"Thế giới tăng thì giá xăng trong nước cũng tăng theo rất nhanh. Nhưng khi thế giới giảm, mình giảm nhỏ giọt. Khi xăng lên, giá cả mọi thứ cũng đua nhau lên theo nhưng khi giá xăng xuống, giá cả không xuống theo. Bộ Tài chính điều hành giá theo thị trường tại sao lại như thế?", ông Thân Trọng Qua, ngụ phường 2 (quận 4, TP HCM) là người đầu tiên đặt vấn đề với Đoàn đại biểu Quốc hội trong buổi tiếp xúc cử tri chiều 25/4.
Cử tri Nguyễn Văn Tiêm thắc mắc, Ngân hàng Nhà nước bán 12 tấn vàng để bình ổn thị trường, nhưng giá trong nước vẫn cao hơn rất nhiều so với thế giới.
"Đấu thầu vàng hiệu quả tới đâu, kỳ họp tới Quốc hội cần phải làm rõ", ông nói.
Trong khi đó, nhiều cử tri khác lại không đồng tình với việc Bộ Xây dựng đề xuất rót 30.000 tỷ đồng để cứu thị trường bất động sản đang bị đóng băng. "Giá bất động sản hiện nay là giá ảo, muốn giải quyết tình trạng đóng băng bất động sản chỉ có cách trả nó về với cái giá vốn có của nó, đúng với thực tế nhu cầu của người dân thì họ mới có thể mua được", cử tri Nguyễn Vinh Ngọc ở phường 4 nêu ý kiến.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri quận 4, TP HCM chiều 25/4. Ảnh: H.C.
Vị cử tri này cũng không đồng ý với lập luận của Bộ Xây dựng khi cho rằng giải cứu địa ốc là góp phần giải quyết khủng hoảng kinh tế và tạo việc làm, giảm nạn thất nghiệp đang gia tăng.
"Bất động sản đóng băng chẳng liên quan gì đến cử tri chúng tôi cả, có chăng là ảnh hưởng đến nhóm lợi ích nào đó thôi. Khi giá bất động sản nhảy múa trên trời sao không nghe ai kêu ca cả, còn bây giờ bán không ai mua lại muốn được giải cứu thì thật là phi lý", ông Ngọc lập luận.
Nói chuyện với cử tri quận 4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng vấn đề định giá xăng dầu là vấn đề hết sức quan trọng trong đời sống và sản xuất của người dân.
"Nếu đi theo kinh tế thị trường, buông hết thì người nghèo sẽ rất khó mà sống được. Vì vậy, chúng ta phải áp dụng cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, tức mặt bằng giá phải đi theo quy luật cung cầu ở trong nước và thị trường thế giới, đồng thời nhà nước có điều tiết, người dân mới chịu đựng được", Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước, mỗi năm nhà nước phải bù lỗ rất nhiều, có năm đến mấy chục nghìn tỷ. Nguồn bù lỗ từ ngân sách, cũng tức là từ tiền thuế của dân. Vì thế, hiện nay chủ trương là giảm dần số tiền phải bù lỗ nhưng vẫn đảm bảo nền kinh tế chịu đựng được, nhất là của người dân lao động.
"Quan điểm thì có lẽ cô bác cũng đã nhất trí, nhưng vấn đề ở đây là cách điều hành. Chúng ta điều chỉnh giá xăng lên xuống theo thị trường thế giới nhưng khi giá xăng xuống không kéo được mặt bằng giá cả khác đi xuống được", Chủ tịch nước nhận xét và cho rằng dù đã xác định thị trường có sự can thiệp của nhà nước nhưng cái khó là phải can thiệp cỡ nào nó mới mang tính chất thị trường và cỡ nào là phi thị trường.
"Thôi đây coi như là một cái nợ tôi báo cáo như thế và các nhà kinh tế cùng với bà con ở đây nghiên cứu, hiến kế để cùng giải quyết, bởi nói lý thuyết thì hay nhưng thực tiễn là thách đố", Chủ tịch nước thẳng thắn.
Nhiều cử tri TP HCM bức xúc về việc giá xăng tăng rất nhanh theo giá thế giới nhưng giảm thì lại nhỏ giọt. Ảnh: H.C.
Về những ý kiến đối với việc đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước, TS Trần Du Lịch cho biết, bản thân ông cũng không hài lòng và nhiều lần chất vấn Thống đốc Ngân hàng.
"Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao như thế là không chấp nhận được. Trách nhiệm của quản lý nhà nước là phải làm sao để kéo khoảng cách, giảm thiệt hại cho dân. Tôi sẽ tiếp tục chất vấn Ngân hàng nhà nước về vấn đề này", ông Lịch khẳng định.
Đối với 30.000 tỷ đồng cứu bất động sản, TS Trần Du Lịch cho biết ông là người trực tiếp tham gia giúp Chính phủ trong vấn đề này và khẳng định đây là gói "hỗ trợ" thị trường bất động sản chứ không phải "cứu" ai cả. Theo ông Lịch, thị trường tự nó phải tự giải quyết, tuy nhiên nhà nước không thể để mặc thị trường mà có vai trò điều tiết nhưng không làm thay thị trường.
"Tôi cũng không đồng tình bất cứ giải pháp nào đưa tiền cho doanh nghiệp. Gói 30.000 tỷ đồng mà các cử tri nêu thực chất là gói tín dụng chứ không phải ngân sách. Ngân hàng dành riêng cho người mua vay chứ không phải cho người bán", ông Lịch giải thích.
Theo ông Lịch, vấn đề hiện nay là "cái người ta muốn mua thì anh không có mà bán, còn cái anh đang thừa mứa thì chẳng ai mua". Quan điểm của Chính phủ là không phải bơm tiền để cứu đại gia nào hết nhưng không thể để thị trường bất động sản sụp đổ.
"Nơi nào có phân khúc thị trường, những căn hộ dưới 1 tỷ đang có người mua, nhưng nhà đầu tư đang thiếu vốn thì gói tín dụng này sẽ cấp vốn để người ta tiếp tục làm. Còn những căn hộ đã được xây dựng rồi, giá mấy tỷ nhưng không bán được thì anh phải hạ giá xuống 1,5 tỷ; 1,2 tỷ thậm chí xuống 800 triệu thì sẽ có người mua", ông Lịch cho biết.
Theo VnExpress