Trao đổi với PV, các chuyên gia pháp lý nhận định, bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo là một nguyên tắc xuyên suốt quá trình tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết tố cáo. Nếu chính những người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không tuân thủ nguyên tắc này thì sẽ không có một người dân nào dám đứng ra tố cáo hành vi trái pháp luật, vấn nạn tham nhũng, tiêu cực… do lo sợ bản thân và gia đình sẽ bị đe doạ, trả thù, trù dập, xúc phạm, gây nguy hiểm, thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế hữu hiệu nào để bảo vệ người tố cáo. Việc giữ bí mật cũng là một cách để bảo vệ họ, nhưng khi thông tin bị rò rỉ thì phương án bảo vệ như thế nào là không có, như bảo vệ tại nhà hay đưa họ đi đâu để bảo vệ người tố cáo.
Chia sẻ với PV, GS.Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thẳng thắn nói: “Thông tin người tố cáo phải được bí mật, luật quy định rất rõ về điều này. Tuy nhiên, hiện, chúng ta chưa có quy định cụ thể, rõ ràng trong việc bảo vệ người tố cáo”.
GS.Đường cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành đang có quá nhiều cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ người tố cáo trong khi thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế và chồng chéo, dẫn tới không có một cơ quan chuyên biệt để bảo vệ người tố cáo nói chung và người tố cáo tham nhũng nói riêng. Vì thế, dự thảo luật Tố cáo sửa đổi sẽ khắc phục những “lỗ hổng” tồn tại.
Các chuyên gia nhận định, theo luật Tố cáo năm 2011, UBND các cấp có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo đối với trường hợp bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú nhưng trong trường hợp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo thì Luật lại không quy định trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào mà chỉ quy định trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan khác có thẩm quyền.
Hơn nữa, trong dự thảo Luật, chúng ta mới chỉ đề cập đến các hình thức bảo vệ người tố cáo còn những nội dung cụ thể như phương thức, nguồn lực thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan thì vẫn quy định chung chung. Do đó, nếu giữ các quy định về bảo vệ người tố cáo như vậy sẽ khó giải quyết những vấn đề đã tồn tại từ trước đến nay.
Trao đổi với PV, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng: “Sự việc ở Đồng Tháp là bài học lớn cho các địa phương trong việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư tố cáo. Việc tiết lộ danh tính người tố cáo là không đúng với quy định của luật Tố cáo. Tỉnh Đồng Tháp đã sửa sai bằng việc hủy quyết định, tuy nhiên điều quan trọng hiện nay là phương án bảo vệ người tố cáo như thế nào?
Chúng ta đã có luật và phải tuyệt đối bí mật thông tin cá nhân của người tố cáo, nếu đơn vị nào cũng công khai danh tính người tố cáo thì người dân sẽ không dám chống tham nhũng”.
"Điều đáng nói, trong sự việc ở Đồng Tháp, cần phải làm rõ trách nhiệm bộ phận tham mưu ở đây là phòng, ban nào, thậm chí cán bộ nào làm tắc trách như vậy để xử lý nghiêm, vì công bố danh tính của người tố cáo là vi phạm qui định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét việc đó đã để xảy ra hậu quả gì chưa", ông Phạm Trọng Đạt nhấn mạnh.
Lan Thơm