Facebook nói riêng hay mạng xã hội nói chung là một kênh giao tiếp trực tiếp của người dân với các vị lãnh đạo để người dân có thể đề đạt nguyện vọng, góp ý kiến của mình vào những quyết định, giải pháp, định hướng mang tính xã hội.
Ngược lại, đó cũng có thể là nơi để các vị lãnh đạo bày tỏ quan điểm, trăn trở về sự phát triển của cộng đồng. Tất cả đã giúp khoảng cách giữa người dân và cán bộ lãnh đạo ngày một gần hơn.
Mới đây ở Thừa Thiên-Huế, dòng trạng thái với gần 2000 chữ của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới được đăng tải vào đêm khuya đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng với hàng trăm lượt thích, bình luận và chia sẻ. Đa phần đều đồng cảm với những trăn trở của vị chủ tịch huyện sinh năm 1980 này.
Mở đầu dòng trạng thái đầy tâm tư ấy, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã thể hiện khát vọng xây dựng huyện nghèo A Lưới trở thành một “nơi đang đến, đáng ở lại và có thứ mang về!”
Sau đó là sự cập nhật tình hình về thực trạng tràn lan các nông thực phẩm tẩm ướp hóa chất trên thị trường, sự “chọc giận” của con người với thế giới tự nhiên khiến bản thân con người đang phải tự gánh bao nhiêu hậu quả…
Tự đó, ông Hùng đã chỉ ra những “điểm vàng” mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất A Lưới để tận dụng với: Vị trí địa lý thuận lợi nằm trên trục đường xuyên quốc gia, kết nối hành lang Đông –Tây với 2 khu cửa khẩu, cùng với một thổ nhưỡng màu mỡ, cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, một nền thời tiết khí hậu thuận lợi phù hợp cho an nghỉ dưỡng, nhiều loại cây trồng và dược liệu quý…
“Từ tiềm năng như vậy, chúng ta có thể xây dựng A Lưới trở nên giàu đẹp…Tại sao không?”, ông Hùng trăn trở.
Vị Chủ tịch huyện 8X khẳng định, phát triển A Lưới với một sản xuất nông nghiệp sạch; Du lịch cộng đồng, sinh thái cảnh quan; Phát triển kinh tế rừng bằng cách bảo tồn và phát triển các sản phẩm lâm nghiệp chất lượng cao, nghề dệt Dèng, sản phẩm từ chăn nuôi bò vàng trở thành hàng hoá... là điều không khó, chỉ cần chúng ta biết định hướng phát triển chung của huyện và lựa chọn đi đúng hướng.
Ông Hùng kỳ vọng về một bức tranh A Lưới đầy màu sắc: Với những bông hoa rừng thi nhau đua nở dọc các con đường làng, thôn, bản; Với những cánh rừng trồng gỗ lớn giá trị cao phủ thay thế rừng keo, tràm nhỏ lẻ; Với những cánh đồng mẫu rau sạch, an toàn; Những trang trại dược liệu quý dưới các tán rừng…
Đồng thời, dòng trạng thái của vị chủ tịch huyện trẻ tuổi cũng bày tỏ sự hoan nghênh các hướng đi mới như: Mô hình tự trồng và chế biến thức uống từ trái Sim, nghiên cứu trồng cánh đồng hoa Tulip, mạnh dạn thử nghiệm sản xuất, chế biến các sản phẩm bò khô, bò một nắng, heo xông khói… Từ đó, ông Hùng dành lời cám ơn với UBND tỉnh nhà về việc tạo điều kiện để các nhà đầu tư nhiều dự án tại huyện nhà như: Nhà máy tinh bột sắn tại Hồng Trung, trang trại Bò cao sản, trang trại dược liệu tại Hương Phong, nhà máy chế biến dăm gỗ và mộc dân dụng tại Hồng Thượng…
Chia sẻ về định hướng để phát triển A Lưới trở thành nơi đáng ở, ông Hùng mong muốn phát triển một mô hình du lịch sinh thái với các dịch vụ lưu trú homestay, farmstay gắn với trải nghiệm đời sống, văn hóa các tộc người bản địa. …
“Đó là một vài suy nghĩ trăn trở của bản thân, nhưng đó cũng là chủ trương, định hướng đã cũng đã được Đảng bộ huyện nhà đưa vào nghị quyết phát triển kinh tế xã hội của A Lưới”, ông Hùng chia sẻ.
Đồng cảm với những trăn trở của ông Hùng, tài khoản Facebook tên Mai Diệu bày tỏ: “Mưa dầm thấm lâu. Đọc bài của anh Chủ tịch huyện, tôi tin rồi sẽ xuất hiện những gương mặt ấp ủ dự kiến bấy lâu nay sẽ hiện thực. Với sự phát triển của A Lưới bây giờ, hãy tin rằng A Lưới thực sự sẽ thay da đổi thịt khi tâm huyết của lãnh đạo huyện truyền cảm hứng tới lãnh đạo xã rồi đến lãnh đạo thôn bản và từng người dân…”.
Tài khoản Facebook Hà Hồ chia sẻ: “Dù lãnh đạo có giỏi và gồng mình như thế nào đi chăng nữa thì không thể làm nổi nếu không có sự chung tay của một tập thể con người huyện nhà. Mong mọi người chia sẻ và đồng lòng chung tay góp công sức…”.
Lê Kông