày 11/5, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Dũng, Khoa Phẫu thuật Đầu mặt cổ, Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật thành công trường hợp ung thư lợi hàm dưới.

Bệnh nhân là ông Nguyễn Văn N., sinh năm 1952, trú ở Nam Định. Ông N. có tiền sử hút thuốc, uống rượu nhiều năm. Cách đây 6 tháng, ông thấy có khối sùi loét, đau, ăn uống vướng nhưng nghĩ bị nhiệt miệng nên không khám.

Hai tuần trước khi nhập viện, khối u phát triển nhanh lấp đầy miệng khiến ông N. không ăn, không nói được, thỉnh thoảng chảy máu qua đường miệng. Người nhà đã đưa đi khám tại tuyến dưới. Bác sĩ nghi ngờ ông N. bị ung thư nên chuyển tuyến lên khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện K.

Các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy ông N. mắc ung thư lợi hàm dưới. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để xử lý vét hạch cổ, cắt rộng u, cắt đoạn xương hàm dưới, tạo hình.

Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định. Bác sĩ Dũng cho biết, dự kiến sau 10 -14 ngày bệnh nhân sẽ chuyển điều trị xạ trị bổ trợ, tái khám định kỳ theo hẹn.

Thông tin với Tuổi Trẻ về trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Dũng cho biết đây là dạng ung thư biểu mô vẩy vùng đầu cổ, là các tổn thương ác tính thuộc vùng đầu cổ.

Các khối u này bao gồm: ung thư vùng khoang miệng (lưỡi, sàn miệng, lợi hàm, vòm khẩu cái), họng miệng (amydal, hố lưỡi thanh thiệt, các tuyến phụ thuộc), hạ họng - thanh quản với chẩn đoán mô bệnh học là SCC (Squamous Cell Carcinoma). Trong đó ung thư lưỡi hay gặp nhất chiếm tỉ lệ khoảng 40%.

Ung thư vùng đầu cổ thường gặp ở những người nghiện thuốc lá, rượu, bia hoặc nhóm người bị kích thích mũi họng thường xuyên do bụi, khí, hơi mang tính chất bệnh nghề nghiệp hoặc tiếp xúc nhiều.

Nguyên nhân, theo bác sĩ Dũng, khoang miệng có vai trò nhai nghiền thức ăn, đồng thời phơi nhiễm với các tác nhân gây ung thư như kích thích hóa học và cơ học: thuốc lá, rượu bia và thức ăn, răng có bờ sắc cạnh…

Nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá từ 1-19 năm có nguy cơ ung thư đường hô hấp trên cao gấp 4,2 lần những người không hút thuốc. Nếu hút trên 40 năm thì nguy cơ tăng lên 10 lần.

Rượu có vai trò hòa tan các chất sinh ung thư, nhất là các chất ung thư trong thuốc lá. Ở những người vừa hút thuốc lá, vừa uống rượu có thể tăng nguy cơ ung thư lên 2-3 lần, nhưng khi kết hợp lại nguy cơ có thể tăng gấp 15 lần.

Khi được phát hiện sớm, ung thư khoang miệng có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật. Ở giai đoạn muộn thường kết hợp điều trị đa mô thức, phối hợp phẫu thuật, xạ trị và hóa chất. Tỉ lệ sống của người bệnh sau 5 năm điều trị giai đoạn T3, T4 thấp hơn, khoảng 35- 60%.

Các triệu chứng giai đoạn sớm của ung thư vùng đầu cổ biểu hiện chưa rõ ràng, mơ hồ. Khi khối u lớn triệu chứng lâm sàng rất rõ, tùy thuộc vào giai đoạn vị trí của u mà các triệu chứng khác nhau, có thể gặp là:

- Cảm giác nuốt vướng trong miệng, họng.

- Tăng tiết nước bọt trong miệng.

- Nuốt đau, nuốt vướng.

- Khàn tiếng, nói khó.

- Khạc đờm lẫn máu.

- Nổi hạch vùng cổ.

- Khám bệnh, nội soi: khối u sùi loét dễ chảy máu, hạch vùng cổ.

Bệnh nhân sau điều trị cần theo dõi định kỳ 1 - 3 tháng/lần trong năm đầu tiên, 3 - 6 tháng/lần trong năm thứ 2, 4 - 8 tháng/lần trong năm thứ 3 - 5. Sau 5 năm, định kỳ 1 lần/năm.

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.