Chủ tịch Hà Nội làm trưởng ban chỉ đạo phòng, chống lãng phí Thành phố
Sáng 20/11, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của Thành phố.
Tại Quyết định thành lập, UBND Thành phố đã giao nhiệm vụ của Ban chỉ đạo với 4 nhóm nội dung lớn, trong đó có 23 vấn đề cụ thể để tập trung rà soát, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, quyết tâm đưa nội dung phòng, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục với mục tiêu tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn để phát huy nguồn lực đầu tư xã hội từ đất đai, tài nguyên, vốn đầu tư ngoài ngân sách, đồng thời sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn đầu tư công, các khoản chi từ ngân sách nhà nước.
Hà Nội là Thành phố đầu tiên trong cả nước thành lập Ban chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí; thể hiện rõ hơn sự quyết liệt, đồng lòng, trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí của Thành phố.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm Trưởng Ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo bao gồm 22 thành viên gồm lãnh đạo UBND Thành phố và Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ngành Thành phố sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc rà soát, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của thành phố Hà Nội năm 2025 và các năm tiếp theo theo từng ngành, lĩnh vực của Thành phố.
Gần 1.000 dự án chậm tiến độ
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban chỉ đạo Trần Sỹ Thanh cho biết, nhìn nhận mọi việc ở góc độ lãng phí thì "nhìn đâu cũng thấy, hiện hữu xung quanh chúng ta". Về vấn đề này, trong nhiệm kỳ vừa qua, cả thành phố đã khởi động, làm nhiều việc, đem lại nhiều kết quả.
Cụ thể, thời gian qua Thành phố tập trung rà soát xác định có hơn 712 dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ và phát hiện thêm hơn 100 dự án ở các quận huyện. Đã có nhiều dự án được thành phố tập trung tháo gỡ, vận hành lại. Cũng có nhiều dự án vì lý do khách quan không thể triển khai thì bị Thành phố Hà Nội thu hồi.
"Nhìn vào các dự án thì cơ bản, trong 712 dự án này cả chục năm rồi. Đất đai bỏ đấy, có cái thu hồi rồi có cái chưa. quy hoạch làm dự án, người dân thì không có đất, thu hồi dở dang để đó rất lãng phí. Trước chúng ta nhìn ở góc độ chậm tiến độ, còn ở góc độ lãng phí thì thật sự lãng phí", Trưởng ban chỉ đạo nói.
Tiếp đó là công tác quản lý, sửa dụng tài sản công của Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố đánh giá công tác này đang quản lý lỏng lẻo, nên ở góc độ nào đó cũng có thể gọi là lãng phí. Vừa rồi, Thành phố tập trung rà soát các loại quỹ về nhà chuyên dùng, tiến hành thu hồi được rất nhiều tài sản công, trong đó Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội đã thu hồi được mấy chục nghìn m2 nhà thuộc quản lý của thành phố nhưng trước đây "để trôi nổi".
Theo Trưởng ban chỉ đạo, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, cả hệ thống đã nhận diện và đưa lĩnh vực chống lãng phí vào lĩnh vực ban chỉ đạo tiêu cực, tham nhũng lãng phí thì đây là góc nhìn mới.
Từ đó, Trưởng ban chỉ đạo yêu cầu tập thể lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội cũng như các thành viên UBND Thành phố phải nhận thức sâu sắc hơn về việc chống lãng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai. Đây cũng là lý do thành lập Ban chỉ đạo chuyên về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.
Đồng thời, yêu cầu Phó Chủ tịch Nguyễn Trọng Đông, Thường trực Ban Chỉ đạo, xây dựng nội quy, quy trình hoạt động của ban, để đảm bảo công tác thực hiện phòng, chống lãng phí đúng quy trình nhưng không được chậm, làm ảnh hưởng tiến độ giải quyết.
UBND Thành phố Hà Nội đã công bố kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về các vấn đề, vụ việc, hành vi gây thất thoát, lãng phí trên Cổng thông tin điện tử Thành phố Hà Nội (địa chỉ: https://hanoi.gov.vn); ứng dụng Công dân số thủ đô - iHanoi.
Trên tinh thần mỗi người dân thủ đô và cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền Thành phố Hà Nội cùng đồng lòng chống lãng phí với trách nhiệm cao nhất, thúc đẩy đưa các tài nguyên, tiềm năng của Thành phố trở thành động lực và nguồn lực phát triển thủ đô, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội,