Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lấy phục vụ người dân làm mục tiêu cao nhất, thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” gắn với “dân thụ hưởng”. Đó là một trong những bài học kinh nghiệm đúc kết được qua việc thực hiện thành công một số chương trình gần đây của địa phương mà ông Phan Ngọc Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ tại Hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra mới đây tại TP.Huế.
Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế tổ chức nhằm có thêm cơ sở hoàn thiện Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X), từ đó đề xuất Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế trong thời gian tới.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế mà tỉnh còn vướng mắc sau 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Theo đó, Thừa Thiên-Huế phát triển vẫn dưới mức tiềm năng và chưa phát huy hết vai trò, vị thế của một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ lớn của cả nước.
Cụ thể, mức tăng trưởng chưa có tính đột phá; về quy mô nền kinh tế còn nhỏ; thu ngân sách còn thấp và chưa bảo đảm tự cân đối ngân sách. Thiếu các doanh nghiệp lớn có khả năng dẫn dắt nền kinh tế đi lên.
Đặc biệt, mục tiêu lớn nhất theo Kết luận 48 là “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” vẫn chưa đạt được. Hệ thống đô thị phát triển chậm. Lĩnh khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo chưa phát phát triển đúng tầm, thậm chí có nguy cơ mất vị thế trong Vùng.
Bên cạnh đó là một số hạn chế khác liên quan năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị, Công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy.
Ông Phan Ngọc Thọ đề nghị hội thảo ngoài nêu lên các nguyên nhân khách quan và chủ quan đã được chỉ ra trong đề án thì cần phân tích thêm các nguyên nhân. Đồng thời, đánh giá ảnh hưởng, tác động của các nguyên nhân trên đối với sự phát triển của Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, nhất là nguyên nhân do mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, nguyên nhân về nhận thức, về sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, nguyên nhân thiếu nguồn lực tài chính và hỗ trợ của Trung ương.
“Về bài học kinh nghiệm đúc kết, tôi đề nghị hội thảo đánh giá, phân tích một số bài học kinh nghiệm liên quan đến phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Phải lấy phục vụ người dân làm mục tiêu cao nhất, thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” gắn với “dân thụ hưởng””,ông Phan Ngọc Thọ quan điểm.
Liên quan đến quan điểm này, thời điểm mới nhận nhiệm vụ trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phan Ngọc Thọ từng chia sẻ với PV Người Đưa Tin về những kế hoạch, phương hướng xây dựng và phát triển của địa phương trong tương lai. Theo đó, ông Thọ nhấn mạnh, Thừa Thiên-Huế có vị trí địa lý khá đặc biệt ở khu vực miền Trung, với những thế mạnh nổi bật, chính vì vậy sự kết hợp khai thác hiệu quả các tiềm năng, cùng những bước đi phù hợp và ý chí quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thì Thừa Thiên - Huế sẽ bứt phá vươn lên phát triển vượt bậc trên cơ sở lấy chất lượng cuộc sống và sự hài lòng của người dân làm thước đo.
“Nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng cung cấp dịch vụ phục vụ, cải thiện sức khỏe của người dân là một trong những mục tiêu trọng tâm của tôi trên cương vị mới. Trong đó, nỗ lực thực hiện 5 hơn: chính quyền thân thiện hơn, thủ tục hành chính đơn giản hơn, thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, phương thức phục vụ hiện đại hơn và người dân hài lòng hơn”, thời điểm đó vị tân Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nói với PV.
Dẫn chứng cụ thể, thời gian qua, có thể thấy rằng, nhằm hạn chế những hậu quả khôn lường mà rác thải để lại đối với môi trường, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, mang lại hiệu ứng tích cực không chỉ trong tỉnh mà còn lan rộng trên toàn quốc, trở thành điểm sáng để nhiều địa phương học hỏi theo như: Phong trào Chủ nhật Xanh, nói không với túi ni-long...Ấn tượng với sự thành công đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần biểu dương, gửi thư chúc mừng Thừa Thiên-Huế.
Nguyên nhân cho sự thành công đó chính là nhờ được sự hưởng ứng, tham gia sâu rộng của người dân. Và quan trọng hơn hết để được sự hưởng ứng đó, người dân chính là người trực tiếp tham gia và là người được thụ hưởng trực tiếp nhất những giá trị thiết thực mà các chương trình đó mang lại.
Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì quan điểm của ông Phan Ngọc Thọ liên quan đến phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lấy phục vụ người dân làm mục tiêu cao nhất, thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” gắn với “dân thụ hưởng” là hoàn toàn đúng đắn.
Lê Kông