Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 8/4, về việc tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại đồng bằng sông Cửu Long.
Từ đầu năm đến nay, tại đồng bằng sông Cửu Long đã liên tiếp xảy ra các đợt xâm nhập mặn và nắng nóng kéo dài.
Cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở địa phương đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ chuyên ngành.
Qua đó, đã giảm thiểu được thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân (người dân ở một số khu vực gặp khó khăn về nguồn nước, nhưng vẫn được bảo đảm nước sinh hoạt thông qua các biện pháp tăng cường cấp nước của chính quyền).
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến giữa tháng 5 năm 2024, tại đồng bằng sông Cửu Long có thể xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn (từ ngày 8 đến 13 tháng 4, từ ngày 22 đến 28 tháng 4 và từ ngày 7 đến 11 tháng 5 năm 2024), nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của nhân dân có thể tiếp tục xảy ra, nhất là tại các khu dân cư trên các cù lao, đặc biệt trong bối cảnh nguồn dự trữ nước ngọt đã suy giảm sau những đợt nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.
Để bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, chủ động ứng phó với các đợt xâm nhập mặn thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các địa phương có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn như các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau không được lơ là, chủ quan, tổ chức theo dõi sát tình hình, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2024, số 19/CĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2024 và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024.
Trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục tổ chức rà soát, nắm chắc thông tin tình hình về từng khu vực, từng ấp, xóm, từng hộ dân trên địa bàn có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt, nhất là các hộ dân sinh sống ở vùng ven biển, cuối nguồn cấp nước, khu dân cư trên các cù lao để có các phương án cụ thể phù hợp nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân, kiên quyết không để người dân không có nước sinh hoạt.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát các nguồn nước ngọt dự trữ trên địa bàn để có phương án cân đối, điều hòa nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước thực tế tại từng địa bàn, trường hợp không thể đáp ứng đủ các nhu cầu dùng nước thì phải ưu tiên sử dụng nguồn nước ngọt phục vụ cấp nước cho sinh hoạt của người dân và các nhu cầu thiết yếu khác.
Đồng thời, chủ động bố trí ngân sách của địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân.
Đặc biệt, Công điện nhấn mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng người dân không có nước sinh hoạt.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ ngành theo chức năng quản lý nhà nước được giao tiếp tục theo dõi sát diễn biến, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tại ĐBSCL để cơ quan chức năng, các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp, tránh hoang mang, không để xảy ra bị động, bất ngờ, bảo đảm đời sống người dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu mùa khô đến nay mặn xâm nhập ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023 nhưng không nghiêm trọng như các năm 2015-2016, 2019-2020.
Thời điểm mặn xâm nhập bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 12/2023 sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 tháng nhưng muộn hơn mùa khô năm 2015-2016.
Ước có khoảng 56.260ha lúa Đông Xuân và 43.300ha cây ăn trái tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập.
Tính đến ngày 6/4, các trà lúa đông xuân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch trên 1,3 triệu hécta, đạt 87,6% diện tích gieo sạ. Diện tích chưa thu hoạch còn khoảng 183.881ha.
Về nước sinh hoạt nông thôn, vùng đồng bằng sông Cửu Long có 73.900 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt tại các tỉnh Tiền Giang 8.800 hộ, Long An 4.900 hộ, Sóc Trăng 6.400 hộ, Bạc Liêu 4.900 hộ, Kiên Giang 20.000 hộ, Cà Mau 3.900 hộ.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện các vùng cửa sông Cửu Long, mặn xâm nhập có khả năng đã qua đỉnh cao nhất của mùa khô, dự báo các đợt mặn xâm nhập thời gian tới xuất hiện ở mức thấp hơn ngày 10/3/2024 nhưng vẫn duy trì ở mức tương đối cao, thời gian ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 4/2024. Các đợt mặn xâm nhập cao dự kiến xuất hiện từ ngày 7 đến 11/4 và từ ngày 23 đến 27/4.