Theo Quyết định của Chi Cục thuế quận Hoàn Kiếm (thuộc Cục thuế thành phố Hà Nội), Công ty cổ phần Thủy Tạ bị cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Trong đó, thuê đất hơn 1,13 tỷ đồng và tiền chậm nộp 143 triệu đồng.
Đưa ra lý do bị cưỡng chế thuế, Chi cục thuế quận Hoàn Kiếm cho biết, do TTJ nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế.
Ngoài ra, Cục thuế Hà Nội cũng quyết định phạt, truy thu đối với TTJ số tiền hơn 72 triệu đồng do công ty đã có hành vi vi phạm hành chính về thuế.
Cũng theo quyết định này, ngân hàng có tên trong quyết định của Cục Thuế thành phố Hà Nội có trách nhiệm trích số tiền nêu trên để nộp vào tài khoản của Chi cục thuế quận Hoàn Kiếm mở tại Kho bạc Nhà nước Hoàn Kiếm. Trong trường hợp số dư tài khoản của Công ty cổ phần Thủy Tạ nhiều hơn số tiền phải nộp, Chi cục thuế đề nghị trích bằng số tiền phải tríc h nộp.
Trường hợp số dư tài khoản của TTJ ít hơn số tiền phải trích nộp, Chi cục thuế đề nghị trích bằng số tiền dư trên tài khoản tại thời điểm trích nộp và tiếp tục trích đến khi hết số tiền phải trích nộp nêu trên, nếu tài khoản của Công ty pháp sinh có trên tài khoản của đồng vị trong thời gian quyết định có hiệu lực.
CTCP Thủy Tạ - đơn vị được biết đến với thương hiệu Kem Thủy Tạ nổi tiếng, tiền thân là nhà hàng Thủy Tạ, được thành lập từ tháng 5/1958, là nhà hàng duy nhất nằm bên bờ Hồ Gươm, trung tâm Thủ đô. Năm 1999, Thủy Tạ đưa vào hoạt động 1 nhà máy kem công nghiệp với công suất 1 triệu lít/năm dựa trên công nghệ của Ý. Thời gian đầu sản phẩm kem có 14 loại và đến nay đã nâng con số này lên 50.
Ngoài Kem Thủy Tạ, công ty còn có chuỗi Café Thủy Tạ, nước tinh khiết Pha Lê, bánh trung thu Thủy Tạ…
Đặc biệt, CTCP Thủy Tạ sở hữu nhiều khu đất “vàng” ở Hà Nội, bao gồm 1.600m2 tại số 2 Lương Yên, Hà Nội, 22.500 m2 tại xã Lạc Hồng, Hưng Yên làm văn phòng và phân xưởng sản xuất và gần 1.100m2 tại các phố Lê Thái Tổ, Hàng Gai và Hàng Thùng.
Năm 2018, Thủy Tạ đặt mục tiêu đạt 120,61 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 16,53% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 9,53 tỷ đồng, tăng 31,32% so với lợi nhuận đạt được năm 2017.
Trên thị trường chứng khoán, 3 triệu cổ phiếu TTJ đang được giao dịch trên sàn UPCoM, tuy nhiên mã này thường xuyên trong tình trạng mất thanh khoản. Thị giá phiên 11/3 tăng 14,6% và dừng ở mức 29.800 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường theo đó vào khoảng 89,4 tỷ đồng.