Câu chuyện thật như đùa này được nhiều phương tiện truyền thông đăng tải. Cụ thể, tại Điều 1 của Quyết định số 37/QĐ-UBND-TL do Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ký ban hành ngày 27/3/2017 đã nêu: “Thụ lý đơn tố cáo của ông Võ Văn Điệp, ngụ số 699, đường Nguyễn Hữu Kiên, tổ 22, ấp Hòa Long, xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đối với ông Đặng Văn Nang – Phó Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh…”.
“Ấn tượng” hơn, tại Điều 3, người bị tố cáo cũng là người có trách nhiệm thi hành quyết định.
Với cách ra Quyết định như vậy, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Liệu người đứng đầu UBND tỉnh có đọc kỹ văn bản trước khi ký không? Có lường được hậu quả với người đã can đảm đứng ra tố cáo những sai phạm ở địa phương?
Bởi ông cha ta hay nói “Bút sa gà chết”. Ở đây gà không chết mà người tố cáo sẽ “chết” vì chữ ký của ông. Hay do bận trăm công nghìn việc nên cấp dưới tham mưu thế nào thì ông ký thế đó?
Thực tế trước đây, trong xã hội đã có nhiều trường hợp dũng cảm đứng ra tố cáo tiêu cực nhưng phần lớn họ lại phải chịu nhiều nỗi lo, bị trù dập, hành hung.
Chúng ta không thể nào quên câu chuyện của thầy Đỗ Việt Khoa - giáo viên THPT ở Hà Nội, vào năm 2006 đã dũng cảm đứng ra tố cáo tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương. Sau lần tố cáo đó, thầy đã chịu nhiều thiệt thòi, đau buồn khi bị đồng nghiệp xa lánh, ban giám hiệu nhìn bằng ánh mắt thiếu thiện cảm, con của thầy bị trường từ chối cho học… Có thể nói, dù với mục đích làm cho các kỳ thi được nghiêm túc và công bằng hơn nhưng đổi lại, thầy đã phải chịu ảnh hưởng không nhỏ khi phanh phui tiêu cực trong ngành giáo dục.
Trở lại vụ việc ở Đồng Tháp, với cách ra quyết định thụ lý giải quyết đơn thư tố cáo có “kèm theo tên người tố cáo” như trên, thử hỏi nếu người đó bị trù dập, hành hung… thì vị Chủ tịch tỉnh có bảo vệ được không? Hay chỉ đứng ra xin lỗi theo kiểu qua loa, chiếu lệ cho xong chuyện với dư luận? Còn cuộc sống lâu dài về sau của người tố cáo sẽ như thế nào?
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của người viết, việc để lộ thông tin của người đứng ra tố cáo tiêu cực cũng đã vi phạm nghiêm trọng luật Tố cáo năm 2011 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành.
Cụ thể, tại Điều 5 (trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo); Khoản 3, Điều 8 (Những hành vi bị cấm) và tại Điểm b, Khoản 1, Điều 9 (Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo) trong Chương II có nêu: Được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình.
Vậy, với việc ra một quyết định vi phạm pháp luật như trên có nên xem xét trách nhiệm người đứng đầu?
Câu chuyện tại cấp dưới tham mưu sai, sử dụng từ ngữ có nội dung chưa phù hợp hay “lỗi đánh máy”… là không hề hiếm bởi thời gian qua đã có quá nhiều vụ việc xảy ra với “cùng lý do”. Nó như những chiếc phao cứu sinh để cán bộ làm sai vin vào khi dư luận, báo chí lên tiếng về văn bản ban hành “có vấn đề”.
Minh chứng cho điều này, mới đây, một vị lãnh đạo đã ký văn bản đề nghị xử lý phát ngôn đối với Chủ tịch hiệp hội Du lịch ở một địa phương miền Trung. Sau đó phải ký văn bản khác thu hồi văn bản yêu cầu xử lý đã ban hành với lý do trong văn bản cũ có một số từ ngữ với nội dung chưa phù hợp.
Việc ký các văn bản “kỳ lạ” trên đây có lẽ không phải do năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ lãnh đạo yếu. Bởi phần lớn họ đều có bằng cấp, được đào tạo bài bản, ít nhất cũng là cử nhân, thậm chí có người là Tiến sĩ, Thạc sĩ. Mà có lẽ do quá tin vào việc tham mưu của cấp dưới nên đưa là ký mà không hề đọc hay liếc qua xem nội dung viết như thế nào.
Và một điều nữa khiến họ dễ dãi trong việc ký văn bản là do hình thức xử lý chưa nghiêm. Khi “có vấn đề” trong việc ban hành văn bản, cán bộ có quyền rút kinh nghiệm sâu sắc, tự kiểm điểm hoặc xin lỗi… Những điều mà nếu người dân vi phạm sẽ không có được sự “may mắn” như vậy.
Mặc dù UBND tỉnh Đồng Tháp đã nhận ra sai sót và tổ chức xin lỗi người đứng ra tố cáo nhưng người dân mong rằng địa phương cần giải quyết vụ việc một cách thấu đáo, triệt để. Có như vậy, người đứng ra tố cáo tiêu cực ở địa phương mới an tâm, yên ổn trong cuộc sống về sau hơn là những lời xin lỗi có cánh để xoa dịu dư luận.
Câu chuyện trên sẽ là bài học sâu sắc đối với cán bộ lãnh đạo trong việc tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo của người dân. Bởi người dân đứng ra tố cáo tiêu cực là việc làm đáng hoan nghênh và trân trọng với mong muốn làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp, bộ máy công quyền hoạt động có hiệu quả hơn.
Hy vọng cách giải quyết đơn thư tố cáo có một không hai này chỉ là việc hi hữu, bởi ông cha ta có dạy “Một lần bất tín,vạn lần bất tin”.
Quang Châu
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả