Tham dự chương trình có gần 300 đại biểu doanh nhân trên toàn quốc được chọn lựa, gồm lãnh đạo của trên 30 các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp và các doanh nhân tiêu biểu đại diện các lĩnh vực ngành nghề, các địa phương, các quy mô doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham dự sự kiện quan trọng này.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI vui mừng cho biết chỉ cách đó ít phút Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới thay cho Nghị quyết 09 được ban hành cách đây 12 năm. Nghị quyết càng đặc biệt khi được ký ban hành ngay trong dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) - "ngày Tết" của giới doanh nhân.
Nghị quyết mới của Bộ Chính trị có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Đây không chỉ là những nội dung mới mà còn rất quyết liệt, rất trúng mong đợi của giới doanh nhân và xã hội.
Ôn lại truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, ông Phạm Tấn Công cho biết cách đây 78 năm, khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam vào ngày 13/10/1945. Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đã như làn gió mùa Xuân đem lại sự hồi sinh cho nền kinh tế, đặc biệt việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã khởi nguồn cho sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Đầu những năm 1990, sau khi Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân được ban hành, bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước, trong toàn quốc chúng ta chỉ có khoảng 5000 doanh nghiệp tư nhân.
“Ngày hôm nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có tới gần 900.000 doanh nghiệp, cùng với các DNNN, các DN FDI, các HTX tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đưa quy mô GDP Việt Nam nằm trong Top40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong Top20 của thế giới, sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước. Đời sống nhân dân được cải thiện vượt bậc, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, tăng 48 lần so với năm 1986”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Theo ông Phạm Tấn Công, với nhìn nhận doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế, thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước.
Với số lượng doanh nghiệp hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số 2 tới 3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới.
Trong khuôn khổ hội nghị, Chủ tịch VCCI đã nêu ra một số vấn đề trọng tâm để các đại biểu tập trung thảo luận.
Thứ nhất, về công tác xây dựng các hiệp hội doanh nghiệp vững mạnh, trong đó tập trung chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng hiệp hội, các khó khăn, vướng mắc, các thách thức và giải pháp vượt qua. Đâu là các trọng tâm cốt yếu trong tổ chức và hoạt động của hiệp hội doanh nghiệp, các kinh nghiệm hay trong tham gia xây dựng chính sách, môi trường kinh doanh, trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, trong phát triển tổ chức và hội viên.
Thứ hai, về liên kết, hợp tác giữa các hiệp hội và giữa các doanh nghiệp Việt Nam. “Đây là một nội dung mà được phần lớn các doanh nghiệp đánh giá là còn yếu so với các nước khác. Vậy chúng ta cần làm gì, làm như thế nào cải thiện tình hình, vì trong hội nhập quốc tế, chúng ta phải vừa cạnh tranh, vừa liên kết thì mới có thể thành công”, ông Phạm Tấn Công đặt vấn đề.
Thứ ba, về phát triển doanh nhân, doanh nghiệp và kinh tế đất nước. Theo Chủ tịch VCCI, hiện nay kinh tế nước ta và thế giới đều đang gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp lại càng khó khăn. Nhưng bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn cũng đang tạo ra cơ hội lịch sử cho Việt Nam tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế. Sự đứt gãy và sắp xếp lại của chuỗi cung ứng quốc tế do dịch covid-19 và do xung đột địa chính trị đang tạo ra cơ hội hiếm có để Việt Nam đón nhận làn sóng các nhà đầu tư, dòng vốn và công nghệ đang tìm điểm đến mới.
“Vậy Việt Nam nên làm gì, các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời nắm bắt cơ hội phát triển từ trật tự kinh tế mới, từ các xu thế phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn”, ông Công nói.
Thứ tư, về xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh Việt Nam, phát triển doanh nghiệp bền vững.
“Càng ngày chúng ta càng nhận thức vai trò và giá trị của văn hoá kinh doanh. Để hội nhập quốc tế thành công và phát triển bền vững, doanh nhân, doanh nghiệp phải trang bị cho mình bản sắc văn hoá kinh doanh. Đạo đức doanh nhân là yếu tố cốt lõi để xây dựng văn hoá kinh doanh, văn hoá kinh doanh lại là yếu tố nền tảng để phát triển doanh nghiệp bền vững”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Thứ năm, Chủ tịch VCCI cũng đề nghị các đại biểu nêu các đề xuất và kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ hoặc với VCCI.