Gỗ trắc ở rừng đặc dụng Đăk Uy một thời bị lâm tặc lén lút triệt hạ.
Nguyên nhân khiến người dân đổ xô đi tìm gỗ trắc bắt nguồn từ việc mới đây, ông A Phúc, Chủ tịch UBND xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) trong một lần đi ra con suối cạnh nhà bắt cá đã phát hiện một cây gỗ trắc dài khoảng 8m bị vùi sâu dưới lòng suối lâu năm. Cây gỗ trắc này được ông A Phúc bán cho tư thương với giá 120 triệu đồng. Nhiều người dân của thôn Đăk Năng (xã Đăk Sú, huyện Ngọc Hồi) trong lúc đi tìm gỗ trắc cũng phát hiện dưới lòng suối Đăk Hniêng một gốc gỗ trắc, bán được 60 triệu đồng.
Trước đó, vào tháng 3/2011, ông Nguyễn Ngọc Thanh (53 tuổi, trú xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) trong lúc đào hố trồng chuối ở cuối vườn nhà phát hiện cây trắc lõi lâu năm, chiều dài 21m, nằm sâu dưới lòng đất bùn 0,5m, bán được 1,12 tỷ đồng…
Được biết, vùng đất thuộc huyện Đăk Hà và Ngọc Hồi trước đây là “vùng rốn” của gỗ trắc. Sau năm 1975, để trồng cây cà phê, các nông trường đã khai thác rừng trắc lấy đất canh tác, chỉ thu gom một số gỗ trắc lớn, số còn lại (cây nhỏ, gốc, rễ, cành…) họ dùng xe ủi lùa xuống các ao hồ, khe suối...
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đăk Hà còn tồn tại khu rừng đặc dụng Đăk Uy do Nhà nước quản lý với trữ lượng gỗ trắc tương đối nhiều. Đây cũng là bài toán nan giải cho chính quyền sở tại khi thực thi nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trắc quý hiếm trước nạn lâm tặc đang ngày đêm nhòm ngó.
Theo Dân trí