Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, ngay sau khi có thông tin, huyện đã thành lập một tổ chuyên kiểm tra về việc này.
Theo ông Bình, ở xã Mỹ An (Lục Ngạn), có một số diện tích cây vải ra hoa vào thời tiết gió mùa nên bị ảnh hưởng, một số bị lép, một số do bà con chăm sóc không tốt dẫn đến bị sâu đầu cuống. Đây cũng chỉ là một diện tích rất nhỏ, không đáng kể. “Như chúng tôi khuyến cáo từ trước, nếu bình thường bị sâu đầu cuống thì đổ đi, cắt bỏ đi chứ không mang rao bán, nhưng bà con tiết kiệm vẫn mang ra bán. Thực tế việc mua bán vải ngoài chợ sẽ không phản ánh đúng thực tế. Bởi, đó là chợ bán trôi nổi, vải chủ yếu ở các khu khác mang đến bán. “Vì thế, thương lái mua cho đã là may rồi”, ông Bình nhấn mạnh.
“Tôi vừa kiểm tra vải thiều ở Lục Ngạn, vẫn bán 20-25.000 đồng/kg. Hiện tại, vải thiều chưa vào vụ, bây giờ vải chủ yếu là ở vùng lân cận, các xã của các huyện lân cận mang đến chợ Lục Ngạn để bán chứ không phải vải của Lục Ngạn”, ông Bình cho hay.
Cũng theo lời ông Nguyễn Thanh Bình, phải vài ngày tới thương nhân Trung Quốc mới sang Lục Ngạn để cân vải thiều chính vụ. “Ngay bây giờ đây, ở Lục Ngạn vải thiều chín sớm bà con vẫn đang bán nếu quả đẹp thì được 22.000 đồng/kg hoặc thấp hơn thì vẫn ở mức 20.000 đồng/kg”, ông Bình nói.
Cũng trao đổi thêm với PV về kế hoạch trồng và tiêu thụ vải thiều, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Về sản xuất vải thiều ngay từ đầu vụ, huyện đã chỉ đạo gần 50.000 hộ nông dân của Lục Ngạn đăng ký với huyện để huyện cử cán bộ xuống hướng dẫn cho bà con chăm sóc theo đúng quy trình VietGAP.
Nếu diện tích nào đảm bảo yêu cầu thì Chủ tịch UBND huyện sẽ cấp một giấy chứng nhận đảm bảo đủ các tiêu chuẩn, đúng quy trình và vải thiều đúng chất lượng. Đến nay, chúng tôi cấp giấy chứng nhận được cho 334 thôn với diện tích gần 11.000 ha vải thiều VietGAP. Thương lái đi mua có thể xem giấy chứng nhận của các vườn đã được cấp.
Về xúc tiến thương mại, năm nay theo hàng rào kỹ thuật mới của Quảng Tây (Trung Quốc) họ yêu cầu phía ta có truy xuất nguồn gốc, có mã vùng trồng để đảm bảo chất lượng nông sản, hàng hóa trước khi đưa vào thị trường. Vì đây là năm đầu nên họ chấp nhận cấp cho ta mã tạm thời, doanh nghiệp đăng ký thu mua thì Quảng Tây sẽ cấp cho doanh nghiệp một mã vùng trồng. Điều đó có nghĩa rào cản về mặt kỹ thuật mới của Quảng Tây không có ảnh hưởng đến việc tiêu thụ vải thiều năm nay.
Thêm nữa, chúng tôi cũng thống nhất cho vải thiều đi riêng một luồng qua cửa khẩu hải quan của Việt Nam, Trung Quốc. Cả hai phía cam kết sẽ làm hết hàng chứ không làm hết giờ hành chính, bao giờ hết hàng ở cửa khẩu thì mới nghỉ”.
Đánh giá về giá vải thiều năm nay so với năm trước, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng: “Vải thiều năm nay bán ra sẽ từ 25-30.000 đồng/kg. Tới đây, tỉnh Bắc Giang cũng sẽ tổ chức diễn đàn tiêu thụ nông sản chủ yếu là vải thiều. Tiếp theo từ ngày 27/6-3/7 huyện chúng tôi sẽ tổ chức tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội”.