Sáng 28/3, hơn 200 doanh nghiệp cùng các đơn vị chức năng, lãnh đạo tỉnh Bình Định tham dự Hội nghị Xúc tiến Thương mại với Hội doanh nhân Việt Nam – Canada (VCBA) do UBND tỉnh Bình Định phối hợp với VCBA tổ chức.
Thị trường nhiều tiềm năng
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Canada là nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước nói chung và với địa phương Bình Định nói riêng. Tỉnh hiện có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu sang thị trường Canada và khu vực Bắc Mỹ.
Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Định sang Canada đã tăng gấp 4 lần, từ mức 4,1 triệu USD năm 2018 lên trên 17,2 triệu USD năm 2023, riêng năm 2022 đạt gần 24 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,5 triệu USD. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của Bình Định sang thị trường Canada như hải sản, gỗ tinh chế nội ngoại thất, sản phẩm may mặc, sản phẩm từ chất dẻo. Trong đó hải sản đạt giá trị cao nhất (năm 2023 gần 5 triệu USD). Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm nguyên phụ liệu dược phẩm, hàng thủy sản.
Bên cạnh đó, hiện có 02 dự án do doanh nghiệp Canada đầu tư vào tỉnh Bình Định, với tổng vốn đăng ký 2,72 triệu USD thuộc lĩnh vực may mặc (Công ty TNHH SELDAT Việt Nam), các dự án này đã phát huy hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.
Theo ông Tuấn, Bình Định có loạt tiềm năng thế mạnh về diện tích rộng, hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, ngày càng được đầu tư, nâng cấp, kết nối tiện tích, nguồn nhân lực khá dồi dào với dân số khoảng 1,5 triệu người, trong đó có trên 60% dân số trong độ tuổi lao động; Bình Định không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để phấn đấu trở thành “điểm đến lý tưởng” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo quy hoạch được duyệt, tỉnh Bình Định có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 6.700ha, 68 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 3.500 ha; trong đó, Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, diện tích gần 1.400ha, có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng đầy đủ nhất, tốt nhất mọi điều kiện cho hoạt động của nhà đầu tư.
Lãnh đạo Sở Công thương Bình Định cũng đánh giá: Canada không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng mà còn là thị trường "cửa ngõ" để tiếp cận thị trường Bắc Mỹ. Đây là nước có vị trí hết sức quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Định. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu của tỉnh sang Canada là sản phẩm thế mạnh của tỉnh.
Có được kết quả này, do doanh nghiệp hai bên đã quan tâm, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của mình. Bên cạnh đó, việc tham gia Hiệp định CPTPP tạo thuận lợi về thuế, cải thiện môi trường kinh doanh, cạnh tranh để nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa, năng lực của các doanh nghiệp…
Nhiều doanh nghiệp lớn người Việt thành công ở Canada
Ông Nguyễn Hoài Bắc, Ủy viên Ban chấp hành VCBA cho biết, bản thân có hơn 30 năm kinh doanh ở Canada, và đây là cơ hội cần và đủ cho các doanh nghiệp muốn làm ăn, buôn bán và đầu tư hai chiều giữa hai quốc gia. Bởi, Canada là Quốc gia rộng thứ 3 trên thế giới 9.984.670 km2. Có bờ biển lớn nhất, dài nhất thế giới, 3 mặt giáp biển (phía Bắc giáp Bắc Băng Dương, phía Đông giáp Đại Tây Dương và phía Tây giáp Thái Bình Dương), 1 mặt có biên giới phía Nam giáp Hoa Kỳ, giao thương bằng đường biển giữa Việt Nam và Canada cực kỳ thuận lợi.
Theo ông Bắc, vận tải đường biển ở Canada giá thành rẻ, nhanh chóng thuận lợi để tiếp cận với hàng hoá cần giao thương. Canada có 2 cảng lớn nhất thuộc khu vực Bắc Mỹ là cảng Vancouver và Halifax.
Bên cạnh đó, VCAB có trụ sở chính tại Vancouner, nơi đây có các doanh nghiệp lớn, đáp ứng với các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất nhập khẩu các mặt hàng sang Canada và ngược lại.
Ông Bắc nêu bật trường hợp của doanh nhân Châu Cường (Ken Chau) là doanh nghiệp lớn, ông chủ sở hữu chuỗi Siêu thị 88 (88 Supermarkets) tại Vancouver. Các Siêu thị này có khả năng hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Canada và Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể ký gửi hàng hoá, có thể thuê mướn gian hàng để kinh doanh buôn bán và thâm nhập thị trường Canada…
Ông Nguyễn Quang Trung, nguyên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Vancouner, Canada đánh giá: Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở Đông Nam Á gần một thập kỷ liên tục và hai bên đều nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 10 tỷ USD. Canada là nhà đầu tư lớn thứ 14 tại Việt Nam. Cả hai nước hiện là thành viên của Hiệp định CPTPP nên có những lợi thế mà các nước không phải là thành viên không có được.
Việc xúc tiến thương mại Bình Định vào Canada là xu thế cần thiết, bởi Bình Định hội tụ nhiều điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi như cảng biển, sân bay, đường quốc lộ, khu công nghiệp Becamex Bình Định...
Ông Trung nhấn mạnh, thực tế một số doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào những lĩnh vực tiên phong, ưu tiên của Canada như xe điện VinFast, FPT, Vinastone... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Canada gốc Việt đã có chỗ đứng thành công, ổn định như Dan-D-Pak, Supermarket 88, Henlong supermarket, Lucky Supermarket...
Thành công của nhà đầu tư là thành công của Bình Định
Nhấn mạnh cơ hội lớn vào thị trường Canada, ông Trung lưu ý, đây là nước G7 có những tiêu chuẩn rất khắt khe cho nên đương nhiên đầu tư thành công vào thị trường này là không dễ dàng nên các doanh nghiệp đáp ứng các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định.
Lãnh đạo Sở Công thương Bình Định nhận định, thị trường các nước CPTPP (trong đó có Canada và Bắc Mỹ) có những tiêu chuẩn phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Đây là trở ngại không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, đối với các sản phẩm nông sản, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ nên gặp nhiều khó khăn trong việc cải thiện chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh một cách đồng bộ.
Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý, chi phí quảng bá thâm nhập thị trường cao, chi phí vận chuyển và logistics cao cũng khiến giá xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh khó cạnh tranh so với các nước láng giềng trong khu vực châu Mỹ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp Việt nói chung, Bình Định nói riêng cần nhận diện thách thức để có các giải pháp, xây dựng chiến lược và tham gia thị trường Canada hiệu quả. Phía ngành Công Thương Bình Định nêu loạt giải pháp từ xúc tiến đầu tư, đầu tư hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp, tăng cường phổ biến Hiệp định CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do khác và thị trường của các nước cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tận dụng hiệu quả hơn các lợi thế này…
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho hay: tỉnh chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan và cải thiện mối quan hệ giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp và chính quyền địa phương các cấp được đặt lên hàng đầu, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
“Bình Định luôn coi lợi ích hợp pháp và thành công của nhà đầu tư là lợi ích và thành công của chính mình. Đến với Bình Định, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi thuận lợi để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững”, ông Tuấn nhấn mạnh.