Sáng 16/8, UBND Tp.Hà Nội tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội (y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao).
Tại Hội nghị, các lượt kiến nghị của 57 doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, được tổng hợp theo 6 lĩnh vực với 20 nhóm vấn đề.
Trong đó, lĩnh vực giáo dục 4 có nhóm vấn đề về bổ sung cấp học, thủ tục đầu tư xây dựng trường học ngoài công lập, thủ tục đăng ký hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa và cấp Giấy phép hoạt động.
Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có 3 nhóm vấn đề về cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; cấp phép cơ sở đào tạo và người lao động đào tạo nghề; cơ chế đặt hàng đào tạo nghề.
Lĩnh vực y tế có 3 nhóm vấn đề về cơ chế chính sách hỗ trợ; môi trường đầu tư; liên kết và hợp tác. Lĩnh vực quảng cáo: 3 nhóm vấn đề về chuyển mục đích sử dụng đất; triển khai lắp đặt màn hình LED; triển khai thực hiện Quy định về quản lý hoạt động quảng cáo.
Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có 4 nhóm vấn đề về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; hoạt động tổ chức biểu diễn; thẩm định và cấp phép tác phẩm nghệ thuật; sao chép tác phẩm nghệ thuật. Lĩnh vực thể thao: 3 nhóm vấn đề về đăng ký cơ sở tổ chức tập luyện và thi đấu; quản lý đào tạo và tập luyện đối với một số môn thể thao mới; cấp phép cơ sở huấn luyện và nhân lực đào tạo.
Trách nhiệm với các doanh nghiệp ngày càng lớn
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đây là hội nghị thứ 4 Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ các đơn vị thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của mình.
Theo người đứng đầu UBND Thành phố, những năm gần đây, kinh tế Hà Nội có bước phát triển vững vàng hơn các tỉnh khác trên nhiều mặt, văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc từ nghệ thuật biểu diễn, làng nghề, thể thao, du lịch, dịch vụ, y tế và kể cả giáo dục.
Có kết quả đó là công sức của nhiều thành phần, trong đó có sự góp sức của doanh nghiệp ngoài Nhà nước, người lao động hoạt động trong lĩnh vực này.
"Trong bối cảnh có "rừng" chính sách, thủ tục hành chính như hiện nay, các doanh nghiệp vượt qua và đứng vững, thậm chí là phục hồi sau Covid-19. Thành phố trân trọng và đánh giá cao của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, kính nể nỗ lực và tinh thần yêu ngành, yêu nghề.
Từ đó xác định được trách nhiệm của Thành phố với các doanh nghiệp ngày càng lớn hơn, mặc dù Thành phố đã có nhiều cố gắng trong tăng cường kỷ luật kỷ cương, thay đổi cách nghĩ cách làm, đổi mới hiện đại hóa quy trình", Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nói.
Thành phố đặt kỳ vọng lớn vào sự thay đổi căn bản hơn của lĩnh vực văn hóa – xã hội. Thành phố cũng kiến nghị với Chính phủ những vấn đề cụ thể như có cơ chế PPP (hợp tác công tư) để giải quyết các vấn đề liên quan đến văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, du lịch.
Đồng thời, Thành phố rất trăn trở, cụ thể hóa từ Nghị quyết thành hành động, quan tâm bằng chính sách; nâng cao năng lực để xây dựng chế chính sách, tổ chức thực hiện, phân cấp ủy quyền cho các sở nhiều hơn về các lĩnh vực, cải cách hành chính để công việc nhanh hơn, nhạy hơn…
Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị tổng hợp lại một cách đầy đủ, phân loại các nhóm để kiến nghị cấp trên và giải quyết ngay nếu thuộc thẩm quyền, có điều chỉnh phủ hợp để tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động.
"Mong doanh nghiệp chia sẻ với Thành phố, chấp hành chính sách cho đúng. Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước là tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động đúng quy định, tồn tại bằng uy tín", Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Cấp giấy phép cho giáo viên nước ngoài còn nhiều khó khăn
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại diện Công ty TNHH Phát triển công nghệ giáo dục Việt Nam nêu ý kiến, việc Giấp phép lao động cho giáo viên người nước ngoài gặp nhiều khó khăn đối với nhóm giáo viên dạy chương trình bổ trợ tại các trường phổ thông.
Đại diện trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Phú Xuyên) cho hay, các trường THPT tư thục tuyến huyện có khó khăn lớn trong hoạt động như điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí đào tạo.
Do vậy, học sinh của các trường tư thục có nhiều thiệt thòi hơn so với các trường công lập, đề nghị Thành phố có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn cho các trường THPT tư thục.
Trực tiếp trả lời kiến nghị của các đơn vị, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội Bạch Liên Hương làm rõ những quy định liên quan đến bằng cấp và chứng chỉ cho giáo viên nước ngoài.
Theo đó, quy chuẩn cho lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam thực hiện theo Nghị định 152 và Nghị định 70 của Thủ tướng Chính phủ về cấp phép cho lao động nước ngoài.
Bên cạnh đó, các chứng chỉ về ngoại ngữ thì thực hiện theo Thông tư 21 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, nêu rõ yêu cầu về trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ của người lao động khi sang Việt Nam.
Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định, tiêu chí với người nước ngoài làm việc tại Hà Nội hoàn toàn tuân thủ theo quy định, Nghị định của Chính phủ, thông tư Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài quy định chung, Hà Nội không ban hành bất kỳ quy định nào riêng cho đối tượng lao động này; tháo gỡ mọi điều kiện về thủ tục hành chính, để các doanh nghiệp, trung tâm tham gia hoạt động này một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố đã ủy quyền cho quận, huyện thực hiện thủ tục hành chính cấp phép cho lao động nước ngoài để giảm thời gian đi lại, tạo thuận lợi cho các đơn vị, người lao động.
Tiếp thu ý kiến của đơn vị, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm, tất cả các chính sách của Việt Nam là ưu tiên cho người lao động trong nước trước, lĩnh vực nào, công việc nào người Việt Nam có đủ điều kiện, năng lực, đáp ứng yêu cầu thì ưu tiên cho lao động Việt Nam; còn những lĩnh vực không thể thực hiện được thì chúng ta thuê người nước ngoài, thực hiện theo quy định.
Về đến vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, trung bình mỗi năm Hà Nội có trên 4.000 giáo viên nước ngoài, giáo viên người bản địa đến làm việc, trong đó tập trung vào giảng dạy tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật tại các trung tâm.
"Sở vẫn thống nhất áp dụng theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 18 Thông tư số 21/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó có nêu rõ nếu không nắm được nhân thân, trình độ, văn bản cần thiết thì sự giảng dạy của giáo viên không đạt hiệu quả tốt. Đây là quy định bắt buộc với đội ngũ này giảng dạy tại Hà Nội", ông Cương nói.
Liên quan đến kiến nghị đầu tư cho trường THPT tư thục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hay, Thành phố luôn có chính sách hỗ trợ về đất đai, điều kiện xây dựng, đảm bảo an toàn trong trường học.
Đối với các trường sẽ có nhiều cạnh tranh trong đào tạo, nếu trường nào tốt học sinh và phụ huynh sẽ tự động tìm tới, trường nào chưa tốt thì hoạt động sẽ khó khăn. "Hữu xạ tự nhiên hương", Sở đã có sự phối hợp với các trường tư thục trên địa bàn Hà Nội để nâng cao chất lượng đào tạo, dạy và học, đảm bảo sự phát triển của các trường.