Lợi nhuận quý I đạt 4.017 tỷ đồng
Chiều 25/4, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã diễn ra thành công với sự tham gia của 1.361 cổ đông, đại diện cho hơn 2,4 tỷ cổ phần, tương đương 66,99% tổng số cổ phần.
Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như kế hoạch kinh doanh năm 2024, kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023… và nhiều nội dung khác.
Cụ thể, ĐHĐCĐ SHB đã thông qua hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 11.286 tỷ đồng, tăng 22,2% so với mức thực hiện của năm 2023. Tổng tài sản dự kiến sẽ tăng 11,2%, lên 701.000 tỷ đồng; trong đó tổng dư nợ cấp tín dụng tăng 14%, đạt 518.555 tỷ đồng.
Tỉ lệ nợ xấu dự kiến được kiểm soát dưới 3%, so với kết quả 2,7% vào năm 2023. Tuy nhiên, cổ đông cho rằng, việc đặt mục tiêu như vậy vẫn còn quá cao, nên đưa về dưới 2,5%.
Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, ngân hàng luôn minh bạch về tình hình hoạt động. “Nợ xấu tăng là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, do tình hình chung nên chúng ta xác định nợ xấu tăng lên 2,7% phản ánh trung thực hoạt động chung của nền kinh tế và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình tài chính và đồng hành với doanh nghiệp để vượt qua khó khăn”.
Toàn thể ngân hàng sẽ tập trung xử lý nợ xấu đến hết tháng 9 và đã có chương trình hành động cụ thể. Ngân hàng sẽ trực tiếp làm rõ, đưa ra giải pháp phù hợp để hỗ trợ khách hàng, đồng thời xử lý thu hồi nợ xấu cần thiết, đảm bảo giảm nợ xấu. Theo ông Hiển, mục tiêu đặt ra là như vậy nhưng ngân hàng quyết tâm đưa nợ xấu về dưới 2%.
“Việc đặt mục tiêu nợ xấu dưới 2,7% hiện tại là khiêm tốn nhưng đảm bảo tính khả thi chứ không phải đánh bóng sự thật”, ông Hiển chia sẻ.
Có cổ đông nghi ngờ về tính khả thi trong kế hoạch kinh doanh của SHB khi trong năm trước, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ đạt 9.239 tỷ đồng, giảm 405 tỷ đồng so với năm trước.
Giải đáp vấn đề này, Tổng Giám đốc SHB Ngô Thu Hà cho biết, ngân hàng đặt ra kế hoạch luôn căn cứ vào tình hình thực tế. Trong năm 2024, SHB sẽ thực hiện đa dạng hoá sản phẩm, tăng cường công tác phát triển khách hàng, sản phẩm số…
Ngoài ra, SHB cũng sẽ giảm chi phí đầu vào, cơ cấu lại nguồn vốn, kỳ hạn vốn. Đồng thời gia tăng thu nhập phi tín dụng như hoạt động về ngoại tệ, tăng 143% trong năm 2023. Giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tập trung vào công tác xử lý nợ xấu.
Ngoài ra đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng CASA, giảm chi phí vốn. Thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2024, bà Hà cho biết, lợi nhuận quý I của ngân hàng đạt 4.017 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu thấp hay cao là do cổ đông quyết định
ĐHĐCĐ SHB cũng thông qua phương án chia cổ tức. Theo đó, dựa trên kết quả kinh doanh năm 2023 và mức lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là 5.929 tỷ đồng, ngân hàng sẽ chia cổ tức với tổng tỉ lệ 16% vốn điều lệ (tương ứng 5.859,9 tỷ đồng), gồm 5% bằng tiền mặt (1.831 tỷ đồng) và 11% còn lại bằng cổ phiếu (4.028,6 tỷ đồng).
Tại đại hội, khi được đề nghị chia cổ tức bằng tiền mặt trước, ông Hiển cho biết, sau khi được đại hội chấp thuận phương án chia cổ tức, ngân hàng sẽ trình phương án lên cơ quan quản lý, nếu được chấp thuận sẽ tiến hành chia bằng tiền mặt trước.
Hiện vốn điều lệ của Ngân hàng SHB đang là 36.194 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 11%, vốn điều lệ của Ngân hàng SHB dự kiến sẽ lên gần 40.658 tỷ đồng.
Khi được đặt ra câu hỏi, liệu việc chia cổ tức bằng cổ phiếu có gây loãng giá cổ phiếu hay không, ông Hiển cho rằng, việc giá cổ phiếu thấp hay cao là do nhà đầu tư, cổ đông quyết định tuỳ theo khẩu vị rủi ro.
“Khi chọn mua một mã cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ cần nghiên cứu, đánh giá chỉ số tài chính, tham số tài chính, giá trị doanh nghiệp, ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Chính vì vậy, bản thân nội tại doanh nghiệp quyết định giá trị cổ phiếu. Đã là cổ đông ai cũng muốn cổ phiếu giá trị cao, nhưng thấp hay cao là do quý vị quyết định” – ông Hiển nhấn mạnh.
Trả lời về tin đồn liên quan đến việc Tập đoàn Tân Long đang vay nhiều nghìn tỷ tại SHB, ông Hiển chỉ thông tin, Tân Long là Tập đoàn xuất nhập khẩu về nông sản, lương thực, chăn nuôi lớn Việt Nam và có doanh thu rất lớn.
Khi xem xét cho vay, ngân hàng luôn dựa trên cơ sở phương án khả thi, quản lý được nguồn thu, có tài sản bảo đảm và kiểm soát sau vay đảm bảo an toàn cho SHB.
Tại đại hội, nói về tiến độ xây dựng trụ sở chính, ông Hiển thông tin, hiện ngân hàng đang có lô đất “vàng” tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Hàng Bài, với diện tích 3 mặt phố là 2.200m. Đây là đất thổ cư và sẽ là tài sản lớn của SHB sau này.
Tuy nhiên, hiện ngân hàng đang làm thủ tục xin phép, các tiến độ về cơ bản đã được cơ quan quản lý chấp thuận và dự kiến thủ tục sẽ được hoàn thiện và thi công trong năm nay. Về tiến độ hoàn thành, ông Hiển cho biết, trong vòng 3 năm nữa, SHB sẽ có trụ sở xứng tầm.