Ngày 20/12, viện Ngôn ngữ học (viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh ngôn ngữ học thế giới và khu vực”.
Hội thảo diễn ra phiên toàn thể và những phần thảo luận được chia theo 5 tiểu ban với nội dung thuộc các vấn đề: Ngôn ngữ học lý thuyết; Ngôn ngữ - Văn hoá; Ngôn ngữ học xã hội và liên ngành; Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, phương ngữ và lịch sử tiếng Việt và Ngôn ngữ học ứng dụng.
Phản biện thiếu căn cứ, đầy mâu thuẫn
Một trong những phần thảo luận đáng chú ý tại hội thảo, chính là về công trình nghiên cứu “Chữ Việt Nam song song 4.0” của nhóm tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình, vốn đã “gây bão” trong dư luận từ tháng 4/2020.
Sau phần thuyết trình của tác giả Kiều Trường Lâm, các chuyên gia ngôn ngữ học phản biện và đánh giá những khía cạnh của báo cáo.
Mở đầu phần trao đổi, chuyên gia Nguyễn Đức Hoàng bày tỏ: “Việc cấp bản quyền cho bộ chữ mới của “Chữ Việt Nam song song 4.0” là chuyện bình thường. Bản thân tôi cũng từng sử dụng những ký tự theo định nghĩa của riêng mình nhằm mục đích tốc ký, nếu tôi xin phép thì chuyện cấp bản quyền sáng tạo cũng chẳng mấy khó khăn. Bây giờ, ai muốn tốc ký theo quy định nào là quyền của mọi người. Vấn đề sáng tạo là của tác giả, còn vấn đề ai dùng thì để thời gian chứng minh tất cả!”.
Có mặt tại phiên thảo luận, người được biết đến với tư cách tác giả của Vietkey, TS. Đặng Minh Tuấn (học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông) cũng đưa ra những chất vấn đến nhóm tác giả: “Bài của tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình tôi có quan tâm và đã viết một bài đánh giá. Trong bài viết của hai tác giả, đã có một số khẳng định như sau: Chẳng hạn, khẳng định bộ gõ 4.0 đưa vào khoa học tự nhiên đưa vào kiểu gõ, vậy tôi không rõ khoa học tự nhiên ở đây là gì và mối liên hệ giữa khoa học tự nhiên với chữ Việt Nam “siêu nhanh” 4.0 là gì?
Thứ hai, khẳng định là giúp trẻ em học tốt hơn, phản ứng não tốt hơn, tăng khả năng tiếp thu trong tương lai, học tốt hơn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ. Đối với khẳng định này, tôi cũng thấy hoàn toàn mang tính chủ quan, chưa thấy có nghiên cứu cụ thể.
Khẳng định thứ ba, chính sự phân chia này mã hóa cho trí tuệ nhân tạo AI, mã hóa hàng tỷ văn bản. Tôi cho rằng khẳng định này là thiếu căn cứ, tác giả chưa nói rõ công nghệ AI là gì? Ở đây, nhóm tác giả gắn công nghệ mã hóa AI vào chữ viết 4.0 chưa thấy có căn cứ cụ thể. Khẳng định thứ tư trong bài viết, khuyến cáo sử dụng bộ gõ chữ viết song song 4.0 vào các tài liệu mật của quốc gia. Tôi được biết, các văn bản mật, theo pháp luật, phải sử dụng các thuật toán mã hóa của ban cơ yếu và có độ dài khóa theo quy định. Chính vì vậy, không thể khuyến cáo sử dụng bộ gõ không phù hợp”.
Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Hoàng Dũng - chuyên gia ngôn ngữ học (trường đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh) - cho biết: “Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của tác giả Đặng Minh Tuấn. Khi tôi phản biện báo cáo này, tôi đồng ý với những nhận định như sau: Việc đưa chữ Việt Nam song song thay đổi tiếng Việt thì không cần thiết. Nhưng nhóm tác giả này trình bày là chữ viết song song, người nào thích thì dùng, điều này là hoàn toàn tự do.
Tuy nhiên, về mặt khoa học, nhóm không thuyết phục được tôi, gồm hai vấn đề. Một là về kỹ thuật máy tính, tác giả nói sẽ ứng dụng vào mã hóa, không ai đi mã hóa một thứ đơn giản. Mã hóa là một chuyện khoa học, có khi phải cho máy chạy cả năm còn chưa biét có giải mã được không; trong khi, bộ chữ này quá đơn giản, chỉ như “trò trẻ con”. Và bản thân điều này cũng mâu thuẫn với nội dung mà tác giả trình bày, rằng gõ kiểu này thì đưa vào máy bung ra rất nhanh, nếu như vạy thì làm sao có bảo mật?
Bên cạnh đó, về mặt ngôn ngữ học cần nhiều điều để nói. Ví dụ như chữ “q” thay thế cho cụm “qu”, rồi quân với huân là khác vần, dạy trẻ con là rất khó. Vậy nên theo báo cáo, tính ứng dụng là rất nhanh nhưng tôi không biết có nhanh thật không. Ngay trong báo cáo, những điều tóm tắt không được trình bày ở trên, không hề trình bày thực nghiệm trước đó, lấy gì mà kết luận, tóm tắt? Hoặc, sự phân biệt về chữ nguyên âm và phụ âm là hoàn toàn lẫn lộn hết cả. Toàn bộ kiến thức ngữ âm không áp dụng được vào đây, muốn viết được, phải quên hết...”.
“Không phải đi tìm độc giả khen mình, điều đó không khó, cho dù tôi có viết không hay, vẫn kiếm dược ít nhất 100 người khen. Vậy nên, có người khen không quan trọng. Quan trọng là phải chứng minh được không mâu thuẫn trong phạm vi về mặt lý thuyết và áp dụng trong thực tiễn, có những thông số chứng minh” - PGS.TS Hoàng Dũng nhấn mạnh.
Đừng để con cháu không đọc được chữ của cha ông
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn - nguyên Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học, trường đại học Khoa học, Xã hội & Nhân văn (đại học Quốc gia Hà Nội) - đánh giá: “Quan điểm của tôi là tôn trọng sản phẩm của cá nhân tác giả, nhưng về mặt ứng dụng và tham vọng làm việc thì không được. Nhóm tác giả nếu có ý định thay thế tiếng Việt là bất khả thi, xét về mặt ngôn ngữ học cũng như về mặt xã hội, pháp lý thì điều đó là bất khả thi, sẽ sinh ra rất nhiều hệ lụy khác. Về mặt ứng dụng thông tin cũng không thể ứng dụng được. Vì vậy, chỉ có thể thu hẹp phạm vi, có thể dùng về mặt cá nhân, tốc ký, hoặc viết nhật ký hay dùng như mật mã trong một ngánh nghề nào đó thì có thể sử dụng.
Còn nếu tham vọng lớn quá, coi đây là sản phẩm cả đời của mình, cống hiến cho Tổ quốc thì không thể. Tôi biết tác giả đã theo đuổi hàng chục năm nay với công trình này rồi, nhưng đứng về mặt khoa học, tôi mong tác giả nên cân nhắc lại, để định hướng lại, giới hạn phạm vi, đầu tư vào việc khác thì hơn”.
GS.TS Vũ Đức Nghiệu - khoa Ngôn ngữ học, trường đại học Khoa học, Xã hội & Nhân văn (đại học Quốc gia Hà Nội) - cũng đồng tình với những đánh giá trên. “Tôi rất cổ động các ý tưởng sáng tạo, vì nếu không sáng tạo thì không làm được gì. Tuy nhiên, phải tính đến sáng tạo cái gì, sáng tạo để làm gì và có làm được không, nếu không lại đổ mồ hôi mà không đạt kết quả.
Khi đặt ra một bộ chữ viết mới thay thế bộ chữ viết cũ, cần phải có suy nghĩ và tính toán. Sáng tạo chữ viết mới có thể làm ra bộ gõ để làm một bộ tốc ký là hữu ích. Liệu đã phản ánh hết dược chưa và có phản ánh hết không, rồi có tiết kiệm được hat không? Hơn nữa, để thay bộ chữ viết mới cần cân nhắc: Chỉ trong 50 năm nữa, toàn bộ tài sản văn bản có từ trước tới nay dùng chữ Quốc ngữ trở thành văn bản cổ, các thế hệ sau không thể đọc được chữ viết cha ông, phải quay lại học một văn tự “đã chết” như chữ Latin. Vậy bài toán tiết kiệm lại phải tính toán lại, chứ không, chỉ 30 - 50 năm nữa là con cháu chúng ta thậm chí không đọc được di chúc của chúng ta”.
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng viện Ngôn ngữ học - cũng chia sẻ: “Hiện tại, rất nhiều người trên thế giới đang quan tâm đến bài báo cáo này. Chúng tôi chủ trương trân trọng khi nhóm tác giả có những sáng tạo. Trước đây, nhóm tác giả cũng có những tham vọng, thay thế chữ Quốc ngữ. Nhìn nhận lại, từ thế kỷ XIX đến nay, đã có rất nhiều ý tưởng cải cách chữ Quốc ngữ như GS. Bùi Hiền và một số tác giả trước đó nhưng đều thất bại.
Tuy nhiên, đến hiện nay, nhóm tác giả chỉ hướng đến một kiểu gõ bung ra thành chữ Quốc ngữ thôi. Nhưng cũng chưa từ bỏ hẳn ý định ban đầu, chữ này sẽ được sử dụng trong những nhóm nhỏ, như "teencode" trong cộng đồng hiện nay...”.
Rút ngắn mà khó hơn thì chẳng ai học
Chốt lại, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - nhấn mạnh: “Hội thảo đưa báo cáo vào là tôn trọng một ý kiến đã tham dự diễn đàn. Khoa học là của tất cả mọi người. Mặc dù hai tác giả không liên quan đến ngôn ngữ học mà vẫn đang đeo đuổi, nên trân trọng.
Nhóm tác giả không phải tham vọng thay thế chữ Quốc ngữ, bởi như thế sẽ “húc đầu vào đá”.
Chỉ là xây dựng một bộ gõ để đưa ra văn bản thôi. Tuy nhiên, vẫn phải quay lại phân tích âm vị, cần có nguyên tắc để xây dựng, nếu không có nguyên tắc thì đưa vào sử dụng sẽ vấp vào hỗn loạn. Nếu học để rút gọn mà còn khó hơn học những cái khác thì chẳng ai học. Khích lệ giới trẻ quyết tâm làm một công việc nào đó, nhưng phải xác định công việc đó không khả thi thì không nên cân nhắc, tính toán”.
Cẩm Mịch