Chủ tịch Quốc hội: Dứt khoát không để tình trạng "nói nhiều làm ít", "nói mà không làm"

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Chủ nhật, 18/05/2025 12:26

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong công tác xây dựng pháp luật phải tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách.

Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Tạo nền tảng pháp lý cho sự phát triển nhanh và bền vững 

Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66 ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 66".

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc ban hành Nghị quyết 66 là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội: Dứt khoát không để tình trạng "nói nhiều làm ít", "nói mà không làm"- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (Ảnh: Media Quốc hội).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định công tác xây dựng và thi hành pháp luật những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tạo nền tảng pháp lý cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Tính đến nay, Quốc hội đã ban hành 213 luật, bộ luật đang có hiệu lực pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng nghìn Nghị định, Quyết định, các Bộ, ngành đã ban hành hàng vạn Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. 

Hệ thống pháp luật đã cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra công tác xây dựng và thi hành pháp luật vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Theo đó, tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý, chưa chú trọng đúng mức đến thúc đẩy phát triển, chưa tạo động lực đổi mới sáng tạo. 

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, quy định chi tiết "được làm gì, không được làm gì", thiếu linh hoạt, không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, thị trường và các mô hình kinh doanh mới.

Tình trạng quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, không rõ ràng chưa được khắc phục triệt để, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Việc phân cấp, phân quyền trong nhiều lĩnh vực chưa đủ mạnh, triệt để, thiếu rõ ràng về trách nhiệm và thẩm quyền; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Việc nghiên cứu, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới còn chậm, chưa tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo.

"Nhiều vấn đề mới phát sinh như thương mại điện tử xuyên biên giới, kinh tế chia sẻ, fintech (công nghệ tài chính), blockchain (chuỗi khối), tiền điện tử... chưa được điều chỉnh kịp thời làm hạn chế khả năng phát triển và cạnh tranh của nền kinh tế trong kỷ nguyên số", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội: Dứt khoát không để tình trạng "nói nhiều làm ít", "nói mà không làm"- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Ảnh: Media Quốc hội).

Khái quát 5 quan điểm chỉ đạo nêu tại Nghị quyết 66, trong đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là "đột phá của đột phá" trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước, phải thay đổi toàn diện cả tư duy và cách thức triển khai công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

"Phải tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc tới yêu cầu xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, "đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam", đặc biệt là "không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách, xây dựng các quy định của pháp luật"...

Cơ cấu ít nhất một lãnh đạo có chuyên môn pháp luật

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. 

Trong đó, nhấn mạnh "kiên quyết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, không dùng biện pháp hành chính để giải quyết tranh chấp kinh tế, giữ vững tính công bằng và linh hoạt của luật pháp", "người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm".

Ông cũng cho hay, Nghị quyết 66 đặt ra cơ chế tài chính đặc biệt, đó là chi ngân sách cho xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển. 

Cùng với đó, thiết lập Quỹ Hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật minh bạch để khuyến khích xã hội hóa nguồn lực.

Chủ tịch Quốc hội: Dứt khoát không để tình trạng "nói nhiều làm ít", "nói mà không làm"- Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội nêu 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới (Ảnh: Media Quốc hội).

Chủ tịch Quốc hội thông tin sáng 17/5, cùng với Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật để kịp thời thể chế hóa ngay các quyết sách lớn nêu tại Nghị quyết 66.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương cụ thể hóa, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

"Dứt khoát không để tình trạng "nói nhiều làm ít", "nói mà không làm"", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật và chịu trách nhiệm chính về chất lượng chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các Bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan của Quốc hội (trừ các cơ quan "chuyên trách" về pháp luật như Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp…) phải cơ cấu ít nhất một lãnh đạo có chuyên môn pháp luật. 

Các cấp ủy địa phương quan tâm cần phân công cấp ủy viên phụ trách công tác tư pháp và cơ cấu giám đốc Sở Tư pháp tham gia cấp ủy cấp tỉnh.

"Có cơ chế điều động, luân chuyển cán bộ, công chức của Bộ, ngành Tư pháp đi địa phương và làm việc ở bộ, ngành Trung ương để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn", Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, những nội dung này đều là vấn đề mới liên quan đến công tác cán bộ. Thời điểm hiện nay, chúng ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ sau, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp ủy Đảng hết sức lưu ý để sắp xếp, bố trí cán bộ, phân công nhiệm vụ, đưa chủ trương mới này vào cuộc sống.

"Thời gian không chờ đợi, chúng ta phải khẩn trương hành động, hoàn thành nhiệm vụ trước mắt là khắc phục ngay các vướng mắc pháp luật và lâu dài là xây dựng thể chế hiện đại, quy chuẩn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.