Chiều ngày 1/6, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã phê bình các bên liên quan khi chậm triển khai quyết định của Quốc hội về việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
“Đây là dự án trọng điểm quốc gia. Từ ngày QH đồng ý chủ trương đầu tư đến nay đã 2 năm rồi, nhưng chưa có báo cáo khả thi là chậm. Vì thế, hôm nay mới phải thảo luận việc tách thành phần ra làm trước để không làm ảnh hưởng đến tiến độ giai đoạn 1”, Chủ tịch QH nói.
“Khi lập báo cáo tiền khả thi, tiền bồi thường chỉ có 12.000 tỷ đồng, tới thời gian QH thông qua chủ trương đầu tư đã tăng lên 18.000 tỷ đồng, cho đến nay tăng lên 23.000 tỷ đồng. Con số 23.000 tỷ đồng này là do bao gồm hơn 600 ha đất cho tái định cư. Mình tính thu hồi đất để làm sân bay, bến cảng, khu công nghiệp dịch vụ nhưng không tính đất cho tái định cư. Lần này có bổ sung thêm hơn 600 ha đất cho tái định cư. Thực ra thêm đất này là phải trình QH rồi nên cơ sở pháp lý để trình ra QH”, Chủ tịch QH cho biết.
“Chỉ Nghị quyết của QH mới thực hiện được dự án này với số tiền, thu hồi đất như thế. Ban hành Nghị quyết riêng là đúng chứ không phải sửa Nghị quyết 94”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
“Cũng phải nói rằng, chúng ta bỏ lỡ rất nhiều thời cơ. Mấy ngày này, sân bay Tân Sơn Nhất tắc đường mà hành khách phải kéo hành lý chạy bộ sợ trễ giờ bay mà thấy thê thảm. Chúng ta đã tính sân bay này sau 2025 xong giai đoạn 1 thì QH yêu cầu phải sớm hơn để giải quyết tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất. Bây giờ đã quá tải trước mắt chúng ta. Từ trước Tết trở lại đây, Tân Sơn Nhất là nỗi ám ảnh của người đi máy bay, thậm chí rất gần, cách TP có bấy nhiêu thôi mà phải đi trước mấy tiếng đồng hồ vì tắc đường.
Theo tôi, chủ trương là thống nhất. Ở đây, chúng ta phải phê bình việc chậm triển khai một quyết định đầu tư của QH, 2 năm rồi chưa có báo cáo khả thi. Nếu có chậm đi 1 năm, tiền bạc có từ đầu nhiệm kỳ đã có thể rải ra để làm được bao nhiêu công việc, càng chậm thì càng khó khăn, giá càng lên, dân cũng không yên tâm để ổn định sản xuất, dẫn đến rất nhiều hệ lụy”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Cho ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) băn khoăn, việc tách ra làm trước có đúng quy định của luật Đầu tư hay không?
“Vì sao QH có Nghị quyết về chủ trương, sau đó, Chính phủ mới báo cáo nghiên cứu khả thi? Khi báo cáo nghiên cứu khả thi có đầy đủ các tiêu chí, đánh giá hiệu quả về kinh tế xã hội rồi mới quyết định đầu tư dự án này hay không? Bây giờ báo cáo khả thi chưa có, tất cả thông số về mặt kỹ thuật để CP quyết định đầu tư hay không, chưa có quyết định đầu tư mà đã quyết định triển khai giải phóng mặt bằng thì đây là vấn đề băn khoăn về mặt quy trình. Bởi vì đến năm 2019 mới làm báo cáo khả thi, đến lúc đấy thấy không khả thi mà giải phóng mặt bằng rồi lúc đó làm thế nào?”, ĐBQH Bùi Văn Phương nói.
Vị ĐBQH cũng dẫn dụ, QH thảo luận ở khóa 13 có băn khoăn, nhiều ĐBQH cho rằng, Nhà nước không nên đứng ra làm kinh tế mà cần hướng đến nhà đầu tư đi đầu tư. Nhà nước chỉ làm những phần các doanh nghiệp không đầu tư, đó là quản lý các thiết bị kỹ thuật ảnh hưởng đến an toàn bay, còn lại đường băng, nhà ga, hệ thống kết nối thì để các nhà đầu tư làm.
Nhưng khi dự án báo cáo lên rồi, các nhà đầu tư thấy rằng không có khả năng thu hồi vốn, lúc đó tình hình ngân sách nhà nước bỏ ra hết, có tiền không trong khi áp lực nợ công tăng.
“Nguyên phần giải phóng mặt bằng 23.000 tỷ đồng và từ nay đến lúc làm còn phát sinh và dự toán xây dựng cả sân bay là 336.000 tỷ đồng. Nhưng đến khi thực hiện chưa chắc số liệu như vậy. Tôi thấy nguồn lực rất khó. Tôi đề nghị vẫn làm, nhưng hiện nay với nguồn lực như vậy cần tính toán lộ trình để đảm bảo”, ĐBQH Văn Phương nhấn mạnh.
ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) cho rằng: “QH chưa thông qua phương án khả thi, trong phương án khả thi còn có nhiều điều cần cân nhắc, điều chỉnh. Nếu như vậy, khi chưa thông qua, hoặc có những cái cần điều chỉnh thì phương án hỗ trợ đất có cần phải điều chỉnh hay không và nếu có sẽ như thế nào?
Hơn nữa, tôi thấy, trong lúc nguồn lực của ta hạn hẹp mà tách ra để đền bù GPMB, sau 2-3 năm mới tiến hành, vậy việc quản lý đất đai, tái lấn chiếm có giữ được không? Tôi đơn cử như tại quận 1, giành vỉa hè, nhưng sau thời gian ngắn lại bị tái lấn chiếm. Tôi thấy việc ta dành nguồn lực quá lớn cho sân bay trong bối cảnh vốn, nguồn lực kinh tế có hạn thì không hợp lý”.
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến: “Dự án này khi tách ra, triển khai, chỉ có thể thực hiện được khi có một số phương án tài chính khả thi và hợp lý. Tuy nhiên, cùng với chủ trương tách ra lần này thì phương án tài chính lại chưa bảo đảm tính khả thi.
Cụ thể, chúng ta mới chỉ có 5.000 tỷ đồng, trong khi theo tờ trình, để hoàn thành cần có ít nhất 23.000 tỷ đồng. Vậy 18.000 tỷ đồng sẽ lấy từ đâu. Chúng ta vẫn chưa có phương án rõ ràng.
Vậy đi đôi với việc trình chủ trương cần có phương án rõ ràng về tài chính. Trong trường hợp không có phương án khả thi về tài chính, chúng ta sử dụng 5.000 tỷ đồng xong thì sẽ rơi vào tình cảnh dở dang, thu đất của dân rồi nhưng lại không có phương án đền bù, người dân sẽ sinh sống như thế nào, hệ lụy, hệ quả sẽ lớn. Chúng ta không thể làm đến đâu hay đến đấy rồi tính tiếp. Do vậy, chúng ta phải hết sức thận trọng”.
Dương Thu