Người Đưa Tin (NĐT): Thưa Chủ tịch, công tác đối ngoại nhân dân gắn với chặng đường hình thành và phát triển Hội Luật gia Việt Nam 68 năm qua được thể hiện như thế nào? Đặc biệt, trong công cuộc đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước nói chung và chủ quyền biển đảo nói riêng?
TS Nguyễn Văn Quyền: Trải qua 68 năm xây dựng và phát triển, Hội Luật gia Việt Nam có nhiều cống hiến cho đất nước, cho dân tộc, đã và đang có những bước phát triển rất đáng tự hào.
Đối với công tác đối ngoại nhân dân, được sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, sự quan tâm, hướng dẫn của Ban Đối ngoại Trung ương và sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan hữu quan, Hội Luật gia Việt Nam đã phát huy vị thế của mình là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có uy tín trong cộng đồng luật gia quốc tế để triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Với tư cách là thành viên của Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) và Hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), Hội đã vận động, thuyết phục được hai tổ chức này kịp thời ra các tuyên bố vào các thời điểm cần thiết để ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.
Cụ thể là: Năm 2014, Hội Luật gia dân chủ quốc tế đã ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời gửi thư tới Chính phủ Trung Quốc đề nghị giải thích cơ sở pháp lý của hành động này và đề nghị Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế. Cùng với việc ra Tuyên bố, Hội Luật gia dân chủ quốc tế còn cử đại diện sang Việt Nam để cùng với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức họp báo công bố tuyên bố trên.
Năm 2016, ngay sau khi Tòa trọng tài ra Phán quyết đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, cả IADL và COLAP đều ra Tuyên bố ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài và kêu gọi các bên liên quan tuân thủ phán quyết này và kiềm chế các hoạt động gây căng thẳng và quân sự hóa tại Biển Đông.
Ngoài việc đề nghị các tổ chức trên ra tuyên bố, tại các hội nghị thường niên của IADLvà COLAP, Hội Luật gia Việt Nam đều cố gắng đề xuất đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị những nội dung thảo luận về vấn đề Biển Đông, trên cơ sở đó, ra Tuyên bố chung của hội nghị, trong đó có một phần nội dung về vấn đề Biển Đông.
Ngoài các hoạt động nêu trên, Hội cũng đã phối hợp với Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Ngoại giao tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế về chủ đề Biển Đông. Các cuộc hội thảo này đã thu hút hàng trăm đại biểu trong và ngoài nước tham dự và là diễn đàn khoa học có ý nghĩa thiết thực để các chuyên gia, học giả Việt Nam giới thiệu về quan điểm của ta về vấn đề chủ quyền biển đảo.
Đồng thời, góp phần giúp cộng đồng quốc tế nhận thức rõ những tác động và ảnh hưởng tiêu cực do hành động vi phạm luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc gây ra đối với hòa bình, an ninh trong khu vực…
NĐT: Chủ quyền biển đảo luôn là vấn đề nóng nhận được sự quan tâm không chỉ ở trong nước mà còn đối với cộng đồng quốc tế. Được biết, ngày 17/4 tới đây Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tuần lễ trưng bày ảnh “Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương”, xin Chủ tịch cho biết mục đích cũng như ý nghĩa của tuần lễ trưng bày ảnh lần này?
TS Nguyễn Văn Quyền: Tiếp nối thành công của 3 lần tổ chức tuần lễ trưng bày ảnh với chủ đề “Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương” vào các năm 2020, 2021 và 2022 tại Thủ đô Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, năm nay Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Hội Luật gia thành phố Cần Thơ tổ chức tuần lễ trưng bày ảnh “Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương” lần thứ tư năm 2023 tại thành phố Cần Thơ.
Đây là sự kiện đặc biệt ý nghĩa, nhằm giới thiệu đến nhân dân Cần Thơ, độc giả cả nước và cán bộ, hội viên Hội Luật gia Việt Nam về quá trình xây dựng và phát triển cùng những đóng góp tích cực của giới Luật gia Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.
Đồng thời, giới thiệu đến người xem những hình ảnh tươi đẹp, sinh động, phong phú về biển, đảo quê hương Việt Nam, các tác phẩm là những hình ảnh về chủ quyền biển đảo Việt Nam, các tư liệu lịch sử, chứng cứ pháp lý và các hoạt động khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; cuộc sống đời thường cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các điểm đảo…
NĐT: Đây là sự kiện thường niên của Hội Luật gia Việt Nam, xin Chủ tịch đánh giá về những thông điệp mà Hội đưa ra trong mỗi cuộc triển lãm trưng bày ảnh?
TS Nguyễn Văn Quyền: Trong mỗi cuộc triển lãm trưng bày ảnh “Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương”, chúng tôi đều nhận được phản hồi rất tích cực từ các cấp các ngành và từ những người dân đến tham quan triển lãm. Điều đó, là động lực để Hội Luật gia Việt Nam luôn tìm tòi, nỗ lực tổ chức các hoạt động trưng bày ảnh tại nhiều địa phương khác nhau nhằm giới thiệu đến người xem những hình ảnh sinh động về biển đảo Việt Nam.
NĐT: Những nội dung chính tại tuần lễ trưng bày ảnh “Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương” lần thứ tư sẽ được giới thiệu đến người xem là gì, thưa Chủ tịch?
TS Nguyễn Văn Quyền: Tại tuần lễ trưng bày ảnh “Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương”, người xem sẽ được tham quan 7 khu vực với các chủ đề xuyên suốt như: Tư liệu lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc; cuộc sống đời thường của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, ngư dân trên đảo và hình ảnh về hoạt động của lãnh đạo, cán bộ thành phố Cần Thơ đến với quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1…
Các tác phẩm được các nghệ sĩ nhiếp ảnh, cán bộ, hội Hội Luật gia sáng tạo phản ánh sinh động về biển đảo quê hương.
NĐT: Thông qua tuần lễ trưng bày ảnh với chủ đề “Luật gia Việt Nam với biển, đảo quê hương” năm 2023, Chủ tịch muốn nhắn nhủ thông điệp gì đến người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ?
TS Nguyễn Văn Quyền: Chúng tôi hy vọng giới Luật gia nói riêng và người xem triển lãm nói chung, đặc biệt là giới trẻ, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên sẽ có dịp hiểu sâu sắc hơn về sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với biển đảo quê hương; về những tư liệu lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...
Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn người xem và giới trẻ nhận thức đúng đắn về truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cha ông ta, của dân tộc ta, có ý thức, trách nhiệm phản bác lại những quan điểm sai trái mà các thế lực thù địch đưa ra không có căn cứ, thiếu sự khách quan, trái với nguyên tắc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo - phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đặt ra là kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trước bất cứ hành vi vi phạm nào đối với vùng biển đảo, vùng trời, thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch.