Thu hồi nhầm?
Sự vụ được xác định liên quan đến Quyết định số 1492/QĐ-UBND thu hồi 28.008 m2 đất tại doanh nghiệp Minh Quang (HTX Minh Quang) xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, được phát đi hồi cuối năm ngoái.
Theo nội dung quyết định nêu: thu hồi diện tích đất dôi ra so với tổng diện tích đất được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại HTX Minh Quang.
Điều lấy làm lạ, trong buổi làm việc với PV, lục tung cả đống giấy tờ, phòng TNMT huyện Như Xuân không tìm ra được trên bản đồ địa chính của huyện một thửa đất nào mang tên HTX Minh Quang. Kể cả khi ông chủ đích thực của lô đất mang hàng chồng “sổ đỏ”, chứng minh mình mới là chủ, các cấp chính quyền sở tại vẫn khăng khăng mình... đúng?
Ông minh đứng trước khối tài lớn mình xây dựng bị hủy hoại.
Giật mình hơn, lục lại các văn bản pháp lý, cánh PV còn té ngửa khi ông Chủ tịch huyện Như Xuân đã “mượn tạm” thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa để thu hồi một diện tích “đất ảo”, không có trong bản đồ địa chính của huyện. Bởi thẩm quyền thu hồi đất của HTX thuộc về cấp tỉnh.
Trao đổi với PV, ông Dương Văn Mạnh, chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho rằng quyết định mình ban hành là thu hồi đất “tại” HTX Minh Quang chứ không phải thu hồi đất của doanh nghiệp này.
Mặc dù thừa nhận trên diện tích đất này không có tên HTX Minh Quang, nhưng ông Mạnh không lý giải vì sao trong quyết định lại không nêu thu hồi diện tích đất dôi ra đứng trên người chủ đích thực là ông Nguyễn Văn Minh, mà cứ phải là HTX này.
“Nếu như lãnh đạo phòng TNMT tham mưu cho huyện mà sai, tôi sẽ cho cách chức ngay”, ông Mạnh khẳng định.
Hủy hoại tài sản
Được UBND huyện giao quản lý khu đất sau khi thu hồi, vừa nhận được quyết định trên, UBND xã Xuân Hòa dáo diết vào cuộc tiến hành cưỡng chế rồi bàn giao cho chủ cũ là ông Hà Văn Tiến (một người dân trong xã). Trong khi đó, cấp chính quyền này biết rõ, năm 2012 ông Tiến đã chuyển nhượng cho ông Minh 1 hecta phần đất này.
Cuộc “hành quân” bất thường của UBND xã Xuân Hòa và ông Tiến đã dẫn đến tài sản của ông Nguyễn Văn Minh đã bị phá tan hoang. Điển hình là hồ chứa nước do ông Minh xây dựng từ năm 2009 để phục vụ sản xuất với chi phí lên đến 150 triệu đồng phút chốc đã bị phá tan tành.
Ông Minh nói: “Tóm được người phá thì họ bảo UBND xã cho phá, khi hỏi xã thì xã bảo huyện giao, khi kêu huyện thì huyện chẳng nói gì, ở đây vùng sâu vùng xa chẳng biết kêu ai”.
Khi được PV bản báo đặt câu hỏi về sự bất thường này, ông Lương Văn Bình chủ tịch UBND xã Xuân Hòa thừa nhận có nhiều chỗ chưa hợp lý, xin không bình luận. Sau đó vị này đá trách nhiệm cho ông Hà Văn Thêm, bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa với lý do đây mới là người nắm rõ nhất sự việc từ ban đầu.
Biện minh cho việc làm cấp xã, ông Thêm cho biết có chuyện chuyển nhượng, nhưng một trong hai bên chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Vì lẽ đó, theo cách diễn giải của ông Thêm, chính quyền xã Xuân Hòa đã tự “cho” mình thêm chức năng hủy hợp đồng kinh tế này, trong khi thực tế nó phải thuộc thẩm quyền của tòa án.
Báo cáo của CA huyện Như Xuân cho thấy ông Tiến đã chuyển nhượng cho ông Minh.
Trong một báo cáo gửi UBND huyện mới đây nhất, Công an huyện Như Xuân khẳng định có chuyện chuyển nhượng giữa ông Tiến và ông Minh, tuy nhiên, trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng phân định ranh giới, ông Tiến đã thuê người vào dọn để canh tác, dẫn đến sự việc trên. Công an huyện cũng đề xuất xin ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ việc từ UBND huyện.
Hiện sự vụ vẫn chưa có hồi kết khi các bên vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình.
An Bách