Phó Chủ tịch huyện ngỡ ngàng sau khi báo chí phản ánh!
Liên quan đến những bất cập trong công tác điều động viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trên địa bàn huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) trong thời gian qua, PV Người Đưa Tin đã liên hệ làm việc với ông Y Si Thắt Ksơr – Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn.
Ông Y Si Thắt cho biết, bản thân ông là Phó Chủ tịch UBND huyện, phụ trách mảng văn hóa xã hội, chức năng theo dõi các mảng GD&ĐT, y tế, lao động, chữ thập đỏ, văn hóa thông tin... Tuy nhiên, việc điều động viên chức ngành GD&ĐT trong thời gian qua, ông không biết gì và cũng không được bàn bạc gì về vấn đề này. “Tôi đề nghị Ủy Ban kiểm tra Huyện ủy kiểm tra lại quy chế làm việc của UBND huyện như vậy có đúng hay không”, ông Y Si Thắt nói.
Theo ông Y Si Thắt, những bất cập trong công tác điều động, luân chuyển giáo viên trong thời gian qua đã khiến cho sự nghiệp GD&ĐT trên địa bàn bị xáo trộn, việc dạy và học trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. “Buôn Đôn là huyện biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lên gần 50% nên lĩnh vực giáo dục được tất cả các ngành rất quan tâm, lo lắng. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, sau khi báo chí phản ánh, tôi mới ngỡ ngàng”, ông Y Si Thắt cho hay.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến sự việc này, ông Y Si Thắt cho rằng, do không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng, ban. “Theo quy chế đã giao công việc, chức năng của Phòng GD&ĐT là đơn vị quản lý trực tiếp đến vấn đề chuyên môn. Tuy nhiên, trước khi Chủ tịch UBND huyện ký quyết định điều động, luân chuyển viên chức thì Phòng GD&ĐT và Phòng Nội vụ phải phối hợp với nhau kiểm tra, báo cáo Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách mảng. Sau khi thống nhất quan điểm mới trình cho Chủ tịch UBND huyện ký ban hành quyết định. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị. Khi họp trong lãnh đạo thành viên UBND huyện, tôi cũng đã ý kiến là cần có sự phối hợp trong công tác tham mưu điều động, luân chuyển viên chức ngành GD&ĐT nhưng Phòng Nội vụ vẫn khăng khăng nói rằng đây là thẩm quyền của Phòng Nội vụ và Chủ tịch UBND huyện", ông Y Si Thắt nhấn mạnh.
Để sớm tháo gỡ các vướng mắc để con em các đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng thụ chất lượng giáo dục phù hợp, giảm bớt gánh nặng của hiệu trưởng các trường, theo ông Y Si Thắt, cần thực hiện đúng quy chế làm việc đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Cá nhân nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm, chứ không thể cá nhân sai mà bắt tập thể đi theo.
Chủ tịch huyện lên tiếng
Là người ký ban hành nhiều quyết định điều động, luân chuyển viên chức ngành GD&ĐT trên địa bàn huyện Buôn Đôn trong thời gian qua khiến dư luận không khỏi xôn xao, ông Phạm Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn thừa nhận, các thông tin mà báo chí phản ánh là đúng. Sau khi báo chí phản ánh, bản thân ông đã tiếp thu, qua đó nghiên cứu cách giải quyết, khắc phục.
“Qua thông tin phản ánh của báo chí, tôi sẽ tiếp thu để có chỉ đạo giải quyết sớm nhất nhằm ổn định việc dạy và học trên địa bàn... Có những việc mình làm chưa đảm bảo thì phải cố gắng khắc phục dần... Trong một vài tuần tới, tôi sẽ chỉ đạo các phòng, ban đi rà soát lại hết, những việc giải quyết được thì giải quyết, còn việc nào khó quá thì báo cáo Bí thư Huyện ủy để có sự sắp xếp cho ổn định", ông Nghĩa cho hay.
Lý giải về việc điều động giáo viên tiếng Anh duy nhất của Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn), ông Nghĩa chia sẻ, thời điểm điều chuyển bà P.T.H.T., giáo viên dạy tiếng Anh của Trường Tiểu học Lê Lợi về Trường Tiểu học và THCS Ama Trang Lơng (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) là trước năm học gần 20 ngày. Hơn nữa, huyện Buôn Đôn có 6 xã đặc biệt khó khăn, riêng Ea Bar là xã vùng 1 nên lương thấp hơn ở vùng 3. Do đó, để chuyển 1 giáo viên từ vùng khác sang Ea Bar thì giáo viên không muốn đi. Vì vậy, vào hồi tháng 8/2023, khi bà T. xin chuyển trường ông Nghĩa đã đồng ý cho giáo viên này đi. Đồng thời, theo tính toán đến đầu tháng 9/2023, huyện Buôn Đôn sẽ tiếp nhận 1 giáo viên ở huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) về để thay thế vị trí của bà T.
“Tuy nhiên, vào đầu năm học thì giáo viên ở Ea Súp vẫn chưa được huyện đồng ý cho chuyển đi. Tôi có trao đổi thì huyện Ea Súp cho biết, họ cũng đang gặp khó khăn về nhân sự dạy tiếng Anh để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sau đó, tôi cũng đã có phương án điều động 1 giáo viên ở trường khác cho Trường Tiểu học Lê Lợi. Tôi đã hơi chủ quan khi chờ 1-2 tuần để huyện Ea Súp đồng ý cho giáo viên này điều chuyển thì đưa về Trường Tiểu học Lê Lợi luôn để tránh sự xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý người lao động”, ông Nghĩa phân giải.
Sau khi Trường Tiểu học Lê Lợi có báo cáo lên, ông Nghĩa đã họp với các phòng, ban liên quan. Qua đó, chỉ đạo các đơn vị đi làm việc với các trường để thống nhất phương án làm việc như thế nào cho hợp lý.
Về việc một trường tiểu học 16 lớp có tới 3 giáo viên Âm Nhạc, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn thẳng thắn cho biết, vấn đề này đã tồn tại từ năm 2017. “Tôi không tiếp nhận người mới vào để mà thừa. Hiện nay, tôi đang sắp xếp nhưng chỗ nào cũng có giáo viên Âm Nhạc hết rồi nên bốc giáo viên đó đi đâu thì cũng thừa. Do đó, tôi phải có thời gian để sắp xếp lại cho ổn thỏa, chứ không thể đuổi việc những người đó được", ông Nghĩa khảng khái.
Lúc này, PV đặt ra câu hỏi, phải chăng thời gian qua UBND huyện Buôn Đôn ban hành các văn bản phân quyền quản lý đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập trên địa bàn giữa Phòng Nội vụ và Phòng GD&ĐT là một trong những nguyên nhân dẫn đến những rối bời trong công tác điều động, luân chuyển viên chức ngành giáo dục như vừa qua? Ông Nghĩa thông tin, theo quy định mới hiện nay, các trường học trực thuộc UBND huyện, chỉ phụ thuộc vào Phòng GD&ĐT trong vấn đề chuyên môn. “Con dấu của các trường hiện nay, ở ngoài là UBND huyện và ở trong là trường, chứ không phải ở ngoài là Phòng GD&ĐT và ở trong là trường nữa", ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, vị Chủ tịch UBND huyện này cũng nhấn mạnh: “Trong các cuộc họp, tôi vẫn chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng GD&ĐT trong các hoạt động. Kể cả những thông báo, kết luận rất rõ ràng là phải có sự kết hợp. Hơn nữa, từ tháng 8/2019, trước khi vào năm học, tôi đã chỉ đạo các phòng, ban, các cơ quan liên quan tổ chức đi rà soát lại việc thừa, thiếu giáo viên, xem việc nào giải quyết được, còn việc nào chưa giải quyết được thì từ từ giải quyết”, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn nhấn mạnh.
Trên cơ sở những phân tích nói trên, ông Nghĩa cho rằng, để xảy ra những sự việc như báo chí phản ánh là do sự phối hợp giữa các phòng, ban chưa tốt trong quá trình thực hiện. “Tôi thừa nhận, việc đó là những cái thiếu sót trong quá trình điều hành và sẽ khắc phục” – ông Nghĩa chia sẻ.
Từ những sự việc đã xảy ra, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn đã chỉ đạo Phòng Nội vụ và Phòng GD&ĐT, khi muốn điều động viên chức thì phải có biên bản làm việc với nhau và có chữ ký của cả hai đơn vị này. Sau khi đã thống nhất, các đơn vị này đề xuất Chủ tịch UBND huyện để giải quyết. Bên cạnh đó, khi muốn điều ai đi đâu thì các đơn vị này phải làm việc với các trường để xem họ có đồng ý hay không thì mới định hướng để giải quyết.
Đối với việc ông Y Si Thắt Ksơr – Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn không nắm được việc điều động, luân chuyển viên chức ngành GD&ĐT trên địa bàn trong thời gian qua, ông Nghĩa quả quyết: “Tôi đã giao hết tất cả mọi việc về chuyên môn cho ông Y Si Thắt, chỉ có vấn đề con người là thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện, còn bổ nhiệm là thẩm quyền của thành viên UBND huyện, trong đó có Chủ tịch và các Phó Chủ tịch. Muốn làm việc gì, tôi đều mời 2 Phó Chủ tịch UBND huyện qua trao đổi, thống nhất xin ý kiến. Sau đó, tôi mới xin ý kiến của Ban Thường vụ hoặc Thường trực Huyện ủy (tùy thẩm quyền) để giải quyết. Còn việc luân chuyển kế toán thì cứ đến kỳ là tôi luân chuyển, mà việc này tôi cũng không cần bàn với Phó Chủ tịch. Nếu mà tôi không luân chuyển, để quá 5 năm sinh ra chuyện này chuyện kia thì tôi mới sai”.
Huyện ủy chỉ đạo xác minh
Ông Ya Toan Ênuôl – Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn cho biết, sau khi nắm được thông tin báo chí phản ánh, Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức họp và chỉ đạo lãnh đạo UBND huyện chấn chỉnh, báo cáo sự việc cho Thường trực, Thường vụ Huyện ủy về quá trình thực hiện luân chuyển, điều động viên chức.
Đồng thời, giao Thanh tra huyện tiến hành xác minh những thông tin mà báo chí phản ánh để báo cáo cho Thường trực Huyện ủy. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì sẽ giao cho Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy vào cuộc làm việc để có hướng xử lý theo quy định.
“Luân chuyển viên chức là việc phải làm theo quy định nhưng phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, phòng, ban. Theo quy chế làm việc thì Phòng GD&ĐT phải báo cáo với Chủ tịch UBND huyện. Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện làm sao để hài hòa trong việc bố trí luân chuyển, điều động viên chức. Xảy ra việc trường thiếu giáo viên tiếng Anh nhưng vẫn điều chuyển thì rõ ràng chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nên ảnh hưởng đến công tác chuyên môn. Về vấn đề này, tôi đã đề nghị Chủ tịch UBND huyện cần tăng cường kiểm tra, giám sát cho nó chặt chẽ hơn”, ông Ya Toan thông tin thêm.
Như Người Đưa Tin đã phản ánh, Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) có 312 học sinh. Trong đó, hơn 80% là học sinh dân tộc thiểu số. Toàn trường chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh. Tuy nhiên, ngày 14/8/2023, UBND huyện điều chuyển giáo viên này đến công tác tại Trường Tiểu học và THCS Ama Trang Lơng (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), khiến nhà trường đối diện với không ít khó khăn.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) có 16 lớp nhưng có tới 3 giáo viên Âm Nhạc trong khi theo quy định thì chỉ cần 1 giáo viên là đủ. Đáng nói, trong khi thừa giáo viên Âm Nhạc thì trường lại thiếu 1 giáo viên tiếng Anh để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sau khi báo chí phản ánh, UBND huyện Buôn Đôn đã có công văn chuyển công tác đối với một giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh về cho Trường Tiểu học Lê Lợi. Đồng thời, các ngành chức năng của huyện này cũng đã họp để thống nhất phương án chuyển 1 giáo viên Âm Nhạc của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai đi để hợp đồng giáo viên tiếng Anh về cho trường.
Khánh Ngọc