Đó những trao đổi rất thẳng thắn của ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trong buổi gặp mặt, đối thoại với hơn 200 doanh nghiệp (DN) nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, đối thoại với DN là hoạt động được tổ chức thường niên và là dịp để lãnh đạo Hà Tĩnh lắng nghe các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, với tinh thần “cầu thị - thẳn thắn - cởi mở”; tìm các giải pháp tối ưu để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh mong muốn nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn của các DN liên quan đến những khó khăn, vướng mắc đang gặp, đặc biệt là những vướng mắc do cơ chế, chính sách, những khó khăn khi tiếp cận, làm việc với các đơn vị, sở ngành, địa phương.
Tại buổi đối thoại, ông Hoàng Trung Thông, Chủ tịch hội DN tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Nhờ đó, số lượng DN trên địa bàn phát triển nhanh, các loại hình, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh ngày càng đa dạng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nhìn nhận thực trạng hiện nay, ông Thông cho rằng, DN Hà Tĩnh đang còn vô vàn khó khăn, hầu hết thiếu vốn, thiếu việc làm; nhiều DN thiếu năng lực quản trị, thiếu lao động chất lượng cao... DN Hà Tĩnh vẫn đang phải đối mặt với chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai... Việc thanh tra, kiểm tra của một số cơ quan quản lý Nhà nước đối với DN còn nhiều đoàn, nội dung kiểm tra trùng lặp...
Ông Trần Xuân Hồng, phụ trách HTX dịch vụ chế biến thủy hải sản Ánh Dương tại xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà bày tỏ, sản xuất nước mắm và các sản phẩm dạng mắm là một nghề không thể tách khỏi khai thác hải sản, tuy nhiên, lại không nằm trong danh mục những ngành nghề được bồi thường sau sự cố môi trường biển. Đại diện cho tập thể chế biến thủy hải sản của tỉnh, ông Hồng kiến nghị, đổi tên của tiểu mục 2.2 trong văn bản Báo cáo số 327/BC- UBND tỉnh ngày 27/9/2017 từ danh mục “sản phẩm tẩm ướp” thành đối tượng là “nước mắm và các sản phẩm dạng mắm”.
Ông Trần Phát Đạt, Chủ tịch Hiệp hội DN Hương Khê chia sẻ, hầu hết các DN trên địa bàn chuyên về sản xuất kinh doanh lâm sản, nhưng các thủ tục liên quan đến thông quan hàng hóa trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Hiệp hội DN Hương Khê mong muốn các ban ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm giúp DN giảm chi phí, giảm thời gian làm thủ tục.
Trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã chia sẻ, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc mà các DN đang gặp phải. Trong thời gian tới, Hà Tĩnh cần tăng cường quảng bá đầu tư, mở rộng hợp tác kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới tư duy quản lý Nhà nước, xem DN là đối tượng phục vụ, xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN.
“Có không ít doanh nghiệp nói với tôi là nhiều đoàn thanh tra quá. Cái này chúng ta phải giảm, đó là chỉ đạo rồi, mỗi năm chỉ cần 1 đoàn thôi. Nếu càng xuống thanh kiểm tra dưới doanh nghiệp nhiều thì càng thể hiện quản lý của chúng ta kém. Ngồi 1 chỗ mà biết được doanh nghiệp này làm chuẩn hay không chuẩn thế mới là giỏi”, ông Khánh thẳng thắn nói.
Bên cạnh đó, vị Chủ tịch tỉnh cũng chia sẻ, trong những năm vừa qua, phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh chưa bao giờ khó khăn hơn. Đầu năm 2017, trong lúc cả hệ thống chính trị cùng người dân đang phải khắc phục hậu quả lũ lụt, sự cố môi trường biển xảy ra vào năm 2016 thì ngành Nông nghiệp lại lâm vào tình cảnh khốn đốn đó là bệnh đạo ôn cổ bông hoành hành gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng. Tiếp đó, là cơn Bão số 10 có sức tàn phá khủng khiếp trong lịch sử 36 năm qua: 2.000 ngôi nhà của nhân dân bị đổ sập, hàng nghìn ha cây lâu năm, hệ thống cột điện đều gãy đổ hết, tính tổng thiệt hại do cơn Bão số 10 gây ra cho Hà Tĩnh là hơn 6.000 tỷ đồng. Khi người dân chưa thể khắc phục khó khăn để quay trở lại ổn định cuộc sống thì áp thấp nhiệt đới lại vào gây mưa lớn, hệ thống đê bị vỡ, xảy ra ngập úng cục bộ tại các huyện miền núi.
“Tất cả những sự khó khăn đó gắn với sự khó khăn của tỉnh và DN, nhiều DN thiệt hại rất nặng nề. Có nhiều DN đã cố gắng vượt qua với tinh thần tự lực tự cường. Hà Tĩnh là 1 tỉnh nghèo, đang có rất nhiều khó khăn. Vừa ngồi họp đây tôi lại phải ký công điện vì áp thấp nhiệt đới gây bão tiếp tục vào. Tuy nhiên, dù có nhiều khó khăn như vậy nhưng đánh giá kết quả 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của Hà Tĩnh đạt trên 7%, tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm của tỉnh là 6.032 tỷ, đây là con số có sự đóng góp lớn, con số thể hiện sự mạnh mẽ của DN ta, cao hơn nhiều so với các tỉnh cận kề”, ông Khánh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Khánh đánh giá cao khi thời gian vừa qua có rất nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào Hà Tĩnh như: Tập đoàn Vingroup, sắp tới là Tập đoàn FLC, SHB, ký kết với DN Đức... Điều này thể hiện, dù Hà Tĩnh khó khăn nhiều mặt nhưng các nhà đầu tư vẫn lựa chọn, thể hiện môi trường đầu tư tại đây rất tốt.
Kết thúc buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các DN thường xuyên có những kiến nghị, đề xuất gửi về văn phòng UBND tỉnh, để tỉnh có những xem xét, tháo gỡ kịp thời. Mặt khác, trung tâm hỗ trợ xúc tiến đầu tư doanh nghiệp phải theo dõi sát quá trình thực hiện các dự án, quá trình tháo gỡ những khó khăn, báo cáo kịp thời với chủ tịch tỉnh, các lãnh đạo phó tỉnh, giám đốc các sở, ban, ngành để kịp thời xử lý, tháo gỡ.