Sáng ngày 27/11, các bác sĩ, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc cứu sống bệnh nhi ngưng tim, ngưng thở được trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.
Đại diện sở Y tế có PGS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM cùng ban Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1, đã trao tặng bằng khen cho cá nhân, tập thể bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, bác sĩ các bệnh viện tham gia cấp cứu bệnh nhi.
Theo đó, một ca viêm cơ tim tối cấp ngưng thở ngưng tim được cứu sống ngoạn mục nhờ sự phối hợp chuyên môn của 3 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, bệnh viện Nhi Đồng 1 và bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)
Các bác sĩ đã áp dụng quy trình báo động đỏ liên viện, nội viện.
Đồng thời, ứng dụng hiệu quả kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng với tuần hoàn ngoài cơ thể, hay kỹ thuật tim phổi nhân tạo – kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay trong cấp cứu cho bệnh nhân ngưng tim ngưng thở -PV) để cấp cứu cho bệnh nhân.
Bệnh nhi là Võ Nguyễn T. O., 12 tuổi, ngụ huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Bệnh nhân nhập viện lúc 21h ngày 25/10 do bệnh viện Bình Thuận chuyển đến, với chẩn đoán sốc tim, viêm cơ tim tối cấp, rối loạn nhịp tim.
Trước đó, bệnh nhi đột ngột than mệt, ngất, lơ mơ nhập bệnh viện huyện Bắc Bình, sau đó chuyển đến bệnh viện tỉnh Bình Thuận trong tình trạng sốc tim, nhịp tim chậm chỉ còn 26 lần/ phút.
Tại đây bé được chẩn đoán: sốc tim, viêm cơ tim tối cấp, rối loạn nhịp tim.
Bệnh viện Bình Thuận lập tức hội chẩn ngay với khoa Cấp cứu, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) và được hướng dẫn xử trí thở oxy, truyền thuốc vận mạch tăng nhịp tim và chuyển viện lúc 16g45 ngày 25/10.
Trên đường chuyển viện, nhân viên y tế thường xuyên liên lạc với bệnh viện Nhi Đồng 1 thông báo tình hình bé, để được hướng dẫn xử trí và thời gian dự kiến đến bệnh viện Nhi Đồng 1.
Nhận được thông tin khẩn cấp này, khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Nhi đồng 1 lập tức kích hoạt báo động đỏ liên viện và nội viện. Cụ thể, Khoa đã hội chẩn liên viện với bệnh viện Chợ Rẫy về kỹ thuật ECMO.
Đồng thời, Khoa cũng phối hợp cùng khoa Cấp cứu, Tim mạch, Ngoại khoa, xét nghiệm chuẩn bị trang thiết bị hồi sức cấp cứu như thở máy, chuẩn bị kỹ thuật ECMO, đặt máy tạo nhịp.
Đến 21h cùng ngày, bệnh nhân chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản giúp thở, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, thuốc kích thích tim hoạt động lại.
Đồng thời, các bác sĩ hồi sức bệnh viện Nhi đồng 1 và bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành kỹ thuật ECMO cho bệnh nhân. Cùng thời điểm, bác sĩ tim mạch tiến hành đặt máy tạo nhịp tạm thời cho bệnh nhân.
Sau hơn một giờ cấp cứu, tim bệnh nhân hoạt động lại, huyết động cải thiện hơn.
Tuy nhiên, 48 giờ sau, tim bệnh nhi lại rối loạn liên tục, gây trụy tim mạch, tổn thương gan thận.
Các bác sĩ tiếp tục điều trị bằng thuốc chống loạn nhịp, thuốc vận mạch và cho lọc máu liên tục cùng sự hỗ trợ hiệu quả của kỹ thuật ECMO, bệnh nhi đã vượt qua cơn nguy hiểm.
Sau 6 ngày chạy ECMO, tình trạng viêm cơ tim ổn định, bệnh nhi được cai ECMO tại khoa Hồi sức tích cực ngày 31/10.
Đến ngày 12/11, bệnh nhi hồi phục và được bác sĩ cho xuất viện.