Đầu tuần này, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã có mặt tại Singapore, bắt đầu chuyến công du tới các nước châu Á cùng nhiều đồn đoán về việc bà có đến thăm Đài Loan (Trung Quốc) hay không.
Phái đoàn Quốc hội Mỹ do Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi dẫn đầu đã yêu cầu các nhóm kinh doanh của Singapore hỗ trợ cộng đồng đồng tính nữ, gay, song tính, chuyển giới và người không xác định được giới tính (cộng đồng LGBTQ).
Lời kêu gọi hướng tới các nhà lãnh đạo trong cộng đồng doanh nghiệp được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp Mỹ thành lập và bổ sung văn phòng tại Singapore, theo một tuyên bố do văn phòng báo chí của bà Pelosi đưa ra mới đây. Hiện có gần 5.500 doanh nghiệp Mỹ tại quốc đảo sư tử này. Hôn nhân đồng giới đã được hợp pháp trên toàn nước Mỹ kể từ năm 2015.
Vào năm ngoái, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chia sẻ rằng Mỹ là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của nước này với 315 tỷ USD đầu tư.
Hãng tin Bloomberg cho biết những lời kêu gọi chấm dứt việc cấm quan hệ tình dục giữa nam giới tại Singapore đã thu hút sự chú ý của dư luận trong những tuần gần đây. Ông K Shanmugam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Bộ trưởng Bộ Luật pháp Singapore, đã báo hiệu rằng không có sự nới lỏng nào đối với quy định không công nhận hôn nhân đồng giới tại nước này.
Bà Pelosi và phái đoàn Quốc hội Mỹ đã gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long để thảo luận về các vấn đề quan trọng trong khu vực và quốc tế bao gồm xung đột tại Ukraine, quan hệ 2 bờ eo biển và biến đổi khí hậu, Bộ Ngoại giao Singapore thông báo. "Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc đối với hòa bình và an ninh khu vực", Bộ Ngoại giao nước này cho biết thêm.
Văn phòng của bà Pelosi cuối tuần qua đã thông báo rằng bà dẫn đầu phái đoàn Quốc hội Mỹ tới các nước khu vực châu Á bao gồm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản mà không đề cập đến Đài Loan (Trung Quốc). Lần gần nhất mà quan chức cấp cao của Mỹ đến thăm Đài Loan (Trung Quốc) là chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich vào năm 1997.
Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, Reuters, The Guardian)