Cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội của UBND TP HCM sáng 29/8 nóng hơn hẳn với câu chuyện 4 giám đốc doanh nghiệp công ích hưởng lương tiền tỷ trong năm 2012.
“Mấy hôm nay nóng nhất là vụ lương giám đốc 2,6 tỷ đồng/năm. Nghe là thấy choáng rồi. Lãnh đạo ngành giao thông vận tải nào dự nói tôi nghe xem ngành của anh làm ăn sao mà giỏi vậy?", Chủ tịch Lê Hoàng Quân nêu vấn đề ngay sau khi nghe báo cáo của Văn phòng Ủy ban.
Giải trình về vấn đề này, ông Dương Hồng Thanh, phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết Công ty Công viên cây xanh - một trong bốn đơn vị trả lương khủng cho lãnh đạo - từng là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Sở GTVT. Từ 2010, đơn vị này không thuộc Sở nên "Sở không tham gia vào việc phê duyệt quỹ lương của doanh nghiệp nữa", doanh nghiệp tự chi trả theo quy định.
Tại cuộc họp tổng kết tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu sáng 29/8, chủ tịch Lê Hoàng Quân đặt nhiều câu hỏi về lương tiền tỷ của các giám đốc công ty Nhà nước.
Sốt ruột với giải thích này, ông Lê Hoàng Quân ngắt lời: "Thế có điều nào trong văn bản nhà nước chỉ đạo chuyển từ hợp động dài hạn sang ngắn hạn không?".
Theo kết luận trước đó của phó chủ tịch Lê Mạnh Hà, 4 công ty thuộc khối công ích của thành phố không chỉ chi lương lãnh đạo cao bất thường, mà còn tạo chênh lệch thu nhập bất bình đẳng trong nội bộ doanh nghiệp, ký hợp đồng sai quy định với những lao động thường xuyên, dài hạn.
Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Dương Hồng Thanh xác nhận các doanh nghiệp đã sai khi ký hợp đồng lao động như vậy. "Về điều này thì các doanh nghiệp đó đã sai hoàn toàn", ông Thanh nói.
Chủ tịch UBND TP HCM tiếp lời: "Về gốc độ nào đó các công ty này trực thuộc UBND thành phố, nhưng về chuyên môn là Sở Giao thông Vận tải. Thế đã sai thì phải xử lý thế nào?", ông Quân truy.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết, theo yêu cầu của UBND TP, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan như Sở Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh và xã hội tiến hành kiểm tra, kiểm điểm những trường hợp có sai phạm và sẽ có báo cáo gửi Ủy ban sớm.
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, cách đây một năm ông nghe nói có giám đốc công ty dịch vụ lĩnh lương 36 triệu đồng một tháng nên mới chỉ đạo chấn chỉnh. Đang trong quá trình chấn chỉnh thì một số công ty làm đơn phàn nàn định mức lương thấp, kiến nghị xem lại. Vì vậy, UBND TP mới có quyết định thanh tra các đơn vị kiến nghị này.
"Các vị cứ nghĩ làm như vậy là đúng rồi, ai dè thanh tra thì lại lòi ra sự việc như vậy", ông Quân nói và cho biết riêng công ty Công viên cây xanh năm ngoái đã được ngân sách đầu tư gần 600 tỷ đồng.
Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, trong đơn kiến nghị gửi Thành Ủy và UBND, Công ty Công viên cây xanh cho rằng "do thực hiện chỉ đạo của UBND TP nên làm giảm nguồn thu của công nhân". Qua kiểm tra lương công nhân thực tế có giảm, nhưng lương giám đốc thì không. Các công ty giải trình tiền do mình làm ra, không đụng đến ngân sách.
"Mấy ông giỏi vậy thì cần gì nhờ đến ngân sách. Rõ ràng là bớt lương của công nhân để làm giàu cho lãnh đạo. Cái tội này là phải trị tới nơi tới chốn. Như vậy là sai hoàn toàn, cả về quan điểm lẫn đạo đức. Trong khi thành phố đang cắt giảm chi tiêu, nỗ lực vượt qua khó khăn, các ông lại lãnh lương cao như thế", ông nói.
Ông Quân cũng đồng thời chỉ đạo các sở, ngành tổng kiểm tra quỹ lương của lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban. Riêng 4 công ty đã bị kiểm tra, ông Quân cho biết sẽ xem xét, rà soát thu hồi lại số tiền đã chi sai theo hướng thực hiện đúng chế độ chính sách đối với công nhân.
"Thật ra những công ty này cũng có sáng kiến. Căn cứ theo quy định, ban quản lý nào làm ra lợi nhuận cao thì cũng được hưởng xứng đáng. Nhưng mà quá đáng thì không được, phải phù hợp với mặt bằng chung, phù hợp với công sức cống hiến và phải tập trung chăm lo cho đời sống công nhân", ông Quân nói. Vị chủ tịch cũng không ngần ngại chia sẻ mức lương của mình hiện ngang với mức lương bộ trưởng, nghĩa là cộng tất cả các khoản cơm trưa, phụ cấp thì được khoảng 11 triệu đồng mỗi tháng.
Trước câu hỏi có hay không việc thay đổi nhân sự lãnh đạo ở 4 công ty công ích được cho là vi phạm này, ông Quân cho biết, thành phố đã chỉ đạo thành lập hội đồng kỷ luật do Sở Nội vụ chủ trì. Việc xử lý sai phạm này phải căn cứ vào kết quả thanh tra của các cơ quan chức năng.
"Cũng phải xem lại cơ chế chính sách của mình, giữa cơ chế và thực tiễn có vênh nhau không, rồi xem anh em họ vận dụng thế nào. Trên thực tế chính sách tiền lương theo quy định cũ đã lạc hậu nên khi đặt ra cơ chế cũng phải rà soát lại. Sai thì đã sai rồi, nhưng phải xem ở mức độ nào để xử lý cho có tình có lý", chủ tịch UBND TP HCM cho biết.
Bốn đơn vị đang gây chú ý vì trả lương tiền tỷ cho lãnh đạo đều hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Trong đó Công ty Thoát nước đô thị chi lương cả năm 2012 cho giám đốc là 2,6 tỷ đồng, chủ tịch Hội đồng thành viên 1,6 tỷ đồng, lương bình quân người lao động mùa vụ 5,4 triệu đồng mỗi tháng.
Tại Công ty Chiếu sáng công cộng TP HCM, lương Giám đốc cũng ở mức 2,2 tỷ đồng, chủ tịch Hội đồng thành viên 2,4 tỷ đồng, trong khi lương đối với lao động mùa vụ là 7,8 triệu đồng một tháng. Hai công ty còn lại, Công trình giao thông Sài Gòn và Công viên Cây xanh, mức chi trả cho lãnh đạo chưa tới tiền tỷ nhưng cao nhất cũng tới trên dưới 800 triệu đồng một năm.
Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 28/8, Bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng việc làm này của 4 công ty là không đúng. Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh Xã hội yêu cầu thanh tra vấn đề chi trả lương tại các đơn vị. Lãnh đạo của 4 doanh nghiệp trong cuộc tiếp xúc báo chí chiều 28/8 cho biết sẽ hoàn lại phần chi trả thừa so với quy định và đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Báo cáo UBND TP tại cuộc họp, ông Huỳnh Thanh Khiết, phó giám đốc Sở LĐ-TB và XH cho biết, vừa qua Sở này có phối hợp với Chi cục Tài chính doanh nghiệp nhà nước tiến hành thanh tra các đơn vị công ích 100% vốn Nhà nước (8 đơn vị) và hầu hết đều có sai phạm. Vi phạm nhiều nhất là các đơn vị chỉ ký hợp đồng thời vụ cho hầu hết các lao động, mặc dù các lao động này có người đủ điều kiện để ký hợp đồng có thời hạn, có người đủ điều kiện ký hợp đồng không thời hạn, để không đóng bảo hiểm. Ngoài ra, theo ông Khiết, các đơn vị trên cũng lấy quỹ lương của người lao động chi trả cho cán bộ viên chức. “Điều này hoàn toàn sai phạm kể cả về việc quản lý tài chính và đạo đức”, ông Khiết nhấn mạnh. Trong khi đó, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp nhà nước cho rằng, vấn đề xây dựng quỹ lương phải trên cơ sở định mức; thông tư 27 rất rành mạch 2 quỹ tiền lương: của ban điều hành và của người lao động. “Vì vậy, nếu lấy quỹ tiền lương của người lao động trả cho ban điều hành là sai, cố tình làm sai và không thể chấp nhận”, bà Trang cho biết. |
Theo VnExpress.net