“Đường đời dốc đứng”
Những ai đã xem bộ phim truyền hình 28 tập “Đường đời” của đạo diễn Quốc Trọng năm 2004 (chuyển thể từ tiểu thuyết “Nợ đời” của tác giả Hoàng Dự) đều không khỏi ngạc nhiên trước số phận thăng trầm kỳ lạ của nhân vật Hải – nguyên mẫu của ông Nguyễn Hữu Khai ngoài đời.
Đó là một thầy thuốc, võ sư tài hoa, giàu nhân ái nhưng bị dòng đời xô đẩy, thử thách hết lần này lần khác, khiến cả đời lận đận “phiêu bạt giang hồ”, “ra tù vào tội”. Được nhiều phụ nữ yêu mến, hi sinh nhưng rốt cuộc, từng người tình rồi cũng rời bỏ ông đi như những dòng sông nhỏ…
Bộ phim xoay quanh cuộc đời nhân vật Hải, đan xen với những mối quan hệ phức tạp, ở đó có đủ người tốt, kẻ xấu với những tính cách đa chiều, tạo nên một diện mạo sinh động của cuộc đấu tranh để khẳng định những giá trị tốt đẹp của cuộc sống con người. Đây là bộ phim đã từng “làm mưa làm gió” một thời trên sóng truyền hình những năm đầu thế kỷ.
Điều đáng nói ở chỗ, ông Khai bước vào tiểu thuyết, phim truyền hình, để lại bao nhiêu cảm mến khâm phục lẫn xót xa, lấy đi bao nhiêu nước mắt của độc giả, khán giả, nhưng đến khi quay bước ra với đời thực thì cuộc đời nghiệt ngã này vẫn chưa chịu mỉm cười với ông.
Từng lập nghiệp rồi vào tù và trắng tay, rời trang tiểu thuyết, ông gây dựng lại cơ đồ nghìn tỷ nhưng rồi lại trắng tay và vào tù – con đường sự nghiệp của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Y dược Bảo Long vừa mới được bắt đầu lại vào năm 2015, khi ông đã ở tuổi 63.
Nếu như truyện phim “Đường đời” mới phản ánh đến cuộc hôn nhân thứ ba dang dở của ông Nguyễn Hữu Khai thì ngoài đời thực, số phận lại một lần nữa mang người phụ nữ thứ tư đến với ông rồi lại để cô ấy bỏ đi vào những ngày ông khô héo tuổi lục tuần ở trong tù.
Đến nỗi mà con gái cả của ông Khai trong một bức thư gửi bố đã phải cảm thán xót xa: “Bố ơi! Bố đã quá khổ rồi! Đời người ta chỉ tan vỡ gia đình một lần là khô héo cả thể xác lẫn tinh thần! Thế mà bố đã phải chịu tới bốn lần!”.
Viết tiếp “Đường đời”, hé lộ cuộc hôn nhân thứ tư và thương vụ Bảo Sơn
Còn nhớ, thời kỳ đỉnh cao vào khoảng năm 2004 - 2008, Bảo Long trở thành tập đoàn y dược lớn mạnh cả trong và ngoài nước, với hàng nghìn cán bộ công nhân viên, sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng với 15 công ty, trường học, bệnh viện từ TP.HCM đến Sìn Hồ (Lai Châu) và Bảo Long võ đường truyền dạy môn phái “Bảo Long y võ” được báo chí gọi là “Thiếu Lâm Tự xứ Đoài”…
Tuy nhiên, khối tài sản cùng thương hiệu lẫy lừng mà vị thầy thuốc - doanh nhân dày công xây dựng này đã phút chốc tiêu tan sau cơn lốc của khủng hoảng suy thoái kinh tế những năm 2007 - 2010. Ngân hàng từ chối đáo hạn, Bảo Long phải vay tư nhân với lãi suất cao để cầm cự, rồi sau đó phải dứt lòng bán 3 đơn vị của mình cho tập đoàn Bảo Sơn để cứu các đơn vị còn lại.
Thương vụ sang nhượng tài sản giữa tập đoàn Bảo Long và tập đoàn Bảo Sơn cho đến nay vẫn còn tốn không ít giấy mực của báo giới, chỉ biết rằng vì thương vụ đó mà Bảo Long phá sản, ông Khai bị bắt vào tù giữa năm 2013 về tội danh “Sử dụng trái phép tài sản”.
Hai năm qua, ban ngày ông bắt mạch chữa bệnh, bào chế thuốc, đêm đến lại cặm cụi chắp nối hoàn thiện cuốn tiểu thuyết từ những đoạn do học trò đánh máy lại. Và ngày 10/11 tới đây, ông sẽ cho ra mắt cuốn hồi ký chứa nhiều bí mật cuộc đời này.
Được chia thành hai phần mang tên “Nối tiếp Đường đời” và “Chuyện trong tù”, cuốn tiểu thuyết dày 400 trang “Đường đời dốc đứng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) có lối viết tự sự nhẹ nhàng, hoài cổ, văn phong ước lệ kiểu con nhà võ. Đã trải qua nhiều can qua, ông Nguyễn Hữu Khai coi đây là cơ hội để thêm một lần được trải lòng về những lần nhói đau trong cuộc sống…
Đọc tiểu thuyết “Đường đời dốc đứng”, nhà báo Đinh Đức Lập – nguyên Tổng biên tập báo Đại đoàn kết đã phải thốt lên: “Cuộc đời của Nguyễn Hữu Khai vô cùng gian khổ, có thể nói là khốc liệt. Bị vào tù lần này là một câu chuyện buồn, vẫn còn nhiều uẩn khúc. Song chính trong thời gian này đã cho thấy một Nguyễn Hữu Khai uyên bác, hiểu đời sâu sắc, không chịu đầu hàng số phận…”.
Nhà báo Đinh Đức Lập cũng nhìn ra một viên ngọc sáng lấp lánh trong cuốn hồi ký này. Ông viết: “Phần hai tiểu thuyết mang tên “Chuyện trong tù” là một tập hợp những chuyện hấp dẫn với vô vàn chi tiết sống động “độc nhất vô nhị. Nguyễn Hữu Khai mô tả hiện thực cuộc sống trong tù, chân dung, chiêu trò cùng thành tích bất hảo của nhiều nhân vật cộm cán đang thụ án với một cách nhìn nhân văn, hướng thiện. Đặc biệt qua những câu chuyện với các nhân vật, ông đã lý giải được nhiều hiện tượng xã hội như sự tồn tại của giang hồ, triết lý nhân quả và trên hết là sự hướng thiện…”.
Có lẽ vì vậy mà nhà văn Võ Khắc Nghiêm trong khi viết lời tựa “Sức hấp dẫn của “Đường đời dốc đứng” đã nhận xét “…toàn bộ cuốn sách vẫn còn nguyên vẹn chất thô ráp của một tảng đá quý trên vách đứng cuộc đời”.
Đây là lần thứ ba tôi viết về ông, mỗi lần viết đều dạt dào cảm xúc khâm phục lẫn đồng cảm. Là một trong những người đầu tiên được tiếp cận bản thảo khi “Đường đời dốc đứng” còn lộn xộn và nhiều lỗi chính tả, cá nhân tôi tin rằng cuốn sách sẽ làm dịu lòng những người yêu mến ông trong nhiều năm nay. Bởi nay đã sắp bước vào tuổi thất thập cổ lai hi, trải qua bao giông gió cuộc đời, người ta vẫn yên tâm vì ông chưa gục ngã, trái lại càng thêm sung sức.
Nguyễn Hữu Khai tự răn mình: “Còn phải tu dưỡng, học hỏi nhiều. Tận cùng của võ là văn. Tận cùng của miếng cơm manh áo là nghĩa khí, là cái cao cả của tình người”.
Đâu đó trong cuốn hồi ký, một vài điều người ta còn tò mò về ông cũng sẽ được Nguyễn Hữu Khai trải lòng bằng những cảm xúc chân thật nhất. Đó là mối tình thứ tư với người học trò, bác sĩ xinh đẹp kém ông 23 tuổi. Là những lát cắt quá khứ khi ông hoài niệm xa xôi về giây phút cô bác sĩ thông minh, mạnh mẽ trong đối đáp đã âm thầm cảm mến ông nhiều năm, đã xé rào khoảng cách thầy trò để tỏ tình với thầy, cùng lý giải dễ thương "... tựa như những ván cờ mà thầy đã nhường em đi trước".
Là những giây phút Nguyễn Hữu Khai hòa quyện giữa thơ và đời trong khoảnh khắc đón nhận tình cảm bằng “Tiếng tim rối nhịp bức bách, rộn ràng mang tín hiệu lâm sàng rất cần cấp cứu”…
Tái bản lần 9 tiểu thuyết “Đường đời” Cũng vào dịp xuất bản tiểu thuyết “Đường đời dốc đứng” của tác giả Nguyễn Hữu Khai, nhà xuất bản Hội Nhà văn cho tái bản lần thứ 9 cuốn tiểu thuyết “Đường đời” của nhà báo Hoàng Dự. Nhà báo Hoàng Dự sinh năm 1957 ở Nam Định, nguyên là Tổng biên tập báo Thể thao Việt Nam, hội viên hội Nhà văn Việt Nam. “Đường đời” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả Hoàng Dự, được viết trong 4 năm, từ 1997 đến 2000. Vào năm 2004, cuốn sách được đạo diễn Quốc Trọng chuyển thể thành bộ phim truyền hình “Đường đời” dài 28 tập với diễn xuất của các diễn viên nổi tiếng; Hoàng Hải, Thu Hà, Lưu Hà, Hoàng Thùy Linh… Cho đến giờ, cuốn tiểu thuyết này đã được tái bản 9 lần với hàng chục nghìn bản in. |