Việc ông Nguyễn Hữu Khai, chủ tịch Tập đoàn Y dược Bảo Long, nguyên mẫu nhân vật chính trong bộ phim “Đường đời”, bị Cơ quan An ninh điều tra Công an Tp.Hà Nội khởi tố và bắt tạm giam 3 tháng để điều tra về tội “Sử dụng trái phép tài sản” đã đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận. Vậy tội danh đó được quy định như thế nào và nếu bị kết án, ông Khai sẽ phải đối mặt với hình phạt nào?
Trao đổi với Phóng viên, thạc sĩ – luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, giám đốc Công ty luật hợp danh Đông Nam Á cho biết: Sử dụng trái phép tài sản được hiểu là hành vi khai thác lợi ích của tài sản (hay khai thác giá trị sử dụng của tài sản) của người khác mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản đó và trái với quy định của pháp luật với mục đích vì vụ lợi. Hành vi này xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
Ảnh: Website của Y dược Bảo Long
Để cấu thành tội “Sử dụng trái phép tài sản”, việc sử dụng tài sản phải:
Không được sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản đó và phải trái với quy định của pháp luật. Hoặc sử dụng tài sản trái với mục đích ban đầu (được giao) mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, người quản lý tài sản đó.
Có tính vụ lợi, được hiểu là người sử dụng tài sản trái phép nhằm thu lợi bất chính hoặc vì lợi ích cho tổ chức các nhân khác.
Gây hậu quả nghiêm trọng, đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản. Hậu quả nghiêm trọng có thể hiểu là do hành vi sử dụng trái phép tài sản đó khiến cho doanh nghiệp đình trệ việc sản xuất kinh doanh, lỗ hoặc phá sản… Đặc biệt, giá trị tài sản bị sử dụng trái phép phải từ năm mươi triệu đồng trở lên mới truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi sử dụng trái phép tài sản.
Về việc ông Nguyễn Hưu Khai bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Sử dụng trái phép tài sản”, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật đánh giá: “Như thông tin trên một số tờ báo điện tử, trang tin thì ông Khai đã chuyển tài sản của công ty và sử dụng với mục đích cá nhân mà không được sự đồng ý của công ty. Nếu đúng như vậy, có thể ông Khai đã có hành vi sử dụng trái phép tài sản của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long và Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long sau khi được hai công ty này thuê lại ông điều hành với tư cách tổng giám đốc. Như vậy, có thể ông Khai không có “hành vi chiếm đoạt” tài sản của công ty, nếu không ông Khai đã phải bị truy cứu với tội danh tham ô tài sản”.
“Tổ chức bị thiệt hại trong vụ việc này là Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long và Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long chứ không phải là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng & Du lịch Bảo Sơn vì Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng & Du lịch Bảo Sơn chỉ là cổ đông, tổ chức góp vốn trong hai công ty trên. Nói cách khác Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng & Du lịch Bảo Sơn là tổ chức bị thiệt hại gián tiếp thông qua hai công ty trên”, Luật sư Thuật giải thích.
Trụ sở Tập đoàn Bảo Long ở Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội (Ảnh: Internet)
Nhận định về tội danh và hình phạt mà ông Nguyễn Hữu Khai có thể phải gánh chịu, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật nói: “Để kết luận ông Khai có phạm tội “Sử dụng trái phép tài sản” qui định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự hay không các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải điều tra cẩn thận, chính xác, đặc biệt làm rõ các nội dung sau:
Thứ nhất: Xác định chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản.
Thứ hai: Xác định thỏa thuận của các bên trong việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản.
Thứ ba: Xác định rõ thẩm quyền quản lý, điều hành doanh nghiệp của ông Khai theo hợp đồng lao động hợp đồng khoán việc hoặc nội qui, qui chế của Công ty.
Nếu ông Khai chứng minh được việc sử dụng tài sản tại một thời điểm nào đó có sự đồng ý của công ty (Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long và Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long) hoặc vì lợi ích của công ty (không vì lợi ích cá nhân) thì vụ việc này chỉ mang tính tranh chấp dân sự- nội bộ doanh nghiệp – hoàn toàn không có dấu hiệu hình sự.”.
Điều 142 Bộ luật Hình sự qui định: 1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng; d) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội gây hậu qủa đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” |
Theo Infonet