Phát sóng trực tiếp vào tối ngày 6/9 qua nền tảng mạng xã hội, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM là khách mời đặc biệt của chương trình Dân hỏi – Thành phố trả lời.
Trong chương trình đặc biệt tối 6/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã trực tiếp chia sẻ thông tin với người dân về những định hướng, kế hoạch của Thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 sau ngày 15/9.
Nội dung chương trình tập trung vào các vấn đề như khi nào TP.HCM sẽ nới lỏng giãn cách xã hội, kế hoạch tiêm vắc-xin của Thành phố trong thời gian tới, các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch,…
Mở đầu chương trình, ông Phan Văn Mãi chia sẻ: “Trước hết, khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND TP.HCM, cá nhân tôi hứa sẽ hết sức cùng với tập thể UBND TP.HCM để công tác phòng, chống dịch đạt kết quả, cải thiện tình hình, ngăn chặn dịch bệnh; giảm tử vong, chăm lo an sinh cho bà con”.
Đến nay, Chủ tịch Phan Văn Mãi đã cùng thảo luận với chuyên gia, nhà khoa học trong việc xây dựng kế hoạch bài bản hơn để phục hồi kinh tế xã hội khi dịch được cải thiện hơn.
“Về lâu dài, phải có chiến lược khôi phục phát triển kinh tế xã hội xứng tầm với TP.HCM. Việc này sau khi chúng ta chống dịch thành công sẽ được tính tới”, ông Mãi nói.
Câu hỏi đầu tiên của người dân gửi đến chương trình là khi nào TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội? Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết: “Đây có lẽ là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm. Thành phố phải áp dụng cách ly, hạn chế di chuyển, hạn chế sinh hoạt, sản xuất”.
Khi áp dụng các biện pháp này, lãnh đạo chính quyền TP.HCM đã lường trước những ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội của địa phương.
“Vậy tại sao giãn cách mãi mà tình hình phòng chống dịch không cải thiện? Điều này có nguyên nhân khách quan là virus biển chủng Delta có tính chất phức tạp, lây lan nhanh. Còn yếu tố chủ quan là việc ứng phó của chúng ta có lúc cũng chưa kịp thời”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhận định.
Sau khi TP.HCM thực hiện được một số biện pháp phòng chống dịch một cách kịp thời thì tình hình bắt đầu có cải thiện.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi nói: “Trong thời gian gần đây, chúng ta thực hiện giãn cách nghiêm, ai ở đâu ở đó, khẩn trương tìm F0, tách ra khỏi phần còn lại để ngăn nguồn lây, diễn biến có tốt. Tôi tin tưởng, nếu thực hiện quyết liệt và đồng bộ hơn, kết quả phòng chống dịch trong thời gian tới sẽ được cải thiện hơn”.
Còn việc thực hiện giãn cách đến lúc nào để còn tính chuyện phát triển kinh tế là phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, chứ không thể nói cuối tháng 9 hay đầu tháng 10.
Khẳng định lại quyết tâm kiểm soát dịch tại TP.HCM trước ngày 15/9, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay, các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện cùng lúc với công tác xét nghiệm, phát hiện, điều trị F0 với mục tiêu giảm tử vong, đẩy mạnh bao phủ miễn dịch toàn dân bằng vắc-xin.
Nếu Thành phố có thể đạt mục tiêu theo lộ trình kiểm soát dịch trước ngày 15/9 thì sẽ có lộ trình nới lỏng giãn cách sau khi đánh giá lại, chuẩn bị các phương án với các kịch bản thực tế.
Chương trình Dân hỏi – Thành phố trả lời do sở Thông tin & Truyền thông TP.Hồ Chí Minh phối hợp với cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử, bộ Thông tin & Truyền thông đã tổ chức để chính quyền thành phố lắng nghe, đối thoại, giải đáp những nhu cầu, bức xúc, nguyện vọng của người dân.
Bằng việc sử dụng công cụ truyền thông mới trên mạng xã hội, chương trình đã trở thành một kênh cung cấp thông tin hiệu quả, chính xác, trực tiếp đến người dân, góp phần đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật đang lan rộng như hiện nay.
Qua 10 số phát sóng, chương trình đã thu hút được hơn 4,1 triệu lượt xem, gần 220 ngàn bình luận. Hơn 1,6 triệu lượt đăng ký nhận hỗ trợ của người dân thông qua chương trình đã được ban tổ chức gửi về các quận, huyện, TP.Thủ Đức để xử lý.
Nhờ đó góp phần thúc đẩy nhanh công tác giải ngân, cấp phát tiền hỗ trợ và túi an sinh cho người dân tại các địa phương.
Tính đến ngày 5/9, TP.HCM đã phát được hơn 1,6 triệu túi an sinh, giải ngân được hơn 4.896 tỷ tiền hỗ trợ cho hơn 2,4 triệu người dân, hộ gia đình và doanh nghiệp khó khăn vì dịch Covid-19.