Cửa chùa mở về hai hướng là Đông và Tây, sáu cây cột trước chính điện có khắc hình tiên nữ và chim thần. Mái chùa lợp ngói ba tầng, được chống đỡ bởi 12 cột bằng gỗ quý sơn son thếp vàng, hình rồng. Mái trên có cùng dốc và cao hơn hai mái kia...
Chùa Angkorajaborey có hơn 30 sư sãi, toàn nam giới, chủ yếu là người Khmer. Người cao tuổi nhất trong chùa năm nay đã hơn 80, người nhỏ tuổi nhất năm nay chưa đến 10. Hàng ngày, buổi sáng, tất cả các sư sãi thức dậy vào lúc 4h sáng, cùng tới chùa chính để tụng kinh. Đến 6h các sư sãi ăn cháo, sau đó đi khất thực quanh vùng.
Từ 12h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau, tất cả các sư sãi trong chùa không ăn gì, chỉ... uống nước đường, hoặc sữa (nếu có). Thầy trụ trì cho biết, dù chỉ ăn một một bữa nhưng các sư sãi có thể ăn mặn (được ăn thịt, cá) vì quan niệm ăn mặn hay nhạt cũng chỉ là cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi sống cơ thể (phần xác), còn cái đạo thuộc về tâm hồn, trí tuệ và đức hạnh.
Trong chùa nếu có vật nuôi thì vật nuôi đó sẽ được cho ăn ngày hai bữa, cho dù nhà chùa có khó khăn đến mấy vì nhà chùa quan niệm, nếu để chúng đói ăn hoặc chết đói thì là phạm vào tội lớn.
Chùa Angkorajaborey là nơi bảo tồn, lưu trữ và phổ biến những kinh điển, giáo lý, sách báo, tác phẩm văn học nghệ thuật và đồng thời cũng là trường dạy chữ Khmer cho con em và sư sãi trong vùng.
Bất kỳ ai cũng có thể đến chùa Angkorajaborey để tu dưỡng mà không cần xin phép gia đình và cũng có thể hoàn tục, nhưng phải xin phép sư trụ trì và báo khắp với đồng môn...