Chiều ngày 28/5, CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX: IDJ) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 lần thứ hai.
Theo kết quả kiểm tra tư cách cổ đông, tính đến thời điểm 14h20, Đại hội có sự tham dự của 62 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện gần 70,9 triệu cổ phần, tương đương 40,85% vốn điều lệ.
Đại hội thường niên năm 2024 tổ chức lần thứ hai của IDJ đạt đủ điều kiện để tổ chức theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 và điều lệ công ty.
Kế hoạch kinh doanh tham vọng
Một trong những nội dung đáng chú ý là công ty đã thay đổi kế hoạch kinh doanh tham vọng so với tờ trình đại hội lần 1 và kế hoạch chia cổ tức.
Cụ thể, tại đại hội lần này, IDJ trình cổ đông mục tiêu doanh thu 857 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 104 tỷ đồng và đã được thông qua. Trong khi tờ trình đại hội lần 1 công ty chỉ lên kế hoạch đem về 331 tỷ đồng doanh thu và 52 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng doanh thu tăng gấp 2,6 lần và lợi nhuận tăng gấp đôi.
Chiến lược kinh doanh trong năm 2024 vẫn tập trung vào thế mạnh trong lĩnh vực bất động sản và du lịch khách sạn, ngoài ra công ty đang mở rộng sang lĩnh vực xây lắp nội thất.
Năm nay, IDJ sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái của mình với việc phát triển thương hiệu khách sạn Mandala Hotel & Spa và hệ thống quản lý khách sạn Swiss Hopitality, để tạo thành hệ sinh thái khép kín.
Tại Đại hội, công ty cũng trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2023 tỉ lệ 3%. Trước đó công ty không có kế hoạch chia cổ tức này. Trên thị trường chứng khoán, mã IDJ đang có 173,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tuy nhiên công ty dự kiến số lượng cổ phiếu phát hành không quá 5,2 triệu đơn vị.
Thời gian phát hành dự kiến từ năm 2024 – 2025 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Nguồn vốn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán là 109,4 tỷ đồng.
Công ty vẫn hoạt động bình thường sau khi vắng mặt “người cũ”
Tại phiên thảo luận, khi được cổ đông hỏi về biến động nhân sự sau khi “người cũ” Nguyễn Đỗ Lăng vướng lùm xùm, Chủ tịch HĐQT Vũ Trọng Quân cho biết, may mắn mọi người vẫn yêu công ty nên những nhân sự chủ chốt vẫn giữ nguyên giúp IDJ hoạt động bình thường.
Tại đại hội, ông Quân cũng gửi lời cảm ơn tới toàn bộ thành viên trong công ty vẫn ở lại tham gia những hoạt động cả trong và ngoài công ty dù đôi lúc có hơi chậm chỗ này, khuyết chỗ kia.
Người đứng đầu IDJ thông tin, công ty có khoảng 200 nhà thầu để thực hiện các công trình. Qua thời gian, công ty có kinh nghiệm và biết cách làm hơn, bộ máy cũng lớn mạnh qua những hoạt động như vậy.
Trả lời cổ đông về tình hình thu hồi và xử lý công nợ các khoản vay, Chủ tịch IDJ cho biết, công ty đã cho CTCP Đầu tư Apec Thái Nguyên, CTCP Apec Finance vay tổng cộng 515,4 tỷ đồng.
Trong đó, các cổ đông của CTCP Đầu tư Apec Thái Nguyên vay 415 tỷ đồng. HĐQT dự kiến thực hiện thu hồi khoản cho vay gồm cả gốc và lãi thông qua nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông, tương ứng 99% vốn điều lệ tại Apec Thái Nguyên. Tổng giá trị chuyển nhượng không vượt quá 450 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, IDJ cũng cho Apec Finance vay 100,4 tỷ đồng. Công ty sẽ thực hiện thu hồi khoản cho vay này gồm gốc và lãi thông qua nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của APEC Finance tại Công ty TNHH Lộc Phát Bình Thuận.
Giá trị nhận chuyển nhượng không vượt quá 120 tỷ đồng để sở hữu 108,79 tỷ đồng vốn góp tương ứng 88,67% vốn tại Công ty TNHH Lộc Phát Bình Thuận.
Sắp tới, IDJ cũng thực hiện thu hồi tạm ứng thông qua việc nhận chuyển nhượng lại cổ phần của CTCP Nước khoáng Cúc Phương. Tổng giá trị chuyển nhượng không vượt quá 210 tỷ đồng, tương ứng 99% vốn điều lệ công ty.