Chủ tịch Coteccons: Giấy phép là trở ngại lớn khi đầu tư vào Việt Nam

Nguyễn Hồng Nhung

Nguyễn Hồng Nhung

Thứ 3, 26/03/2024 14:18

Chủ tịch Xây dựng Coteccons cho rằng Việt Nam còn rất nhiều dư địa trong việc thu hút vốn từ các NĐT nước ngoài nhưng trước mắt cần tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại.

Loạt vướng mắc cần được tháo gỡ

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận tại hội thảo "Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024" tổ chức sáng ngày 26/3, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá kinh tế tư nhân đóng góp gần 50% GDP, 85% việc làm, 18% vào ngân sách nên vô cùng quan trọng.

“Tuy nhiên, khu vực này đang chững lại khi ban hành Nghị quyết 10. Khu vực này đã được đẩy và thông thoáng hay chưa trong khâu thực thi về môi trường đầu tư kinh doanh? Thực tế, chúng tôi khá sốt ruột”, ông Lực băn khoăn.

Nhìn nhận thẳng thắn từ thực tiễn trên thị trường, ông Lực cho rằng doanh nghiệp tại Việt Nam có cải tiến nhưng so với các nước khác vẫn có khoảng cách rất lớn, còn thiếu cách quản trị đẳng cấp và quốc tế.

Thậm chí, vị chuyên gia đánh giá thị trường Việt Nam có tầm nhìn ngắn nên chưa chú trọng đầu tư vào khoa học - công nghệ, R&D, chưa kể bản thân doanh nghiệp cũng có một số vi phạm phát luật, đạo đức kinh doanh.

Kinh tế vĩ mô - Chủ tịch Coteccons: Giấy phép là trở ngại lớn khi đầu tư vào Việt Nam

Chủ tịch Coteccons: Giấy phép là trở ngại lớn khi đầu tư vào Việt Nam.

Đứng từ góc nhìn của doanh nghiệp, là một nhà đầu tư ngoại quốc hiện đang kinh doanh tại Việt Nam, ông Bolat Duisenov – Chủ tịch CTCP Xây dựng Coteccons chia sẻ trong suốt 15 năm làm việc tại Việt Nam thì giấy phép là một trở ngại lớn đối với doanh nghiệp.

Nêu rõ hơn về trải nghiệm này, ông Bolat Duisenov cho biết khi các công ty FDI đến Việt Nam, họ sẽ gặp Chính phủ đầu tiên sau đó là các công ty xây dựng. Mặc dù Việt Nam sở hữu lợi thế giỏi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều cam kết ổn định nhưng vấn đề giấy phép vẫn khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài phải dè chừng.

Bên cạnh đó, các vấn đề khác được các nhà đầu tư quan tâm và còn tồn tại vướng mắc còn là sự khác biệt văn hoá; chất lượng của nhân sự; các nhà cung cấp…

Dù vậy nhìn vào điểm tích cực, Chủ tịch Coteccons cho rằng Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện rất nhiều biện pháp để tháo gỡ những khó khăn kể trên, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt thu hút nguồn vốn FDI.

“Dòng vốn FDI mang đến rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt, nhìn vào bức tranh gần đây có những mảng xám nhưng không có vấn đề gì quá lớn. Chúng ta vẫn sẽ còn nhiều cơ hội lớn”, ông Bolat Duisenov nói.

Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến hiệu quả của các doanh nghiệp Việt

Cũng nêu quan điểm về FDI, bà Đỗ Thụy Như Thùy - Giám đốc toàn quốc Khối Quản lý thanh toán và tiền tệ toàn cầu, HSBC Việt Nam nêu quan điểm Việt Nam có vị trí kề bên một nước láng giềng có nguồn lực lớn, đó cũng là vị trí rất tốt cho nhà đầu tư quan tâm tới.

Bà Thuỳ phân tích, không chỉ doanh nghiệp FDI mà tất cả doanh nghiệp quyết định đầu tư vào một nơi nào đó sẽ nhìn đầu tiên là các yếu tố kinh tế vĩ mô có ổn định hay không. 

Theo đó, thị trường Việt Nam đang có một nền kinh tế mở - đây là yếu tố mà Việt Nam sở hữu khiến nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Ngoài ra, các yếu tố như chính sách thu hút đầu tư, chi phí, chất lượng nhân lực, công nghệ… Việt Nam đã chuẩn bị đến đâu cũng là một yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài.

“Việt Nam có vị trí kề bên một nước láng giềng có nguồn lực lớn, đó cũng là vị trí rất tốt cho nhà đầu tư quan tâm tới. Nhà đầu tư cũng sẽ quan tâm năng lực tái tạo của Việt Nam đã sẵn sàng hay chưa, đặc biệt là trong sản xuất", bà Thùy nêu.

Kinh tế vĩ mô - Chủ tịch Coteccons: Giấy phép là trở ngại lớn khi đầu tư vào Việt Nam (Hình 2).

Bà Đỗ Thụy Như Thùy - Giám đốc toàn quốc Khối Quản lý thanh toán và tiền tệ toàn cầu, HSBC Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

HSBC có mạng lưới hoạt động toàn cầu, bà Thuỳ cho biết doanh nghiệp hoạt động theo hướng kết nối nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước bằng cách liên hệ và chia chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, đại diện HSBC nhấn mạnh khi đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến hiệu quả của các doanh nghiệp Việt. Một trong những cái hiệu quả được quan tâm có thể kể đến là số hoá, quản lý đồng tiền tốt hơn, làm thế nào để đồng tiền tập trung hơn,…

Bổ sung thêm, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho biết Việt Nam thu hút FDI hàng đầu khu vực nhưng dòng vốn FII vào thị trường chứng khoán lại sụt giảm mạnh những năm gần đây. Số liệu cho thấy từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 10.000 tỷ đồng. Nếu từ tháng 3/2023 đã bán ròng hơn 38.000 tỷ đồng.

Theo ông Tuấn, đà bán ròng này đến từ vài nguyên nhân chính bao gồm việc nhà đầu tư nước ngoài có nhiều sự lựa chọn, với khẩu vị đầu tư vào những công nghệ mới mà Việt Nam lại gần như không có. Do đó, nguồn vốn lớn của nhà đầu tư nước ngoài chảy từ Trung Quốc sang các quốc gia khác như Ấn độ, Nhật.

Một nguyên do khác là nhà đầu tư nước ngoài lo ngại một số vấn đề của Việt Nam không như kỳ vọng. Trong 2 tháng gần đây, rõ ràng có sự quan tâm nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam và Việt Nam vẫn nằm trong những nước nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.

"Nếu chính thức được MSCI nâng hạng, khả năng rất cao dòng vốn ngoại sẽ quay lại mạnh mẽ. Mặt khác, trên thị trường ETF tỉ trọng nhỏ, phần lớn các quỹ chủ động và đây mới là dòng tiền lớn vào thị trường Việt Nam", ông Tuấn nêu.

Kinh tế vĩ mô - Chủ tịch Coteccons: Giấy phép là trở ngại lớn khi đầu tư vào Việt Nam (Hình 3).

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội thảo "Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024".

Kết luận từ những chia sẻ trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng để nhà đầu tư nước ngoài tìm đến thì Việt Nam cần quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh về vướng mắc vốn, đất đai, khoa học công nghệ. Đặc biệt cần tổng kết về luật, hay câu chuyện về thị trường vốn, hệ thống ngân hàng cơ cấu lại nhanh hơn, tốt hơn và đẩy mạnh huy động vốn doanh nghiệp như trái phiếu doanh nghiệp.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.