Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự tâm huyết, sự sắc bén về một vấn đề có nội dung rộng lớn, phong phú và phức tạp trên cơ sở cả lý luận và thực tiễn.
Trong bài viết, cá nhân tôi tâm đắc ở định hướng của Tổng Bí thư về một trong ba khâu đột phá là “phát triển nguồn nhân lực, trước hết là nguồn nhân lực chất lượng cao”. Ðây là một vấn đề quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi trình độ phát triển xã hội đòi hỏi một nguồn nhân lực phù hợp. Hiện nay vẫn có thực tiễn khác biệt, có những điểm không đồng đều giữa chỉ số phát triển nguồn nhân lực với chỉ số phát triển kinh tế của các địa phương.
Chúng ta biết rằng, nhân sự - con người luôn đóng vai trò trung tâm của sự phát triển, của công tác lãnh đạo, quản lý. Ðể có nguồn nhân lực chất lượng cao thì trước hết là phải có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Ðây là hạn chế mà hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đều gặp phải. Bởi muốn chiêu mộ được người tài thật sự thì cần phải có đãi ngộ xứng đáng với tài năng và sự đóng góp của họ, mà quy định hiện nay lại chưa “bắt kịp” với thực tiễn cuộc sống. Muốn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải thông qua công tác quy hoạch, bổ nhiệm, thi tuyển, bảo đảm cơ hội công bằng đối với tất cả các thành phần, đối tượng. Có như vậy cán bộ, đảng viên, người lao động mới yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý cống hiến, góp sức cho sự phát triển của địa phương.
Những năm qua, Ðảng bộ TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực và xác định đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đi đôi với chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ là khâu đột phá đầu tiên để thực hiện thắng lợi nghị quyết, kết luận của Trung ương và Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ thành phố. Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 27-12-2016 về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Nguồn nhân lực thành phố có sự chuyển biến tích cực về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 65% vào năm 2015 tăng lên 75% vào năm 2020; người lao động có trình độ khoa học - công nghệ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao ngày càng tăng; trình độ, năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều tiến bộ, đã được đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa theo chức danh và vị trí việc làm.
Lĩnh hội tinh thần trong bài viết của Tổng Bí thư, Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ sẽ chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành, tham mưu xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về phát triển nguồn nhân lực, đề xuất các chính sách thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chuyên gia đầu ngành, đội ngũ trí thức, cán bộ chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu hợp lý, phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
LÊ TẤN THỦ
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ
(Theo báo điện tử Nhân dân)