Sáng 22/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.
Sẽ đánh giá toàn diện, khách quan
Trình bày kế hoạch chi tiết, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, cuộc giám sát sẽ đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan.
Kết thúc hoạt động giám sát, Đoàn có báo cáo đánh giá cụ thể về việc sử dụng nguồn lực cho công tác quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030.
Lựa chọn tư vấn lập quy hoạch và chất lượng của công tác tư vấn quy hoạch; việc tuân thủ các quy định về căn cứ, yêu cầu, nội dung quy hoạch của từng cấp/loại quy hoạch theo hệ thống quy hoạch quốc gia; tác động đối với công tác quản lý nhà nước, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân...
Đồng thời, báo cáo giám sát sẽ đánh giá việc quản lý các quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) là những quy hoạch có ảnh hưởng lớn đến quản lý đầu tư công, hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và của người dân.
Bên cạnh đó, phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân (làm rõ những tồn tại, hạn chế là do quy định pháp luật hay do tổ chức thực hiện).
Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân người đứng đầu trong việc chậm tiến độ lập quy hoạch, lãng phí nguồn lực, chất lượng quy hoạch, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động đầu tư, kinh doanh và việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối tượng chịu sự giám sát là Chính phủ và các Bộ, trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và HĐND, UBND cấp tỉnh.
Về không gian, đoàn sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo quy định pháp luật liên quan trên phạm vi cả nước.
Thời gian giám sát là từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, từ 1/1/2019, riêng các quy định về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018.
Giám sát phải đưa ra được hình thức xử lý thích đáng
Qua thảo luận, các đại biểu dự phiên họp cơ bản tán thành với báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Một số đại biểu đã đóng góp thêm một số ý kiến cụ thể đi vào nội dung của từng dự thảo kế hoạch và đề cương.
Phát biểu tại phiên họp, nhấn mạnh hoạt động giám sát thực hiện Luật Quy hoạch là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cả bốn cuộc giám sát trong năm 2022 - trong đó có 2 chuyên đề giám sát tối cao, đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa để đảm bảo chất lượng cho hoạt động giám sát.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong nhiệm kỳ này, giám sát được coi là một khâu trung tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Do đó, muốn nâng cao chất lượng giám sát, cần phải đầu tư công sức, trí tuệ, có tổ chức, cách làm phù hợp, khoa học, hiệu quả, đồng thời phải làm đến nơi, đến chốn.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ cho đợt giám sát lần này, trong đó có giám sát thực hiện Luật Quy hoạch công phu, Chủ tịch Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế. Đồng thời nhấn mạnh yêu cầu việc giám sát phải cho ra những kết quả cụ thể, thiết thực; công tác giám sát phải vừa toàn diện, vừa có trọng tâm trọng điểm.
“Tinh thần là đảm bảo nguyên tắc “4 mắt” - ai làm gì cũng phải có người khác giám sát và phải nghe nhiều tai, nhiều kênh, có tính chất độc lập với nhau thì mới có thể gạn đục khơi trong, chứ không nghe một chiều", ông Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc giám sát thực hiện pháp luật bao gồm cả việc ban hành luật, các văn bản hướng dẫn luật và việc thực thi pháp luật, thực hiện quy hoạch ở các bộ, ngành, địa phương; giám sát các nội dung khác liên quan đến xây dựng, phê duyệt, quản lý quy hoạch.
Yêu cầu hoạt động giám sát phải gắn được với trách nhiệm giải trình của cá nhân, tổ chức, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các Đoàn giám sát phải đưa ra được những kiến nghị hình thức xử lý thích đáng đối với các tổ chức, cá nhân về vấn đề được xác định sai phạm hay các vấn đề chậm trễ, cản trở công tác thi hành pháp luật.
“Từ khi có Luật Quy hoạch đến nay, việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật hướng dẫn rất chậm, tác động nhiều đến phát triển. Quy hoạch đi trước một bước mà chưa có thì bó tay hết. Giám sát làm rõ cho được lý do vì sao chậm”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí dự thảo kế hoạch và đề cương chi tiết, đồng thời đề nghị đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến đóng góp hôm nay để tiếp tục hoàn thiện và trình ký ban hành.
“Phải tạo cho được sự thống nhất nhận thức đối với chủ thể giám sát, đối tượng giám sát về sự cần thiết nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan Quốc hội trong tình hình mới để có phương thức thực hiện phù hợp với tình hình hiện nay. Qua giám sát phải tạo điểm nhấn, lan toả cả nhiệm kỳ”, ông Phương nhấn mạnh.