Bệnh nhân 812 xét nghiệm PCR lần 3 mới dương tính
Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.Hà Nội sáng 9/8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu rõ, tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, độ lây nhiễm ngày càng cao. Tại Hà Nội, những bệnh nhân đi từ vùng dịch Đà Nẵng về có lịch sử đi lại nhiều, giao tiếp với nhiều người nên nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn.
"Từ ngày 10-16/8 sẽ tuần cao điểm của dịch, vì vậy chúng ta cần rà soát được hết các F1 để ngăn chặn nguy cơ lây lan ra cộng đồng", ông Chung nhấn mạnh.
Liên quan đến bệnh nhân 812 (mới được bộ Y tế công bố sáng 9/8), Giám đốc sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đây là bệnh nhân nam 63 tuổi (là nhân viên giao hàng tại cửa hàng Pizza, tại phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội), địa chỉ thường trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm.
Tiền sử dịch tễ: Bệnh nhân làm cùng cửa hàng Pizza với bệnh nhân 447, là trường hợp F1 với bệnh nhân 447. Ngày 29/7 bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung tại bệnh viện Công an và được trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm lấy máu xét nghiệm PCR lần 1 cho kết quả âm tính. Ngày 3/8 bệnh nhân có sốt, mệt mỏi được chuyển đến bệnh viện Thanh Nhàn cách ly, điều trị. Ngày 4/8 bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu xét nghiệm PCR lần 2 cho kết quả âm tính. Ngày 7/8 các triệu chứng bệnh tăng lên, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 có kết quả dương tính.
Về trường hợp này, lãnh đạo quận UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, 16h30 ngày 8/8 quận nhận được thông báo về ca bệnh nhân số 812. Hiện nay, bệnh nhân này đã được cách ly tập trung 9 ngày, những trường hợp người nhà gồm vợ đang mang bầu và các con tiếp xúc gần đã được đưa đi cách ly tập trung ngay chiều ngày 8/8.
Ngày chiều 8/8, quận đã tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khu vực nơi bệnh nhân 812 sinh sống.
Ông Khổng Minh Tuấn, Giám đốc CDC Hà Nội thông tin, ca bệnh 812 đã tiếp xúc với bệnh nhân 447 từ ngày 16 đến 24/7, trong đó có 2 ngày 23, 24 là thời điểm bệnh nhân 447 có triệu chứng sốt nhưng và vẫn đi làm.
“Cần chạy đua với thời gian…”
Qua đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay, tại Việt Nam và tại Hà Nội đang có diễn biến phức tạp hơn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, trung bình mỗi một ngày hơn 30 ca mắc, lây lan ra 40 tỉnh, thành và có biểu hiện lây lan ra cộng đồng, hiện nay nước ta đã có 10 ca bệnh tử vong. Trong khi đó, ông Chung nhấn mạnh 2 giai đoạn đầu thì chúng ta không có ca tử vong nào.
"Đặc biệt, ca bệnh 812, xét nghiệm lần thứ 3 mới dương tính. Cho thấy sự phức tạp mà đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất cao, thực hiện các giải pháp đồng bộ, chạy đua với thời gian để hoàn thành việc xét nghiệm người về từ Đà Nẵng”, Chủ tịch UBND TP phân tích.
Ông Chung yêu cầu, các cơ quan chức năng tại Hà Nội, cần phải thực hiện giải pháp đồng bộ, chạy đua với thời gian để chúng ta phấn đầu từ nay đến 15/8 chậm nhất là 20/8 chúng ta phải xét nghiệm xong số người đi từ Đà Nẵng về từ 15/7.
Thành phố đã giao cho các quận huyện chủ động mua thiết bị y tế, nếu quận huyện nào chưa kịp mua, yêu cầu CDC cấp phát cho các đơn vị.
Tập trung truy tìm F1,F2 của các bệnh nhân trên TP. Hà Nội hoặc người dân Hà Nội có tiếp xúc với bệnh nhân tại tỉnh khác. Tất cả các trường hợp F2 tổ chức cách ly nghiêm ngặt tại nhà, tổ chức lấy mẫu. Tất cả F1 đưa đi cách ly tập trung phải lấy mẫu xét nghiệm cả đầu, cả cuối.
Hiện nay bộ Y tế đã chỉ định 4 đơn vị hỗ trợ xét nghiệm cho Hà Nội, nhưng đầu mối vẫn là CDC Hà Nội. Giao Công an TP quản lý xuất nhập cảnh, các trường hợp không đeo khẩu trang.
“Về việc xét nghiệm, chúng ta sẽ xét nghiệm PCR những trường hợp từ 15/7 trở lại đây, còn 8/7 trở lại thì lấy mẫu máu xét nghiệm”, ông Chung nói.
Ngoài ra theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, vì trường hợp F1 ở cộng đồng rất có thể vẫn còn, vì bệnh nhân mắc Covid-19 chỉ nhớ những nơi họ đến được, nhưng nhiều người đi trên đường nói chuyện hoặc lướt qua thì rất khó xác định. Khả năng trong thời gian tới chúng ta rất có thể thêm những trường hợp nhiễm mới, đặc biệt những trường hợp F1”.
Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, sở Y tế Hà Nội cần đôn đốc, nhắc nhở, chuẩn bị trang thiết bị ở các bệnh viện, đặc biệt ở những khoa có ca bệnh nền cần nghiêm ngặt hơn. Mỗi trường hợp bệnh nhân nặng chỉ cho 1 người nhà vào chăm.
Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền việc cài đặt Bluezone, nhắc nhở người dân ra nơi công cộng cần đeo khẩu trang. Tất cả các cơ quan, trung tâm thương mại cần có nước rửa tay, khử khuẩn. Đặc biệt, ý thức chủ động khai báo y tế của người dân.