Vụ việc Thẩm mỹ viện Cát Tường ở số 45 đường Giải Phóng (Hà Nội) làm phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi trú tại 36 Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khiến chị này tử vong rồi đem xác khách hàng phi tang. Chiều 22/10, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án và bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Mạnh Tường (Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát tường, là bác sỹ ở Bệnh viện Bạch Mai) để điều tra về hành vi giết người.
Liệu vị lương y có vô ý làm khách hàng tử vong?
Với những thông tin ban đầu chưa thể kết luận vị Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gì. Tuy nhiên dưới góc nhìn pháp lý, bài viết cung cấp cho độc giả cái nhìn rõ nét nhằm nhận diện trường hợp vô ý làm chết người và trường hợp phạm tội giết người.
Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.
Xác định tội danh vô ý làm chết người phải có căn cứ xem xét lỗi vô ý đối với cái chết của nạn nhân. Theo Điều 10, bộ luật hình sự quy định hai trường hợp được coi là vô ý phạm tội: thứ nhất, vô ý do quá tự tin người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; thứ hai, vô ý do cẩu thả người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hậu quả đó. Vô ý vì cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước.
Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, tay nghề, v.v..
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 04/1986/NQ - HĐTPTANDTC của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì vô ý làm chết người được hiểu là hành vi do cẩu thả hoặc quá tự tin mà làm chết người, thì nói chung bị xử lý về tội vô ý làm chết người.
Đối với hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp được hướng cụ thể như trường hợp: công nhân mắc đường dây dẫn điện do làm việc không cẩn thận gây chết người qua đường) hoặc vi phạm quy tắc hành chính (như: chặt cây công cộng trái với quy định của cơ quan có thẩm quyền, làm gẫy cành cây, đứt dây dẫn điện, gây chết người qua đường…)
Đối với trường hợp định tội giết người trên phương diện khoa học hình sự thì để quy kết một người phạm tội giết người phải căn cứ vào những dấu hiệu sau cơ bản sau: Thứ nhất, người phạm tội phải là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự (đủ 14 tuổi trở lên), thể hiện ở hành vi khách quan của tội phạm bao gồm cả hành động và không hành động. Thứ hai, về mức độ nguy hiểm cho xã hội thì hành vi đó phải là hành vi tước đoạt tình mạng của người khác trái pháp luật (điều này để phân biệt với việc giết người ở dạng khác như khi thực hiện nhiệm vụ: thi hành án tử hình...). Thứ ba, về lỗi hành vi tước đoạt tính mạng người khác là hành vi được thực hiện do cố ý, có nghĩa là người phạm tội nhận thức rõ hành động (không hành động) của mình tất yếu gây ra cái chết của nạn nhân. Thứ tư, chủ thể là nạn của hành vi giết người phải là người còn sống, vì tội giết người là tội xâm phạm đến tính mạng con người (khác với xâm phạm thi thể, mồ mả…)
Phi tang nhằm che giấu tội ác sẽ là tình tiết tăng nặng
Quay lại với vụ việc tại Thẩm mỹ viện Cát Tường nói trên. Do có nhu cầu nâng ngực nên chị Huyền đã đến thẩm mỹ viện Cát Tường số 45 Giải Phóng đặt cọc 50 triệu đồng, hẹn 11h ngày 19/10 đến để làm phẫu thuật. Đến khoảng 12h ngày 19/10, bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát Tường cùng 3 nhân viên là y tá đã tiến hành gây mê và sau đó là hút mỡ chị Huyền rồi nâng ngực. Đến 16h cùng ngày thì phẫu thuật xong. Khoảng 30 phút sau, chị Huyền có những biểu hiện như co giật. Đến 17h40 cùng ngày, chị Huyền bị tím tái, sùi bọt mép và đã được báo cho BS Tường. BS Tường tiếp tục tiến hành các biện pháp cấp cứu nhưng chị Huyền đã tử vong. Sau đó, vị lương y này đã cùng nhân viên phi tang.
Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường đã bị bắt.
Với những thông tin này, có thể thấy rằng trách nhiệm hình sự của vị lương y này phụ thuộc vào những tình tiết sau: Nếu cố ý đối với hậu quả tử vong của chị Huyền vị giám đốc trên sẽ bị định tội giết người theo điều 93 Bộ luật hình sự. Nếu vị Giám đốc này biết trước việc phẫu thuật có khả năng dẫn đến cái chết cho nạn nhân thì trường hợp này sẽ bị định tội vô ý làm chết người vì quá tự tin là tức người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.
Trường hợp trong quá trình phẫu thuật nếu vị lương y thực tiện một số thao tác sai, sai về quy trình thực hiện dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong ngoài mong muốn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định tại Điều 99 Bộ luật Hình sự hoặc tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác được quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự.
Theo Điều 99, người phạm tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 6 năm hoặc từ 5 năm đến 12 năm trong trường hợp làm chết nhiều người. Ngoài ra, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242 BLHS). Nếu bị truy tố theo tội danh này, người bị truy tố có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, nếu gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm hoặc bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Bên cạnh đó, theo giấy phép kinh doanh, Thẩm mỹ viện Cát Tường không được cấp phép thực hiện các dịch vụ như bơm ngực, cắt mí mắt, hút mỡ bụng, mỡ chi… nhưng họ vẫn thực hiện các dịch vụ này thì họ đã phạm tội kinh doanh trái phép theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất có thể lên đến 02 năm tù. Nếu chưa đủ mức độ để xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 06/2008/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực thương mại (được sửa đổi bởi Nghị định 112/2010/NĐ-CP).
Mặt khác, vị bác sĩ trên còn vứt xác nhằm phi tang. Đây là hành vi nhằm che giấu tội ác và phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Theo đó trong vụ việc này người phạm tội còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự về hành vi che giấu tội phạm.
Nguyễn Sen