Sáng 17/1, theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin đã có rất đông nghệ sĩ có mặt tại trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê, Hà Nội để yêu cầu các cơ quan chức năng có câu trả lời cụ thể, phù hợp đối với quyết định cắt lương và bảo hiểm xã hội đối với 30 nghệ sĩ, nhân viên một cách đột ngột.
Sự việc được đẩy lên đến đỉnh điểm khi có nhiều nghệ sĩ nhận được thông báo có tên trong danh sách 30 người không được đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 10 đến nay. Trong danh sách có cả những gương mặt tên tuổi như: đạo diễn Thanh Vân, diễn viên Quốc Tuấn, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ,...
Trao đổi với PV, chị Tống Phương Dung – một nhân viên biên kịch cho biết: “Tôi vô cùng bất ngờ khi biết mình cùng nhiều nghệ sĩ khác đang làm việc ở Hãng phim truyện Việt Nam bị cắt lương và bảo hiểm. Tình trạng cắt lương thì chúng tôi đã biết từ tháng 6/2018, tuy nhiên mới đây chúng tôi mới phát hiện ngay cả bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ,... cũng bị dừng đột ngột. Trước đó không hề có thông tin gì từ phía công ty. Cách đây 3 ngày tại bảng tin cơ quan bỗng xuất hiện thông báo danh sách những nhân viên bị cắt bảo hiểm khiến tôi hết sức bức xúc”.
Có mặt gần đó, đạo diễn Thanh Vân bức xúc nói: “Nhà đầu tư Vivaso đang làm khó giới nghệ sĩ khi hàng ngày yêu cầu nhân viên đến cơ quan chấm vân tay đủ 8 tiếng. Trong khi đó, do đặc thù công việc nên nhiều nghệ sĩ không thể ngày nào cũng có mặt tại cơ quan để chấm vân tay. Đáng nói hơn, nhiều trường hợp chỉ đến cơ quan chấm vân tay rồi biến mất đến tận cuối giờ chiều mới quay lại để chấm vân tay lần nữa cũng được coi là làm việc”.
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Danh Thắng – Chủ tịch HĐQT Hãng phim Việt Nam khẳng định: “Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso), nhà đầu tư chiến lược của công ty CP Hãng Phim truyện Việt Nam luôn luôn làm việc đúng theo quy định của pháp luật và vẫn trả lương cũng như đóng bảo hiểm xã hội cho các công, nhân viên (ý chỉ các nghệ sĩ-tg) đi làm đúng theo quy định. Đối với 30 trường hợp nằm trong danh sách bị cắt bảo hiểm xã hội là những người không đáp ứng đủ điều kiện mà công ty đưa ra. Cụ thể, những trường hợp này không làm đủ 14 ngày công/tháng cho nên công ty mới đưa ra quyết định trên.
Trước khi thực hiện quyết định này, công ty cũng đã gửi thông báo cho toàn thể công, nhân viên đang làm việc tại đây chứ không hề có chuyện bất ngờ cắt lương và bảo hiểm xã hội như một vài người đang phản ánh”.
Ông Thắng cho biết thêm: “Ngay từ khi tiếp nhận quản lý hoạt động của Hãng phim truyện Việt Nam, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến việc không thể tự chủ về kinh tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn luôn cố gắng hết sức để có thể trả lương và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho nhân viên”.
Người đứng đầu hãng phim truyện hoàn toàn không hề nhắc đến các danh hiệu đạo diễn , diễn viên của các nghệ sĩ, chỉ đơn thuần coi họ là công nhân, nhân viên nên cũng có cách lý giải khá "lạ" về việc chấm công bằng phương thức chấm vân tay 1 ngày 8 tiếng ở cơ quan này. Ông Thắng lý giải: “Đây là một việc làm rất hợp lý bởi lẽ đã đi làm thì phải tới cơ quan, có những người nhận lương vài năm nay nhưng đến thời điểm hiện tại tôi vẫn chưa được gặp họ bao giờ, cũng có một vài trường hợp nhận lương ở đây nhưng lại làm việc cho một nơi khác nên chúng tôi phải đưa ra quy định này để kiểm soát nhân viên. Cũng biết được nghề này có đặc thù riêng về giờ giấc, công việc nên chúng tôi cũng đã tạo điều kiện hết sức. Cụ thể, những người đang thực hiện các dự án thì chỉ cần báo cáo về thời gian địa điểm để ban quản lý nắm được chứ không cần đến cơ quan chấm vân tay nữa”.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.
Nguyễn Lâm - Hữu Thắng