Chiều 27/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Thành phố cho biết, tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới với đặc điểm vô cùng phức tạp. Tính đến 18h cả nước ghi nhận 163 trường hợp nhiễm Covid-19 trong đó có 10 ca nhiễm mới, 4 ca là những người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong khoảng thời gian từ 21/3 tới 23/3/2020, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, 3 ca người nước ngoài đã có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 tại quán bar Buddha ở TP Hồ Chí Minh và 3 ca còn lại có liên quan tới bệnh nhân 133 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
"Cho đến giờ phút này vẫn chưa có vaccine, thuốc đặc trị cho dịch bệnh. Đã nhận dạng được virus nhưng chưa xác định được điểm kết thúc của dịch bệnh vì vậy, rất có khả năng Ban Chỉ đạo sẽ phải làm việc trong thời gian dài", Chủ tịch Chung nói.
Trong kết luận, Chủ tịch Hà Nội cũng cho biết, Thành phố đã mời các chuyên gia, mô phỏng 3 kịch bản: Không làm gì; làm yếu ớt, làm mạnh mẽ các biện pháp ngăn nguồn lây nhiễm, không để phát tán ở nơi đông người. Với kịch bản làm mạnh mẽ như ở Thành phố hiện nay sẽ có các “đốm cháy” là ổ dịch nhỏ trên địa bàn Thành phố như ở Bạch Mai, Trúc Bạch, Núi Trúc… Người dân chấp hành tốt, sẽ ngăn chặn được. “Nếu để thành ổ dịch lớn phát tán khắp nơi sẽ thành Vũ Hán thứ 2”
Chủ tịch UBND Thành phố nêu rõ bài học xử lý ổ dịch ở 125 Trúc Bạch, bệnh viện Hồng Ngọc… và yêu cầu các địa phương cần nghiên cứu để áp dụng như kinh nghiệm cách ly một tầng ở tòa nhà, khử khuẩn thang máy, môi trường, đo thân nhiệt thường xuyên; không nhất thiết phải cách ly cả tòa nhà…
“Đảm bảo nguyên tắc không chờ quyết định công bố dương tính của Bộ Y tế, Thành phố chủ động nâng cao hơn 1 mức, có xét nghiệm dương tính ban đầu thì phải ngay lập tức xác định rõ F1, F2, tổ chức cách ly ngay. Nếu không phản ứng nhanh, chờ 1, 2 ngày thì con số sẽ nhân lên khó lường”, Chủ tịch Hà Nội khẳng định.
Liên quan đến ổ dịch ở bệnh viện Bạch Mai, ông Chung đề nghị các đơn vị làm rõ vấn đề: Người ở ổ dịch bệnh viện Bạch Mai đi ra có coi là vùng dịch không; có cấm đi lại hay không? ở bệnh viện các bệnh nhân đều sử dụng chung khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bãi trông giữ xe hay sinh viên thực tập có phải là các điểm kết nối lây lan dịch bệnh không?...để thành phố có biện pháp phòng ngừa.
“1.592 bệnh nhân điều trị ngoại trú của bệnh viện Bạch Mai từ 10/3 và các trường hợp chăm sóc các bệnh nhân này cũng phải cách ly tại nhà. Cảnh báo đến cả người trông xe, lái xe taxi, cung ứng thực phẩm, vận chuyển thuốc…Phải làm triệt để, lơi là sẽ dễ xảy ra lây nhiễm”, Chủ tịch UBND Thành phố lưu ý.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay sau khi có 2 điều dưỡng dương tính với Covid -19, bệnh viện đã phối hợp với Công an tổ chức cách ly 160 cán bộ y tế là F1, đến nay tất cả đều có sức khỏe tốt; xét nghiệm 2 lần âm tính
Liên quan đến Bệnh nhân 133, ngay khi phát hiện dương tính, bệnh viện đã tiến hành cách ly cả Trung tâm Thần kinh; xét nghiệm ngay trong đêm 322 người là nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà. Các trường hợp nhân viên y tế đều có kết quả xét nghiệm ban đầu âm tính. 2 trường hợp có dấu hiệu lây nhiễm đã được chuyển mẫu cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ngoài ra có 3 bệnh nhân có bệnh nặng, khi vào viện đã hôn mê, có tiên lượng nặng có thể tử vong (kết quả xét nghiệm ban đầu âm tính với Covid -19)
Về việc còn ai ở bệnh viện Bạch Mai nhiễm nữa không, bệnh viện đã tầm xoát trên 5.000 mẫu của tất cả những người trong viện. Dự kiến 2 ngày nữa sẽ có kết quả. Tất cả bệnh nhân không được ra viện, phải chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng.
Liên quan đến vấn đề này, CDC Hà Nội cho biết, đã có ổ dịch tại cộng đồng liên quan đến bệnh viện Bạch Mai. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố, trung tâm đã rà soát và yêu cầu xấp xỉ gần 1.500 người ra viện từ 10 đến 25/3 thực hiện tự cách ly tại nhà để phòng dịch. Bên cạnh đó, trong 10 ngày qua có 14.000 người khám ngoại trú ở bệnh viện Bạch Mai. CDC Hà Nội đã khuyến cáo các trường hợp này cần tự thực hiện cách ly ở nhà, có dấu hiệu ho sốt phải báo ngay cho cơ quan y tế.