Câu chuyện về một số lãnh đạo xã thiếu trình độ, lợi dụng kẽ hở để "móc túi" dân, thậm chí “hành” dân đã khiến nhiều người bức xúc. Đây cũng chính là lý do đề xuất dân được bầu trực tiếp Chủ tịch UBND huyện, xã trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Coi trời bằng... vung
Trong một lần trò chuyện với nguyên ĐBQH Nguyễn Lân Dũng, khi được hỏi về những tiếc nuối chưa làm được trong nhiệm kỳ, ông bảo buồn phiền nhất với ông là hàng nghìn đơn từ về đất đai của người dân chưa được giải quyết một cách thỏa đáng.
Trên thực tế, dân nghèo do những chính sách thiết thực chưa đến được với họ. Trong đó, trách nhiệm rất lớn thuộc về người đứng đầu. Hiện còn rất nhiều những “quan xã” thiếu trình độ khiến chính sách đến với người dân bị bẻ cong, những sai phạm từ chính quyền khiến người dân bất bình.
712m2 đất dù đã có quyết định thu hồi nhưng vẫn được gia đình ông Hoành sử dụng.
Thời gian qua, nhiều người dân xã Cao Xá (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) bức xúc trước những sai phạm của ông Cao Ngọc Hoành, Chủ tịch UBND xã Cao Xá. Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Cao Đại Sơn (khu Sơn Lĩnh, xã Cao Xá) phản ánh: "Chủ tịch UBND xã Cao Xá đã tự ý thay đổi tên gọi từ Cao Ngọc Tường thành Cao Ngọc Hoành năm 1989. Đến năm 1994 khi kết nạp Đảng, người này vẫn khai man lý lịch, lấy tên Hoành. Ngoài ra, vị chủ tịch xã này đi học bổ túc THPT khi chưa có bằng tốt nghiệp THCS".
Ông Sơn cho biết: "Ông Cao Ngọc Hoành đã bốn lần lấn chiếm đất công với tổng diện tích hơn 2.000m2, khi làm nhà đã lấn chiếm hành lang đê. Ông Hoành còn đào đắp ngòi tưới tiêu làm hồ nuôi cá, việc này làm thay đổi dòng chảy, gây ách tắc lưu thông tưới tiêu, sạt lở bờ ngòi và mái đê Lâm Hạc".
Qua kiểm tra, xác minh những nội dung tố cáo nêu trên, tại văn bản kết luận số 170/CAT-PA83 công an tỉnh Phú Thọ ngày 20/7/2012 đã khẳng định: "Ông Cao Ngọc Hoành có tên khai sinh là Cao Ngọc Tường, nhưng do trùng tên với người bác họ nên gia đình thường gọi là Hoành. Từ năm 1989, khi làm hồ sơ khám tuyển và đi nghĩa vụ quân sự, ông Tường tự khai tên là Cao Ngọc Hoành. Từ sau khi xuất ngũ về địa phương (1991) đến nay thì tên gọi và các loại giấy tờ đều lấy tên Hoành. Đối chiếu với quy định thì việc tự thay đổi tên từ Cao Ngọc Tường thành Cao Ngọc Hoành là không đúng theo quy định của pháp luật và vi phạm Nghị định số 04/CP ngày 16/01/1961 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ đăng ký khẩu". Văn bản này cũng kết luận nội dung đơn tố cáo ông Cao Ngọc Hoành vào học bổ túc THPT ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên khi chưa có bằng tốt nghiệp THCS là đúng.
Tiếp đó, tại văn bản kết luận số 17/KL-TTr của thanh tra UBND tỉnh Phú Thọ ngày 8/8/2012 ghi rõ: "Quá trình sử dụng đất, ông Cao Ngọc Hoành đã chiếm dụng thêm 160m2. Sau đó được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nội dung này công dân tố cáo là đúng". Văn bản cũng thừa nhận việc người dân tố cáo ông Hoành lấn chiếm hành lang đường và chiếm dụng 712m2 đất là đúng. UBND huyện Lâm Thao ngày 14/01/2013 đã có quyết định 49/QĐ-UBND về thu hồi 712m2 đất nông nghiệp mà ông Hoành đang sử dụng, nhưng đến nay UBND xã Cao Xá vẫn chưa thu hồi.
Dân mất lòng tin
Chiều 10/9, trao đổi với Người đưa tin, ông Trần Văn Thượng, Phó Chủ tịch huyện Điện Biên Đông cho biết: "Đúng là có sự chậm trễ về giống cho mùa vụ 2013 nhưng không phải là cục bộ mà chỉ xảy ra lẻ tẻ ở một vài nơi. Phía công ty cung cấp giống đúng thời vụ nhưng sau khi chúng tôi kiểm tra phát hiện một số bao giống ẩm mốc, không đảm bảo thì trả lại nên mới xảy ra sự chậm trễ". |
Chia sẻ với chúng tôi, ông Sơn cho rằng, những sai phạm cũng như do trình độ còn thiếu và yếu như vậy đã để lại nhiều hậu quả, cả trực tiếp và gián tiếp. Người dân trong xã đã mất lòng tin ở chính quyền, hình ảnh của cán bộ cũng xấu đi.
"Do việc lấn chiếm đất công của Chủ tịch Hoành chưa được giải quyết dứt điểm, nên một người dân đã tự ý ra đào ao thả cá trên phần đất đã được cấp có thẩm quyền ở huyện, tỉnh phê cho nhân dân làm nhà ở. Khi chúng tôi hỏi thì người ta bảo người khác làm được thì ông ấy cũng làm được. Xã đã lên lập biên bản nhưng gần hai tháng trôi qua người dân này vẫn công khai làm. Phải chăng vấn đề của chủ tịch xã không giải quyết triệt để nên người dân bắt chước làm theo? Việc đất lấn chiếm diện tích ngòi mới, là ngòi dẫn nước tưới tiêu và tiêu thủy cho dân trồng lúa, gây hậu quả gián tiếp cho việc lưu thông tưới tiêu và ách tắc dòng chảy. Dân chúng tôi bức xúc trước thực trạng này và phản ánh nhưng không được giải quyết", ông Sơn nói.
Cũng theo lời ông Sơn, tháng 6/2013, khi vị chủ tịch xã này đã ký một văn bản bầu trưởng khu dân cư có vận dụng quyết định số 13/2002/QĐBNV để xác định tiêu chí trưởng khu. Nhưng quyết định này đã hết hiệu lực từ ngày 15/10/2012. Đáng ra phải căn cứ thông tư 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 (thay thế QĐ13 nêu trên). Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, ông Hoành thừa nhận lỗi và bảo do văn phòng đánh máy sai (?!). Ngoài ra, xã đã cho đào một hố xử lý chôn lấp rác thải vệ sinh vài trăm mét vuông, vị trí tiếp giáp với nghĩa địa an táng của thôn ông Sơn. Quá bất bình, ngày 29/7/2013, cử tri hỏi việc này có được tỉnh cho phép không, ông Hoành trả lời: Tỉnh, huyện không cho, xã xét nhu cầu cần thì đào lên, khi không cần thì xã lấp lại. "Những việc làm trên cho thấy ông Hoành thể hiện trình độ yếu kém trong quản lý", ông Sơn khẳng định.
Ông Cao Ngọc Hoành, Chủ tịch UBND xã Cao Xá.
Không biết còn làm ẩu
Nhiệt huyết mà không có trình độ thì cũng bằng không Mỗi năm, có hàng chục, hàng trăm chính sách của Nhà nước đến dân. Những xã, huyện miền núi sẽ được quan tâm và có nhiều chính sách ưu đãi. Rõ ràng, nhiệt huyết là một nhẽ nhưng nếu người lãnh đạo không có trình độ, liệu những chính sách ấy có giúp được người nông dân thoát nghèo hay không? Đó là chưa kể đến đầy rẫy những câu chuyện chính sách đến với người dân bị chính lãnh đạo địa phương "bẻ cong", lấy tiền đút túi. Có đi nhiều về các vùng nông thôn miền núi mới thấy, chuyện dân phàn nàn về con đường trải nhựa sau 1 - 2 năm đã hỏng là lẽ thường. Chuyện những công trình phúc lợi xã hội vừa làm đã hỏng hóc diễn ra khá phổ biến. |
Câu chuyện người dân ở huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) nhận hỗ trợ giống nông nghiệp cho vụ mùa 2013 có sự chậm trễ. Không dừng ở đó, trên một số địa bàn, một số bao giống hỗ trợ đã hết hạn sử dụng, số khác thì bao bì không có nhãn mác. Chiều 10/9, trao đổi với PV, ông Trần Văn Thượng, Phó Chủ tịch huyện Điện Biên Đông cho biết: "Đúng là có sự chậm trễ về giống cho mùa vụ 2013 nhưng không phải là cục bộ mà chỉ xảy ra lẻ tẻ ở một vài nơi. Phía công ty cung cấp giống đúng thời vụ nhưng sau khi chúng tôi kiểm tra phát hiện một số bao giống ẩm mốc, không đảm bảo thì trả lại nên mới xảy ra sự chậm trễ".
Dư luận hẳn vẫn còn bất bình về câu chuyện một vài hộ dân tại xã Lê Lợi (Chí Linh, Hải Dương) bị chính quyền xã tẩy xoá giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) khiến sổ đỏ của họ trở nên mất giá trị. Chuyện éo le này xảy ra năm 2009. Cụ thể, trong thời gian năm 1996 - 1997, xã Lê Lợi có chủ trương làm đường giao thông nông thôn. Người dân tình nguyện hiến đất cho địa phương làm đường và làm công trình lợi ích công cộng. Do diện tích đất thay đổi, người dân đã kiến nghị phía xã xem xét làm lại sổ đỏ để diện tích đất được chính xác. Thế nhưng, thay vì hướng dẫn người dân đến đúng cấp có thẩm quyền làm lại thì UBND xã Lê Lợi đã chủ động đo đạc, đóng dấu xác nhận của xã lên sổ đỏ của người dân. Tiếp đó, khi người dân mang sổ đỏ đi thế chấp vay vốn ngân hàng thì bị từ chối với lý do: "Sổ đỏ nếu bị tẩy xoá, kẻ vẽ lại sẽ không đủ căn cứ và giá trị pháp lý".
Việc xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của UBND huyện Chí Linh. Nhiều người đặt câu hỏi, bản thân những vị lãnh đạo xã Lê Lợi là người đứng đầu, lo cho dân, lẽ ra những quy định tối thiểu như vậy phải nắm chắc hơn ai hết.
Mới đây, nghe câu chuyện của người bạn ở một xã miền núi của huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) mà tôi thấy xót xa. Khi có những dự án mới về xã, người nắm chức quyền biết trước thì vào mua đất của dân ở quanh dự án với giá rẻ bèo. Khi thấy có người bỏ tiền mua đất ở nơi khỉ ho cò gáy, người dân khấp khởi mừng. Thế nhưng, khi biết rõ về dự án mới đầu tư vào đây, phần đất mà người dân đã bán trước đó liền tăng giá gấp nhiều lần khiến bà con vô cùng bức xúc nên đã mang đơn đi... đòi đất.
Yến Dương